Chủ nhật, 10/01/2021,16:15 (GMT+7)
“Phép thử” 2020 và kỳ vọng tăng trưởng năm mới
Năm 2020, cả nước có 32,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19, gồm người bị mất việc làm, nghỉ giãn việc, giảm thu nhập… Con số này được Tổng cục Thống kê công bố mới đây. Điều này cũng phản ánh tình trạng “sức khỏe” của doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất kinh doanh. Mặc dù năm 2020 đầy khó khăn và thách thức, nhưng có rất nhiều DN đã thích ứng, nhạy bén tìm cơ hội kinh doanh trong trạng thái bình thường mới. Năm 2021, DN kỳ vọng kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi tốt hơn nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19.
Lữ hành Quốc tế Hieutour Co., Ltd hướng dẫn du khách tham quan chợ nổi Cái Răng, Cần Thơ những ngày chưa bùng phát dịch COVID-19. Ảnh: CTV
 
“Mục tiêu kép” của DN
 
Theo Tổng cục Thống kê, trong 32,1 triệu người bị ảnh hưởng, có 69,2% bị giảm thu nhập, 39,9% phải giảm giờ làm/nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên và khoảng 14% buộc phải tạm nghỉ hoặc tạm ngừng việc. Khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, với 71,6% lao động bị ảnh hưởng việc làm; tiếp đến là khu vực công nghiệp - xây dựng với 64,7% lao động bị ảnh hưởng; khoảng 26,4% lao động khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản bị ảnh hưởng việc làm. Ðây là lần đầu tiên trong suốt thập kỷ qua, nền kinh tế Việt Nam chứng kiến sự sụt giảm nghiêm trọng về số người tham gia thị trường lao động và số người có việc làm.
 
Có thể nói, đại dịch COVID-19 đã “xuyên thủng” kế hoạch sản xuất kinh doanh của DN. Nhiều ngành, lĩnh vực sụt giảm mạnh về doanh thu, nhất là dịch vụ, thương mại. Trong bối cảnh khó khăn, để tồn tại và thích ứng với trạng thái bình thường mới, nhiều DN đã có sự chuyển động rất linh hoạt.
 
Ông Nguyễn Hồng Hiếu, Giám đốc điều hành Công ty TNHH MTV TM-DV Du lịch Hồng Hiếu, TP Cần Thơ, cho biết: “Công ty luôn có những phương án dự phòng cho những tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Khi dịch bệnh COVID-19 chuyển biến ngày một phức tạp hơn, các đường bay quốc tế đến và đi từ Việt Nam cũng vô cùng hiếm hoi, Công ty đã không còn nhiều cơ hội tổ chức tour cho du khách quốc tế như trước năm 2020. Vì vậy, nhận định thị trường du lịch nội địa là cơ hội, Công ty đã vượt qua những thử thách để khai thác thị trường tiềm năng này”.
 
Theo ông Nguyễn Hồng Hiếu, trong suốt 1 năm qua, kể từ ngày dịch bệnh bùng phát, Công ty đã tập trung vào thị trường nội địa nhằm mở rộng cơ hội kinh doanh và tạo ra cơ hội việc làm cho công nhân viên. Ðối tượng khách hàng của Công ty có 2 phân khúc là khách đoàn đến từ các DN đa ngành nghề trên địa bàn TP Cần Thơ, yêu cầu phần lớn là tổ chức tour kết hợp với hoạt động teambuilding và sự kiện và đối với các nhóm khách lẻ đi từ 2 khách đến dưới 20 khách. Du lịch với nhóm gia đình hướng đến tour tham quan ngắn ngày. Song song đó, Công ty thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của các cấp về phòng chống dịch bệnh tại DN; hoạch định rõ những chính sách có thể hỗ trợ cho công nhân viên nếu tiếp tục làm việc cùng DN vượt qua giai đoạn đầy thử thách, đó là chỉ có thể hỗ trợ 50% lương chính thức trong hết năm 2020.
 
Song song với chinh phục thị trường, nhiều DN đã hoạch định kế hoạch ứng phó, thích ứng trong đại dịch. Chẳng hạn như Công ty CP May Meko đã linh hoạt cho công nhân giãn việc để đảm bảo việc làm, giữ công nhân lành nghề và tạo điều kiện tối đa để công nhân có cuộc sống ổn định. Ông Trần Chí Gia, Giám đốc Công ty CP May Meko, Khu công nghiệp Trà Nóc I, TP Cần Thơ, cho biết: “Công ty chủ yếu gia công sản phẩm cho thị trường Nhật Bản chiếm 50%, EU 45% và Hoa Kỳ 5%. Diễn biến phức tạp của đại dịch, DN vẫn cố gắng xuất khẩu trên 1 triệu sản phẩm. Khó khăn nhưng không sa thải công nhân”.
 
 Linh động tiếp cận thị trường
 
Có thể thấy rằng, DN đã tận dụng rất tốt thị trường “ngách” để tìm hướng đi riêng cho mình trong khó khăn. Ông Nguyễn Hồng Hiếu cho biết: “Lữ hành Quốc tế Hieutour Co., Ltd đã có mặt trên sách du lịch quốc tế Lonley Planet, Rough Guides và trang web du lịch nổi tiếng của Mỹ TripAdvisor trong suốt hơn 5 năm qua. Dựa vào đây, chúng tôi vẫn có được một lượng khách du lịch quốc tế làm việc và sinh sống tại Việt Nam. Họ luôn tìm đến Công ty để tổ chức tour cho họ và gia đình tham quan Mekong Delta từ TP Hồ Chí Minh. Qua đó Công ty đã duy trì được hoạt động, cùng với cán bộ công nhân viên vượt qua 1 năm đầy biến động”.
 
Theo ông Hiếu, du lịch là ngành chủ đạo của Công ty, nhưng với những khó khăn hiện tại, Công ty cũng đã chuyển sang thị trường xuất nhập khẩu nông sản. Thị trường mà Công ty hướng đến vẫn là nội địa và các nước Ðông Nam Á trong năm 2021. Ngoài ra, phát triển dịch vụ hỗ trợ các kênh online marketing và digital marketing cho các DN đang có nhu cầu, mong muốn phát triển kênh bán hàng của họ hiệu quả. Chủ đạo các sản phẩm du lịch trong năm 2021 hướng đến là các tour du lịch trải nghiệm mới như Caravan tour xuyên Mekong Delta và sẽ xuyên Việt Nam qua Campuchia, Thái Lan nếu dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn.
 
Nhiều nhận định của các chuyên gia kinh tế cho rằng, đà phục hồi kinh tế năm 2021 sẽ nới rộng từ giữa năm nay, nhưng cơ hội sẽ lớn hơn nếu các quốc gia kiểm soát tốt dịch COVID-19. Hơn nữa, Việt Nam đang có nhiều cơ hội trên thị trường xuất khẩu từ các FTAs thế hệ mới. Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An, TP Cần Thơ, cho biết: “Năm 2020 là năm thắng lớn của ngành lúa gạo Việt Nam, nhưng thắng ở khách quan là nhiều, do nhu cầu gạo trên thế giới rất lớn. Công ty đã tận dụng triệt để lợi thế từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU để xuất khẩu gạo và không đủ gạo để xuất.
 
Nhưng con đường ổn định và bền vững thì phải liên kết với nông dân để đầu tư vùng nguyên liệu, khép kín quy trình sản xuất, chế biến và kiểm soát chất lượng hạt gạo. Hiện Công ty chỉ trữ lúa, khi nào có hợp đồng mới xay xát gạo, để giữ nguyên chất lượng gạo”. Theo ông Bình, thực tế thì nhu cầu gạo thế giới rất lớn nhưng chất lượng gạo Việt Nam không ổn định. Muốn ổn định thì chỉ có cách làm theo mô hình liên kết. Nếu cánh đồng lớn ở ÐBSCL rộng chừng 1 triệu héc-ta, thì Việt Nam hoàn toàn chủ động được trong đàm phán hợp đồng và giá cả xuất khẩu.
 
Rõ ràng DN đã rất linh động trong khai thác thị trường và vượt qua khó khăn, nhưng vấn đề băn khoăn hiện nay vẫn chưa có câu trả lời chính xác là đại dịch bao giờ chấm dứt. Ông Trần Chí Gia nói: “Tình hình dịch bệnh COVID-19 ở các nước châu Âu và Nhật Bản đang căng thẳng, đơn hàng gia công của Công ty chủ yếu ở các nước này. Công ty chỉ mong các nước kiểm soát tốt dịch bệnh để có thêm đơn hàng, đơn hàng đang thiếu, có thể hết quý I-2021”. Còn theo ông Nguyễn Hồng Hiếu, du lịch là ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Nhiều DN lữ hành cả nước đang trong giai đoạn vô cùng khó khăn. Vì vậy, DN rất mong Chính phủ xem xét các gói cứu trợ, giúp DN lữ hành có thể vay vốn tín chấp để vượt qua giai đoạn này.
 
GIA BẢO - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu