Sáng 24-3, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức Hội nghị phản biện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) dưới sự chủ trì của ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam.
Ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, chủ trì hội thảo
Ông Ngọ Duy Hiểu cho biết thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, nhân dân cả nước nói chung, cán bộ Công đoàn và đoàn viên, người lao động nói riêng đã tích cực tham gia góp ý vào dự thảo Luật.
Theo kết quả tổng hợp, các cơ quan, tổ chức trực thuộc Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tổ chức hơn 430 hội nghị, hội thảo; qua đó đã nhận được hơn 10.000 lượt ý kiến góp ý của tổ chức, cá nhân. Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tổng hợp các ý kiến bằng văn bản gửi về Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Hội nghị phản biện này mong muốn nhận được ý kiến đóng góp của các chuyên gia, cán bộ Công đoàn; trong đó tập trung vào các vấn đề như: Thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người lao động nhìn từ khía cạnh Luật Đất đai; vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong Luật Đất đai (sửa đổi); Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi và chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất…
ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam phát biểu
Trao đổi thêm về nhu cầu bức thiết về nhà ở xã hội của công nhân lao động, theo ông Ngọ Duy Hiểu, hiện cả nước có gần 18 triệu công nhân lao động (CNLĐ), tuy nhiên mới có khoảng 20% trong số này có nhà ở ổn định.
Việc chưa có chỗ ở ổn định, dễ dẫn đến dịch chuyển lao động trong công nhân lao động, nhiều công nhân phải thuê trọ trong những khu nhà trọ ẩm thấp, tồi tàn. Điều kiện sống không đảm bảo, nhiều công nhân lao động phải gửi con về quê nhờ người thân trông giúp, dẫn đến nhiều hệ lụy xã hội tiêu cực.
Vấn đề nhà ở cho công nhân là một trong những vấn đề bức xúc của NLĐ cũng như là vấn đề quan tâm của Chính phủ. Người lao động mong muốn có chính sách đất đai phù hợp, có hành lang pháp lý thuận lợi để người lao động có cơ hội có được nhà ở (có thể là được thuê hợp pháp với giá phù hợp; được mua với giá phù hợp).
PGS-TS Nguyễn Quang Tuyến, Phó chủ tịch Hội đồng trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng hiện nay 3 luật có liên quan chặt chẽ với nhau và tác động rất lớn đến thị trường bất động sản được sửa đổi cùng một lúc, đó là: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản.
"Tuy nhiên rất tiếc và thất vọng khi vấn đề quy hoạch đất đai để xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân lao động trong khu công nghiệp, những người làm công ăn lương là rất mờ nhạt" - PGS-TS Nguyễn Quang Tuyến nói.
Ông Tuyến cho rằng trong quy hoạch kế hoạch sử dụng đất trong Luật Đất đai 2013 quy định rất chung chung, không có cụ thể nào về quy hoạch đất trong các khu công nghiệp mà phải dành ra phần để xây dựng nhà ở cho công nhân.
PGS-TS Nguyễn Quang Tuyến, Phó Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Luật Hà Nội phát biểu
"Trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần phải quy định đất để xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân trong khu công nghiệp; hình thức để cho công nhân có thể thuê với giá ưu đãi. Nếu quy định là mua thì tôi sợ là với thu nhập của mình, công nhân chưa đủ sức mua", PGS-TS Nguyễn Quang Tuyến góp ý.
Theo PGS-TS Nguyễn Quang Tuyến, để xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân trong khu công nghiệp, không nên đặt vấn đề đấu thầu dự án có sử dụng đất mà nên có quy định tiếp cận đất đai bằng cách nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất. Ngoài ra, cần quy định rõ chủ thể được giao đất là ai: giao cho chủ đầu tư hay giao cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam?.
"Tôi cũng đề nghị nếu trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi nếu chưa đưa ra được nguyên tắc thì nên có văn bản ở dưới hoặc nghị định của Chính phủ quy định riêng về tiếp cận đất đai, sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất liên quan đến xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân trong khu công nghiệp. Đây là vấn đề bức xúc hiện nay, nếu không giải quyết được thì không đảm bảo được sự phát triển bền vững trong khu công nghiệp" - ông Tuyến nói.