Thứ ba, 13/10/2020,08:00 (GMT+7)
Quảng bá du lịch TP HCM qua Lễ hội Áo dài
Lễ hội Áo dài là một trong những sản phẩm cốt lõi của dòng sản phẩm du lịch văn hóa, đã được xác định trong quá trình nghiên cứu, xây dựng Chiến lược phát triển du lịch TP HCM đến năm 2030
Đây là chia sẻ của Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong tại buổi khai mạc Lễ hội Áo dài TP HCM lần thứ 7 năm 2020 diễn ra vào tối 11-10. Những sự kiện, hoạt động trong khuôn khổ lễ hội này được kỳ vọng góp phần quảng bá điểm đến, con người TP và hướng tới mục tiêu tái khởi động ngành du lịch một cách mạnh mẽ.
Quảng bá du lịch TP HCM qua Lễ hội Áo dài - Ảnh 1.
Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong phát biểu khai mạc Lễ hội Áo dài TP HCM lần thứ 7 năm 2020. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
 
Mở đầu chiến dịch quảng bá
 
Đêm khai mạc Lễ hội Áo dài TP lần thứ 7 năm 2020 chủ đề "Tôi yêu áo dài Việt Nam" được tổ chức tại một địa điểm mang đậm dấu ấn văn hóa - lịch sử hào hùng của dân tộc - Bảo tàng Lịch sử TP HCM - bảo tàng có tuổi đời lâu nhất ở khu vực miền Nam.
 
Chiều tối 11-10, TP có mưa nặng hạt nhưng khuôn viên của Bảo tàng Lịch sử TP và Thảo Cầm Viên Sài Gòn chật kín đại biểu khách mời, người dân và cả du khách đến tham dự buổi khai mạc. Rất nhiều phụ nữ mặc áo dài đến tham dự sự kiện...
 
Một nữ cán bộ làm trong ngành tư pháp ở quận Phú Nhuận vừa cầm dù che mưa vừa lấy tay giữ 2 tà áo dài khỏi ướt, chia sẻ bình thường rất ít mặc áo dài, chỉ những dịp đặc biệt hoặc theo quy định của cơ quan. Tuy nhiên, khi được mời tham dự khai mạc Lễ hội Áo dài TP, dù trời mưa, chị vẫn mặc áo dài và cảm thấy rất vui.
 
Travel blogger Trần Đặng Đăng Khoa - người du lịch khắp thế giới bằng xe máy, một trong 15 đại sứ hình ảnh của Lễ hội Áo dài TP năm nay - cho biết do thường xuyên di chuyển bằng xe máy qua nhiều quốc gia nên anh rất ít khi mặc áo dài, song không phải vì vậy mà trong hành lý của anh thiếu bộ áo dài. "Một vài lần, trên hành trình du lịch bằng xe máy tới các quốc gia, được bạn bè ở đó mời dự đám cưới, tôi cũng mặc áo dài và được khen. Đây là lần đầu tiên tôi được mời làm đại sứ hình ảnh cho Lễ hội Áo dài TP, cảm giác rất bất ngờ và thấy trách nhiệm của mình trong quảng bá hình ảnh chiếc áo dài truyền thống" - anh Trần Đặng Đăng Khoa bộc bạch.
 
Năm nay, sự kiện được tổ chức đúng dịp tháng 10, gắn với kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nhằm tôn vinh phụ nữ và tà áo dài truyền thống Việt Nam.
 
Theo Sở Du lịch TP, sự kiện này đánh dấu bước khởi động cho chuỗi các hoạt động của Lễ hội Áo dài nhằm tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống và tình yêu với áo dài - trang phục truyền thống độc đáo của người dân Việt. Đây cũng là hoạt động mở đầu cho chuỗi sự kiện trong chiến dịch "TP HCM xin chào - Hello Ho Chi Minh City" do ngành du lịch TP triển khai, nhằm quảng bá hình ảnh TP đến du khách trong và ngoài nước.
 
Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho biết Lễ hội Áo dài đã được TP khởi xướng từ năm 2014 như một sự kiện văn hóa, du lịch tiêu biểu nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, thu hút du khách và quảng bá hình ảnh TP. Qua 6 lần tổ chức và chất lượng ngày càng được nâng cao, quy mô của các hoạt động, Lễ hội Áo dài TP đã trở thành một trong những thương hiệu uy tín của du lịch TP trong khu vực và quốc tế. Đây cũng là sự kiện du lịch thường niên được du khách trong và ngoài nước đánh giá cao.
 
"Trong bối cảnh Việt Nam nói chung và TP HCM nói riêng đang phục hồi các hoạt động kinh tế - văn hóa - xã hội sau một thời gian chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, Lễ hội Áo dài không chỉ nhằm tôn vinh vẻ đẹp của chiếc áo dài; góp phần giữ gìn, phát huy các giá trị truyền thống quý báu của dân tộc mà còn là hoạt động thiết thực hưởng ứng chủ đề năm 2020 của TP HCM là "Năm đẩy mạnh hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị". Hình ảnh TP tiếp tục được quảng bá đến đông đảo du khách gần xa" - Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.
Quảng bá du lịch TP HCM qua Lễ hội Áo dài - Ảnh 2.
Lễ hội Áo dài TP HCM năm 2020 được kỳ vọng góp phần quảng bá điểm đến, con người TP và hướng tới mục tiêu tái khởi động ngành du lịch một cách mạnh mẽ. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
 
Gửi thông điệp về điểm đến an toàn
 
Sau đêm khai mạc, chuỗi hoạt động truyền cảm hứng về áo dài mang tính tương tác cao với cộng đồng sẽ liên tục diễn ra tại các điểm đến du lịch nổi tiếng của TP như Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, Bưu điện TP, các trường THPT, KCN trên địa bàn TP và kéo dài đến hết tháng 11-2020...
 
Một trong những hoạt động của lễ hội là chiến dịch/cuộc thi sản xuất video trực tuyến "Tôi yêu Áo dài Việt Nam" lần đầu tiên được tổ chức với hình thức trực tuyến kết hợp sự kiện. Theo đó, ban tổ chức ứng dụng công nghệ cá nhân hóa để người yêu áo dài trên toàn thế giới có thể tự sản xuất các video clip dựa trên những video mẫu có sẵn để quảng bá, giới thiệu nét đẹp của tà áo dài và văn hóa áo dài.
 
Ban tổ chức kỳ vọng khoảng 10.000 video được thực hiện từ đông đảo những người yêu áo dài không chỉ ở TP mà lan tỏa tới khắp nơi trên đất nước Việt Nam và bạn bè thế giới. Hoạt động này không chỉ đáp ứng chủ trương du lịch thông minh, bảo đảm an toàn phòng chống dịch Covid-19 mà còn quảng bá để áo dài lan tỏa trong cộng đồng, du khách trong nước và quốc tế...
 
Theo Sở Du lịch TP, có rất nhiều hoạt động hưởng ứng Lễ hội Áo dài năm nay như Bảo tàng Áo dài, Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh... sẽ tổ chức các buổi tọa đàm về áo dài; giảm vé cho du khách, người dân TP mặc áo dài đến tham quan; tổ chức khu triển lãm áo dài theo chủ đề. Các doanh nghiệp du lịch cũng sẽ tổ chức tour kích cầu tham quan Bảo tàng Áo dài, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh... cho du khách.
 
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Trần Thế Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Lữ hành Fiditour, cho biết Lễ hội Áo dài TP những năm trước thường thu hút sự quan tâm của nhiều khách quốc tế đến TP du lịch. Năm nay, do tác động của dịch Covid-19 nên sự kiện phải dời sang tháng 10 mới tổ chức nhưng ở thời điểm này, tổ chức những sự kiện như Lễ hội Áo dài với cả hoạt động trực tiếp và trực tuyến cũng là cách để truyền tải thông điệp điểm đến an toàn với khách quốc tế. "Dù có khó khăn nhưng nỗ lực làm lễ hội, sự kiện lúc này là để du khách và bạn bè quốc tế vẫn nhớ tới điểm đến TP HCM nói riêng và Việt Nam" - ông Trần Thế Dũng thông tin.
 
Ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty Du Ngoạn Việt, cũng nhất trí trong bối cảnh dịch Covid-19, quảng bá văn hóa, du lịch thông qua các công cụ truyền thông, công nghệ cao là cách để du khách trong và ngoài nước thấy Việt Nam vẫn an toàn. Đặc biệt, trong bối cảnh du khách tìm hiểu thông tin về điểm đến, sản phẩm du lịch trực tuyến ngày càng phổ biến, nếu các hoạt động xúc tiến, quảng bá, sự kiện... được tổ chức hiệu quả sẽ có tính lan tỏa rất lớn.
 
Liên kết để kích cầu, xây dựng sản phẩm mới
 
Bà Võ Thị Ngọc Thúy, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP, cho biết một trong những hoạt động nổi bật của ngành du lịch TP thời gian qua và sắp tới là đẩy mạnh liên kết giữa TP với các điểm đến trên cả nước.
 
Tiếp nối sự thành công của hoạt động liên kết với 13 tỉnh, thành ĐBSCL và Đông Nam Bộ, TP HCM sẽ tổ chức 3 hội nghị liên kết với các tỉnh Tây Bắc mở rộng, Đông Bắc và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung trong tháng 11-2020. Những hội nghị này nhằm lắng nghe ý kiến của chuyên gia du lịch, du khách trên cả nước trong việc phát triển du lịch hiệu quả và bền vững trong tương lai...
 
Chia sẻ tại một hội nghị về du lịch mới đây, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết để tiếp tục từng bước khôi phục, đẩy mạnh hoạt động du lịch, việc tái khởi động kích cầu nội địa là giải pháp thiết thực, bảo đảm chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch cho toàn ngành dịp cuối năm.
 
THÁI PHƯƠNG - (nld.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu