Thứ bảy, 12/12/2020,07:52 (GMT+7)
Phát triển mô hình hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao
Khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX) đã từng bước thoát khỏi tình trạng yếu kém kéo dài, có bước phát triển tích cực cả về số lượng và chất lượng. Nhiều loại hình HTX, mô hình kinh tế tập thể có hiệu quả.
 
Ngày 11-12, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Liên minh HTX Việt Nam tổ chức Diễn đàn Kinh tế hợp tác, HTX năm 2020 với chủ đề: Liên kết, hợp tác cùng phát triển - Xu hướng hội nhập quốc tế và thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.
 
Đã có HTX doanh thu trăm tỷ 
 
Phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Trình Đình Dũng nhấn mạnh: Kinh tế tập thể, nòng cốt là HTX và tổ hợp tác là một thành phần kinh tế có vai trò to lớn, ý nghĩa toàn diện về mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của đất nước. Mô hình HTX được xây dựng và phát triển nhằm phát huy tri thức, kinh nghiệm và nguồn lực của các thành viên để trở thành sức mạnh cộng đồng, thích ứng với điều kiện cạnh tranh thị trường, khắc phục được những hạn chế của sản xuất cá thể, nông hộ nhỏ lẻ của người dân.
 
Khu vực kinh tế tập thể, HTX đã từng bước thoát khỏi tình trạng yếu kém kéo dài, có bước phát triển tích cực cả về số lượng và chất lượng; đã xuất hiện nhiều loại hình HTX, mô hình kinh tế tập thể có hiệu quả.
 
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện cả nước có 26.112 HTX (trong đó có 17.462 HTX nông nghiệp, 8.650 HTX phi nông nghiệp), thu hút gần 6,1 triệu thành viên tham gia. Số lao động làm việc trong HTX khoảng 1,133 triệu người. Đóng góp của khu vực kinh tế hợp tác, HTX thể hiện qua hai kênh: Đóng góp trực tiếp của khu vực HTX, liên hiệp HTX, tổ hợp tác vào tăng trưởng kinh tế và đóng góp gián tiếp thông qua tác động tới kinh tế thành viên, HTX thành viên, thành viên tổ hợp tác.
 
Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, mặc dù tình hình kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng có nhiều bất ổn, ngân sách hạn hẹp, hội nhập kinh tế quốc tế và cạnh tranh thị trường ngày càng gay gắt nhưng khu vực HTX vẫn hoạt động khá ổn định. Đã xuất hiện một số HTX có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng trên phạm vi nhiều tỉnh, doanh thu cao hàng trăm tỷ đồng, thu hút nhiều lao động, đóng góp vào ngân sách nhà nước không hề kém bất kỳ doanh nghiệp lớn nào.
 
“Những kết quả tích cực này có được nhờ vào việc ban hành và triển khai các chính sách hỗ trợ, ưu đãi của nhà nước và chính quyền các địa phương đối với hợp tác xã sau khi Luật HTX năm 2012 được Quốc hội thông qua, đặc biệt là từ năm 2016 trở lại đây. Cùng với đó là sự đồng hành, hỗ trợ tích cực cả về mặt tài chính lẫn chuyên môn, đào tạo nhân lực, xây dựng chính sách của các tổ chức quốc tế dày dặn kinh nghiệm”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.
 
Tăng cường sự liên kết
 
Tại diễn đàn, các bộ, ngành, tổ chức quốc tế và HTX đã có dịp trình bày, trao đổi các ý kiến, tập trung vào những cơ hội, thách thức và các vấn đề mới trong phát triển kinh tế tập thể, HTX Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung. Đồng thời đưa ra các đề xuất để tăng cường hợp tác, kết nối thị trường, chia sẻ kinh nghiệm của các chuyên gia trong và ngoài nước, các HTX… góp phần thúc đẩy phát triển HTX trên tất cả các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế.
 
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thẳng thắn chỉ ra, khu vực kinh tế tập thể, HTX vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn cần tập trung khắc phục trong thời gian tới. Đó là: Tốc độ tăng trưởng còn thấp so với các khu vực kinh tế khác. Tỷ lệ đóng góp vào GDP chỉ khoảng 4%, chưa đáp ứng yêu cầu. Phần lớn tổ chức kinh tế tập thể, HTX có quy mô nhỏ, sức cạnh tranh yếu, hạn chế về khả năng huy động nguồn lực từ thị trường để đầu tư sản xuất, kinh doanh. 
 
Bên cạnh đó, HTX phát triển không đồng đều giữa các vùng, miền và giữa các khu vực. Trong thực tế, số lượng HTX có tăng nhưng số lượng thành viên có xu hướng giảm; sự gắn kết lợi ích giữa thành viên và HTX chưa cao, thiếu tính bền vững.
 
Khẳng định kinh tế tập thể là một thành phần quan trọng trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, Phó Thủ tướng nhấn mạnh trong thời gian tới cần phát triển kinh tế tập thể nhanh và bền vững, bảo đảm nguyên tắc tự nguyện, xuất phát từ nhu cầu, lợi ích của người dân và tổ chức tham gia với nhiều hình thức liên kết, hợp tác đa dạng, phát huy tối đa lợi thế của các vùng, miền. Cụ thể, cần tăng cường liên kết giữa các HTX, hình thành các hiệp hội, liên hiệp HTX; phát triển kinh tế tập thể theo hướng gắn sản xuất, kinh doanh với chuỗi giá trị sản phẩm và đóng góp thiết thực vào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, xây dựng cộng đồng thân thiện, văn minh, nhất là ở khu vực nông thôn…. 
 
Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương trong phạm vi trách nhiệm, quyền hạn của mình, nhanh chóng tổ chức thực hiện nhiệm vụ, giải pháp phù hợp để khuyến khích hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX. Tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý, cơ chế chính sách liên quan đến kinh tế tập thể, HTX. Nghiên cứu, đề xuất giải pháp hoàn thiện các quy định còn bất cập tại Luật HTX năm 2012 theo hướng đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong thành lập, đăng ký và giải thể HTX… 
 
Tăng cường trách nhiệm của hệ thống Liên minh HTX các cấp với vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế tập thể, HTX, là tổ chức đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các thành viên. 
 
Mục tiêu đến cuối năm 2025, thành lập mới 10.000 tổ chức kinh tế tập thể, bao gồm HTX, liên hiệp HTX, tổ hợp tác; thu hút khoảng 8 triệu thành viên tham gia vào các tổ chức kinh tế tập thể. Trong đó, xây dựng 3.000 mô hình tổ chức kinh tế tập thể ứng dụng công nghệ cao, có sản phẩm gắn với chuỗi giá trị, phát triển bền vững.
 
TÔ HÀ - (nhandan.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu