Thứ bảy, 17/08/2019,16:15 (GMT+7)
Rèn kỹ năng khởi nghiệp
Khởi nghiệp là quá trình đòi hỏi mỗi bạn trẻ cần kiên trì theo đuổi đam mê bởi sẽ gặp không ít khó khăn, thử thách. Nhiều chuyên gia cho rằng, việc đào tạo, giáo dục kỹ năng khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên là một trong yếu tố quan trọng giúp khơi dậy tinh thần sáng tạo, biết cách biến ý tưởng thành dự án khởi nghiệp để nắm bắt cơ hội khởi nghiệp thành công…

Anh Phạm Văn Xuân (bìa trái) thực hiện ước mơ khởi nghiệp với mô hình “Trà hoa trái cây”.

Anh Phạm Văn Xuân (bìa trái) thực hiện ước mơ khởi nghiệp với mô hình “Trà hoa trái cây”.

Cần sự trải nghiệm

Anh Phạm Văn Xuân (ở phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ), quản lý mô hình khởi nghiệp “Trà hoa trái cây” thuộc dự án Up Green Life (Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển sinh viên Cần Thơ), từng có thời gian gần 2 năm làm việc cho một công ty đa quốc gia tại TP Hồ Chí Minh. Theo anh Xuân, từ thời sinh viên anh đã làm thêm nhiều nghề, từ nhân viên phục vụ, đến bán hàng hoặc những ngành dịch vụ khác. Đến khi tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh (Trường Đại học Cần Thơ) năm 2014, anh được tuyển dụng làm nhân viên tài chính, sau đó là nhân viên phụ trách nhân sự tại một công ty đa quốc gia ở TP Hồ Chí Minh. Nhờ những trải nghiệm thực tế, anh hòa nhập môi trường mới khá nhanh. Anh Xuân chia sẻ: “Làm việc cho một công ty đa quốc gia, tôi phải liên tục có ý tưởng sáng tạo trong công việc, độ tương tác, kết nối với đồng nghiệp rất chặt chẽ bởi đa số công việc đều làm việc theo nhóm. Việc ứng dụng công nghệ thông tin cũng rất mạnh mẽ, vì vậy bản thân tôi phải nỗ lực tự học, tự rèn thêm rất nhiều”. Để đáp ứng yêu cầu công việc tốt, anh cũng tích cực học thêm ngoại ngữ để tự tin giao tiếp với đồng nghiệp và đối tác.

Dù công việc ổn định, phù hợp chuyên môn, nhưng anh vẫn bỏ việc để về quê khởi nghiệp với mô hình kinh doanh “Trà hoa trái cây” và một số dự án thu mua nông sản sạch để xuất khẩu. Xác định nhu cầu của khách hàng đang quan tâm đến các sản phẩm sạch, anh cùng nhóm bạn bè tham gia xây dựng mô hình kinh doanh “Trà hoa trái cây”. Mô hình được khởi xướng từ tháng 6-2019 đến nay, chuyên kinh doanh thức uống là trà được chiết xuất từ các nông sản sạch, như: Hoa sen, khổ qua rừng, hoa đậu biếc… Bên cạnh đó, các vật dụng mà anh sử dụng cũng thân thiện với môi trường, như: Ly giấy, ống hút gạo, muỗng gỗ và một số phụ kiện bằng lục bình. Chính yếu tố thân thiện với môi trường, trà hoa trái cây tại cửa hàng thu hút khá đông giới trẻ tìm mua và tạo hiệu ứng tốt trong cộng đồng.

Theo anh Xuân, sau khi tốt nghiệp, anh đi làm để học hỏi kinh nghiệm, trau dồi kiến thức để khởi nghiệp, tự làm chủ bản thân. Anh khuyên ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, các bạn trẻ nên tham gia một số dự án kinh doanh hoặc đi làm thêm. Từ những va vấp trong cuộc sống, bạn trẻ sẽ có thêm những trải nghiệm bổ ích, rèn kỹ năng mềm, như vậy sẽ có điều kiện thuận lợi hơn trong lập nghiệp, khởi nghiệp về sau.

Đồng hành cùng sinh viên 

Thời sinh viên, Lê Trung Thành, cựu sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh (Trường Đại học Tây Đô), từng tham gia nhiều hoạt động đội - nhóm. Nhờ vậy, anh có cơ hội rèn luyện nhiều kỹ năng, từ kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm đến xử lý tình huống, lập và triển khai kế hoạch. Quản lý, điều hành một đội - nhóm sinh viên là môi trường thực tế để thể hiện năng lực bản thân trong điều phối các hoạt động tập thể. Muốn vậy, Thành vừa phải nắm bắt khả năng, sở trường của từng bạn, vừa cần khả năng ứng xử khéo léo, hiểu về tâm lý để hài hòa các mối quan hệ. Ở trường, cũng có nhiều chương trình, diễn đàn giao lưu với doanh nhân, nhằm giúp sinh viên kết nối với doanh nghiệp. Qua đó, giúp bạn trẻ hiểu được yêu cầu của nhà tuyển dụng, từ đó ra sức phấn đấu học tập và rèn luyện. Nhờ thường xuyên trau dồi kiến thức, nhất là ngoại ngữ và kỹ năng mềm, đầu tháng 8-2019, Thành vượt qua hàng trăm bạn trẻ khác, để trúng tuyển làm tiếp viên hãng hàng không Vietjet Air. Đây cũng là công việc mà anh ước mơ từ lúc nhỏ.

Theo Ban Thư ký Hội Sinh viên TP Cần Thơ, mỗi năm học, Hội sinh viên cấp trường đều tổ chức ít nhất 1 hoạt động hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp. Riêng Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển sinh viên Cần Thơ tiếp tục duy trì mô hình Up Green Life- Không gian làm việc chung, tiếp tục hỗ trợ các ý tưởng khởi nghiệp; phối hợp các trường tư vấn hướng nghiệp, đào tạo kỹ năng khởi nghiệp cho học sinh- sinh viên; đồng thời kết nối với doanh nghiệp tổ chức tọa đàm, giao lưu nhằm cung cấp thông tin về khởi nghiệp cho bạn trẻ. Đồng hành với thanh niên khởi nghiệp còn có sự chung tay góp sức của cộng đồng, nhất là những bạn trẻ có dự án khởi nghiệp bước đầu thành công.

Điển hình như anh Nguyễn Văn Phong, chủ cơ sở nông trại xanh bền vững ở phường Long Hòa, quận Bình Thủy, với mô hình sản xuất rau củ quả hữu cơ. Gần 2 năm khởi nghiệp, mô hình do anh khởi xướng không chỉ có đầu ra ổn định, mà còn là điểm du lịch dựa trên nền tảng sản xuất nông nghiệp xanh, giúp học sinh, sinh viên và cả người dân tham quan, học tập, trải nghiệm cách sản xuất nông nghiệp sạch. Là một người mới khởi nghiệp và có sự thành công bước đầu, anh Phong còn tạo điều kiện để thanh niên, người khởi nghiệp học hỏi kinh nghiệm, chia sẻ kiến thức và kỹ năng, đồng thời dành riêng không gian để trưng bày các sản phẩm khởi nghiệp của các nhóm khởi nghiệp khác. Qua đó, hỗ trợ các bạn khởi nghiệp phát triển thị trường, phát triển sản phẩm. Các sản phẩm khởi nghiệp ở khu trưng bày không tốn phí, số lượng không giới hạn.

Với sự hỗ trợ của tổ chức Đoàn- Hội, cộng đồng khởi nghiệp, nhiều bạn trẻ không chỉ có cơ hội tìm hiểu những mô hình khởi nghiệp thành công, mà còn tích lũy kiến thức, kỹ năng, qua đó hun đúc tinh thần khởi nghiệp, vươn lên làm giàu.

Bài, ảnh: TÚ ANH - (baocantho.com.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu