Thứ tư, 19/05/2021,10:20 (GMT+7)
Phòng lây truyền HIV, viêm gan B, giang mai từ mẹ sang con
Từ cuối tháng 6-2020 đến nay, tại 4 quận, huyện của TP Cần Thơ: Vĩnh Thạnh, Thới Lai, Ô Môn và Thốt Nốt, phụ nữ khi đến khám thai ở các trạm y tế, phụ nữ mang thai (PNMT) được tư vấn, lấy máu xét nghiệm nhanh 3 bệnh: HIV, giang mai và viêm gan B.
Lớp tập huấn xét nghiệm và điều trị viêm gan B, giang mai cho cán bộ, nhân viên y tế.
Lớp tập huấn xét nghiệm và điều trị viêm gan B, giang mai cho cán bộ, nhân viên y tế.
 
Hiệu quả phòng bệnh từ xét nghiệm
 
Ở TP Cần Thơ, chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đã triển khai nhiều năm. Tất cả PNMT, chuyển dạ sanh ở các trạm y tế, trung tâm y tế, bệnh viện đều được xét nghiệm HIV, điều trị dự phòng. Vì thế, mấy năm gần đây, ở Cần Thơ không có trẻ nào sinh ra từ mẹ nhiễm HIV mà bị nhiễm.
 
Với sự tài trợ của Tổ chức Y tế Thế giới, từ cuối tháng 6-2020, PNMT đến khám thai tại các trạm y tế, trung tâm y tế 4 quận, huyện là Vĩnh Thạnh, Thới Lai, Ô Môn và Thốt Nốt sẽ được lấy máu PNMT để làm test nhanh giang mai và viêm gan B. Bác sĩ Trần Thị Thu Hồng, Trưởng Khoa sức khỏe sinh sản, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Cần Thơ cho biết: PNMT đến trạm y tế khám thai sẽ được nhân viên y tế tư vấn và lấy máu xét nghiệm. Việc này làm càng sớm càng tốt. Ðối với giang mai, nếu kết quả có phản ứng thì chuyển tuyến đến Bệnh viện Da liễu TP Cần Thơ làm kết quả chẩn đoán chính xác và điều trị. Với viêm gan B, nếu kết quả HBsAg dương tính thì hướng dẫn đến Bệnh viện Ða khoa TP Cần Thơ làm xét nghiệm định lượng virus, quyết định có điều trị hay không.
 
Về điều trị, CDC Cần Thơ vừa tổ chức tập huấn xét nghiệm viêm gan B, giang mai cho các trung tâm y tế; tập huấn điều trị cho các trung tâm y tế, các bệnh viện, mục tiêu là điều trị giang mai, thậm chí viêm gan B ngay tại tuyến quận, huyện, không phải đi lên tuyến trên. Bác sĩ Trần Thị Thu Hồng cho biết: “Qua kết quả triển khai 6 tháng cuối năm 2020, số lượng PNMT làm xét nghiệm nhiều nhưng số điều trị không nhiều. Nếu triển khai điều trị giang mai, viêm gan B ngay tại địa phương, đỡ tốn kém cho PNMT, tránh mất dấu bệnh nhân. Hiện nay, tuyến quận, huyện chưa chẩn đoán xác định giang mai, chưa xét nghiệm tải lượng virus. Hướng tới có thể lấy mẫu, chuyển tuyến trên, khi có kết quả, điều trị ngay tại tuyến huyện, quận”.
 
Hiện nay, gặp khó khăn về thuốc điều trị, trong danh mục thuốc bảo hiểm y tế tại quận, huyện chưa được đưa vào.
 
Tiến tới loại trừ bệnh lây truyền từ mẹ sang con
 
Lây truyền viêm gan B từ mẹ sang con là đường lây truyền phổ biến nhất tại Việt Nam. Mẹ mắc viêm gan B mãn tính nếu không tiêm phòng vaccine viêm gan B cho con khi sinh, 90% trẻ em sơ sinh sẽ mắc viêm gan B mãn tính và khoảng 25% trong số đó sẽ có nguy cơ bị ung thư gan và xơ gan.
 
PNMT nhiễm viêm gan B truyền cho con chủ yếu khi chuyển dạ và khi sinh. Tiêm vaccine viêm gan B liều sau sinh cho trẻ theo chương trình tiêm chủng mở rộng và phối hợp tiêm globulin miễn dịch kháng HBV cùng thời điểm nhưng ở hai vị trí khác nhau. Sau đó tiêm đầy đủ các liều vaccine viêm gan B cho trẻ theo quy định của chương trình tiêm chủng mở rộng. Trẻ sinh ra từ mẹ là người mang virus viêm gan B vẫn có thể bú sữa mẹ. Trẻ sinh ra sẽ được xét nghiệm trong giai đoạn từ 7-12 tháng tuổi để đánh giá tình trạng nhiễm viêm gan B.
 
Vì vậy, tất cả PNMT cần được xét nghiệm sàng lọc giang mai ngay trong lần khám thai đầu tiên hoặc càng sớm càng tốt trong thời gian mang thai. Nguyên tắc điều trị là điều trị sớm, đủ liều, đúng thời gian để ngăn ngừa lây truyền cho con. Ðiều trị cả bạn tình/chồng để tránh tái nhiễm.
 
TS Nguyễn Thị Thúy Vân, chuyên gia Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam, cho biết: “Cần Thơ đã triển khai rất thành công chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Ðây là tiền đề để triển khai thêm cho giang mai và viêm gan B. Chúng tôi hy vọng trong một vài năm tới Cần Thơ tuyên bố loại trừ 3 bệnh này. Trước hết là tuyên bố loại trừ HIV và giang mai. Riêng loại trừ viêm gan B lây truyền từ mẹ sang con mất nhiều thời gian hơn, bởi gia đình bỏ tiền túi tiêm kháng huyết thanh”.
 
Hiện nay, kháng huyết thanh chỉ các bệnh viện ở tuyến thành phố mới có. Chính vì thế, mẹ mắc viêm gan B sẽ được tư vấn sinh con ở các bệnh viện này để trẻ sinh ra được tiêm kháng huyết thanh ngay.
 
Hiện nay, CDC Cần Thơ đang làm kế hoạch trình UBND thành phố xem xét cấp kinh phí mua sinh phẩm triển khai xét nghiệm tại 5 quận, huyện còn lại của thành phố. Các hoạt động này nhằm hỗ trợ TP Cần Thơ tiến tới loại trừ HIV, viêm gan B và giang mai lây truyền từ mẹ sang con giai đoạn 2020-2030.
 
Bài, ảnh: H.HOA - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu