Chủ nhật, 25/04/2021,07:16 (GMT+7)
Quận Thốt Nốt chủ động phòng chống thiên tai khi mùa mưa đến
Mùa mưa bão năm 2021 bắt đầu, công tác phòng, tránh, ứng phó với thiên tai là nhiệm vụ mà Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) quận Thốt Nốt và người dân trên địa bàn tập trung thực hiện với mục tiêu hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.
Bờ kè sông Thốt Nốt xây dựng kiên cố, vừa có tác dụng phòng chống sạt lở, vừa góp phần chỉnh trang đô thị sạch, đẹp.
Bờ kè sông Thốt Nốt xây dựng kiên cố, vừa có tác dụng phòng chống sạt lở, vừa góp phần chỉnh trang đô thị sạch, đẹp.
 
Theo Ban Chỉ huy PCTT-TKCN quận Thốt Nốt, những năm gần đây, lốc xoáy, sạt lở bờ sông là 2 hiện tượng thiên tai xuất hiện nhiều, gây hậu quả nghiêm trọng ở quận Thốt Nốt. Gần 4 tháng đầu năm 2021, ngoài tác động do tình hình khô hạn, ít nước ngọt, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, quận Thốt Nốt còn xảy ra 1 vụ sạt lở bờ kênh Cần Thơ Bé với chiều dài khoảng 7,5m, làm sụp hoàn toàn 1 căn nhà... Ước thiệt hại 100 triệu đồng. Sau khi sạt lở xảy ra, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN quận và phường Thuận Hưng huy động lực lượng hỗ trợ người dân trục vớt tài sản và khắc phục hậu quả. Ông Nguyễn Văn Phước, ở phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt, cho biết: “Khi thiên tai xảy ra, chính quyền địa phương và ngành chức năng quận Thốt Nốt kịp thời có mặt, huy động lực lượng ứng cứu, giúp người dân di dời tài sản đến nơi an toàn. Bà con bị ảnh hưởng thấy yên tâm hơn khi được chính quyền quan tâm hỗ trợ, đồng thời việc làm này cũng tác động đến ý thức, nâng cao cảnh giác của người dân về phòng tránh thiên tai, sạt lở bờ sông, lốc xoáy khi mùa mưa sắp đến…”. 
 
Quận Thốt Nốt thời gian qua chịu nhiều thiệt hai do sạt lở bờ sông, kênh, rạch. Cù lao Tân Lộc (phường Tân Lộc) có 3 điểm sạt lở nghiêm trọng, với tổng chiều dài 6,23km, làm mất dần diện tích đất, ảnh hưởng sinh hoạt, sản xuất, tài sản của người dân. Trong đó, nghiêm trọng nhất là điểm sạt lở tại đầu cù lao thuộc khu vực Long Châu chiều dài hơn 4km, làm sạt hoàn toàn 6,05ha đất của 15 hộ dân nuôi cá tra, 3 hộ có đất trồng cây ăn trái và nhiều nhà cửa của người dân trong khu vực. Ðiểm sạt lở này vẫn đang diễn ra và được xác định mỗi năm xói lở lấn sâu vào đất liền khoảng 7m. Còn điểm sạt lở tại khu vực Tân An có chiều dài 2km, đe dọa sạt lở nhà cửa và các ao nuôi cá tại khu vực. Ðiểm sạt lở khu vực Ðông Bình có chiều dài 550m, ăn sâu vào đất liền 10m, làm sụp hoàn toàn 3.000m2 đất sản xuất nông nghiệp và đường giao thông nông thôn tại địa phương… Mặc dù, tình trạng sạt lở được địa phương khắc phục tạm, nhưng về lâu dài rất cần sự đầu tư của TP Cần Thơ và bộ, ngành Trung ương để thực hiện các công trình kiên cố, ứng phó sạt lở tại cù lao Tân Lộc…
 
Năm 2020, trên địa bàn quận Thốt Nốt xảy ra 8 đợt lốc xoáy, 3 điểm sạt lở và 1 đợt triều cường với mức đỉnh triều cao trên 2m. Ước tổng thiệt hại do thiên tai gây ra khoảng 1,318 tỉ đồng. Trong đó, các đợt lốc xoáy làm bị thương 3 người, sập 11 căn nhà, tốc mái và xiêu vẹo 54 căn, làm đổ ngã 36,18ha lúa, hoa màu, cây ăn trái với tổng thiệt hại khoảng 918 triệu đồng. Các điểm sạt lở làm sụp lún 1 bờ kè bê tông cốt thép và 2 căn nhà, gây thiệt hại tài sản trên 400 triệu đồng… Ông Trương Tiến Lực, Trưởng Phòng Kinh tế, Phó Trưởng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN quận Thốt Nốt, cho biết: “Các vụ thiên tai khiến người dân rơi vào tình cảnh khó khăn, thiếu thốn. Ban Chỉ huy PCTT-TCN quận và các địa phương kịp thời thăm hỏi, động viên và hỗ trợ bà con khắc phục hậu quả. Bên cạnh đó, UBND các phường có thiên tai xảy ra cũng tăng cường vận động, kêu gọi sự đóng góp của người dân địa phương, các nhà hảo tâm hỗ trợ bà con bị thiệt hại có điều kiện dựng lại nhà mới, sớm ổn định cuộc sống”.
 
Hiện nay, bắt đầu vào mùa mưa, đây cũng là thời điểm thường xảy ra những cơn giông và lốc xoáy, sấm sét, sạt lở bờ sông... Để hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do mưa lớn, lốc xoáy, sạt lở... gây ra, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN quận Thốt Nốt yêu cầu các phòng, ban, UBND các phường, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các cấp thực hiện các biện pháp ứng phó mưa, bão, sạt lở bờ sông; vận động nhân dân chằng chống nhà cửa để tăng độ vững chắc nhằm đề phòng giông gió, lốc xoáy. Ở các cửa sông, ven sông, nơi trống trải, nếu nhà ở lợp bằng lá, tôn tráng kẽm, fibro xi măng, ngói có thể dằn lên mái nhà các loại thanh nẹp bằng gỗ, sắt, dây kẽm cỡ lớn hoặc các bao chứa cát để hạn chế tốc mái khi có giông gió, lốc xoáy; tăng cường chặt tỉa cành, nhánh của các cây xanh trên vỉa hè, hành lang an toàn giao thông, cây gần nhà ở, lưới điện… nhằm tránh gãy đổ có thể xảy ra.
 
Ban Chỉ huy PCTT-TKCN quận Thốt Nốt và các phường tổ chức phân công lực lượng trực 24/24 giờ khi có dự báo mưa, bão, thiên tai xảy ra; tăng cường kiểm tra, đảm bảo các chốt cứu nạn trên sông và các dụng cụ sẵn sàng ứng phó theo phương châm “Bốn tại chỗ, ba sẵn sàng” khi có tình huống xấu xảy ra; đặc biệt, chú trọng công tác phòng, chống sạt lở nhà ở, công trình dọc bờ sông, kênh, rạch; tổ chức kiểm tra tình hình hoạt động các bến thủy nội địa, bến đò ngang để có biện pháp xử lý kịp thời đối với các trường hợp vi phạm, nhằm đảm bảo điều kiện an toàn của các phương tiện chở khách trong mùa mưa, bão.
 
Ông Võ Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND quận Thốt Nốt, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN, nhấn mạnh: “Hiện nay, ban chỉ huy PCTT-TKCN các cấp, các phường đã xây dựng kế hoạch, phương án phòng, tránh thiên tai, mưa bão, tìm kiếm cứu nạn theo phương châm “chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả trong đó lấy phòng, tránh là chính”. Đồng thời, các phương án phòng tránh trên phù hợp với đặc điểm từng ngành, từng địa phương và đảm bảo thực hiện có hiệu quả trong năm 2021”.
 
Bài, ảnh: HÀ VĂN - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu