Chương trình phát triển thị trường KH và CN đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2075/QĐ-TTg ngày 8-11-2013. Mục tiêu của chương trình là tăng giá trị giao dịch mua bán các sản phẩm và dịch vụ KH và CN trên thị trường, tăng tỷ trọng giao dịch mua bán tài sản trí tuệ; thiết lập mạng lưới sàn giao dịch công nghệ. Chương trình đã thu hút được khoảng 45% nguồn kinh phí đối ứng từ các doanh nghiệp tham gia để phát triển công nghệ, qua đó cho thấy hiệu quả trong việc thúc đẩy hợp tác công tư, liên kết giữa tổ chức KH và CN với doanh nghiệp để phát triển thị trường KH và CN.
Theo Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH và CN (Bộ KH và CN), kết quả của các nhiệm vụ nghiên cứu hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển thị trường KH và CN đã mang các cơ sở khoa học để chương trình có định hướng cho việc phát triển thị trường KH và CN thời gian tới. Thí dụ, mô hình định giá công nghệ ATWOM được xây dựng trên cơ sở định giá thử ba công nghệ ở Việt Nam thuộc lĩnh vực: Chế tạo máy, sinh học và năng lượng và đề xuất các giải pháp để có thể ứng dụng và phát triển mô hình trong điều kiện Việt Nam. Việc áp dụng mô hình định giá công nghệ sẽ giúp giải quyết nhu cầu của các tổ chức cung cấp dịch vụ định giá công nghệ, phục vụ các đơn vị có nhu cầu định giá công nghệ trong quá trình chuyển giao công nghệ, cấp bản quyền, sáp nhập, mua bán, tách hoặc liên doanh. Bên cạnh đó, nhóm nhiệm vụ này còn đề xuất giải pháp nâng cao năng lực đổi mới, chuyển giao, thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ trong trường đại học, giúp hướng tới hình thành phương pháp đánh giá năng lực tiếp thu, năng lực làm chủ công nghệ của các doanh nghiệp, phục vụ quá trình thương mại hóa kết quả nghiên cứu và phát triển công nghệ, sở hữu trí tuệ và phát triển thị trường KH và CN.
Nhóm dự án phát triển, nâng cao năng lực hoạt động của tổ chức trung gian đã góp phần đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ xây dựng cơ sở dữ liệu về công nghệ, tài sản trí tuệ, thúc đẩy hoạt động liên kết các sàn giao dịch công nghệ. Có khoảng hơn 1.000 cán bộ làm việc trong các tổ chức trung gian là các trung tâm ứng dụng KH và CN, sàn giao dịch công nghệ, trường đại học, viện nghiên cứu được đào tạo các kỹ năng về thương mại hóa công nghệ, được phổ biến kiến thức về các văn bản pháp luật liên quan phát triển thị trường KH và CN. Đáng chú ý, chương trình đã hỗ trợ dự án “Thiết lập, duy trì và phát triển cơ sở dữ liệu thông tin trực tuyến về đối tượng sở hữu công nghiệp và công cụ khai thác phục vụ doanh nghiệp vừa và nhỏ”. Dự án đã góp phần thúc đẩy thị trường KH và CN thông qua việc cung cấp thông tin tin cậy và tư vấn kịp thời về tình trạng pháp lý của tài sản trí tuệ cho các doanh nghiệp Việt Nam, giúp các doanh nghiệp giảm tới mức thấp nhất rủi ro khi tham gia hoạt động giao dịch, mua bán công nghệ, chuyển nhượng.
Để thúc đẩy hoạt động giao dịch của các sàn giao dịch công nghệ, một trong những dự án quan trọng là “Xây dựng hệ thống liên kết các sàn giao dịch công nghệ và thiết bị trực tuyến vùng duyên hải Bắc Bộ nhằm thúc đẩy thị trường công nghệ tại Việt Nam”. Dự án đã góp phần phát triển thị trường KH và CN bằng cách ứng dụng công nghệ thông tin trong việc kết nối mua, bán công nghệ để đẩy mạnh quá trình thương mại hóa sản phẩm công nghệ, thiết bị, kết quả nghiên cứu ra thị trường trên sàn giao dịch công nghệ. Nhóm dự án thương mại hóa công nghệ tập trung vào các lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ thực phẩm, thủy sản, cơ khí chế tạo, điện tử, na-nô, y dược cho các viện, trường, và doanh nghiệp. Đây là một trong số các nhóm dự án được các tổ chức tham gia hưởng ứng cao bởi nhiều kết quả nghiên cứu mới chỉ dừng lại ở quy mô phòng thí nghiệm và đang cần hỗ trợ chuyển tiếp sang giai đoạn sản xuất thử nghiệm trên quy mô công nghiệp, đánh giá thị trường, hợp chuẩn hợp quy… để có thể thương mại hóa. Các sản phẩm KH và CN hầu hết được đăng ký sở hữu trí tuệ, hoàn chỉnh hiệu chuẩn công nghệ để bảo đảm đủ tiêu chuẩn thương mại trên thị trường, tạo ra các sản phẩm có nhiều đặc tính kỹ thuật mới, góp phần tăng năng lực cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước.
Tuy nhiên, theo Cục trưởng Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH và CN Phạm Hồng Quất, từ thực tiễn triển khai đã đặt ra những yêu cầu cụ thể khi thiết kế chương trình cho giai đoạn tới. Đó là quy mô đầu tư và phạm vi tác động của chương trình cần được mở rộng để nhanh chóng đáp ứng yêu cầu đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp. Các kênh nhập khẩu và chuyển giao công nghệ cần được hình thành mới và phát triển một cách linh hoạt nhằm gia tăng tỷ trọng công nghệ trong cơ cấu công nghệ, thiết bị nhập khẩu, nhất là các thúc đẩy kênh nhập khẩu công nghệ từ khối các nước phát triển, đáp ứng nhu cầu công nghệ của thị trường trong nước. Các mô hình liên kết giữa viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp và Nhà nước trong hỗ trợ hoạt động thương mại hóa và chuyển giao kết quả KH và CN cần được xây dựng nhằm khai thác triệt để và có hiệu quả các nguồn cung công nghệ trong nước. Các tập đoàn sản xuất, các doanh nghiệp lớn, các hiệp hội ngành nghề cần được giao vai trò dẫn dắt và định hướng trong lựa chọn, tìm kiếm và đầu tư công nghệ phục vụ đổi mới sáng tạo theo chuỗi giá trị sản phẩm và hàng hóa. Ngoài ra, cần hoàn thiện hành lang pháp lý và cải cách thủ tục hành chính để thúc đẩy phát triển thị trường KH và CN thời gian tới.