Chủ nhật, 17/01/2021,15:56 (GMT+7)
Rộng mở khả năng phục hồi kinh tế
Năm 2021, Chính phủ xác định phương châm hành động là “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển”, với 8 trọng tâm chỉ đạo điều hành. Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 1-1-2021 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2021 đã xác định 11 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm để biến các thách thức thành cơ hội phát triển. Mục tiêu đặt ra là phục hồi nhanh “sức khỏe” của doanh nghiệp (DN), hỗ trợ người dân nhằm đạt kế hoạch tăng trưởng năm mới.
 
Bốc xếp gạo xuất khẩu tại Cảng Cái Cui, TP Cần Thơ. Ảnh: CTV
 
Nắm bắt các cơ hội
 
Theo Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, giai đoạn 2016-2020, môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện, năng lực cạnh tranh quốc gia được nâng lên và đổi mới sáng tạo có nhiều bước tiến mới so với giai đoạn trước. Hiện nay, Việt Nam đứng thứ nhất trong nhóm 29 quốc gia có thu nhập trung bình thấp, đứng thứ 3 trong ASEAN. Ðặc biệt, trong 5 năm qua, với tinh thần đồng hành cùng DN (theo Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ, ngày 16-5-2016), Chính phủ, các bộ ngành Trung ương và địa phương đã ban hành, triển khai nhiều giải pháp nhằm tạo điều kiện thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững DN khu vực tư nhân. Ðến nay, khoảng 50% thủ tục liên quan đến kinh doanh được cắt giảm, đơn giản hóa.
 
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, cũng với tinh thần đồng hành, hỗ trợ DN vượt qua đại dịch, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành kịp thời các chính sách, gỡ khó cho DN và nền kinh tế năm 2020 đạt mức tăng trưởng dương đã trở thành điểm sáng trong khu vực, trên thế giới.
 
Có thể thấy rằng, những chủ trương, chính sách và cơ chế minh bạch từ Chính phủ đã thúc đẩy, củng cố niềm tin của DN vào thị trường, vào sự đổi mới trong điều hành kinh tế đất nước. DN, nhất là khối DN dân doanh đã tận dụng tốt các cơ hội từ thị trường, các cơ chế chính sách cho sự phát triển; đồng thời đóng góp rất lớn vào tốc độ tăng trưởng kinh tế của quốc gia.
 
Giai đoạn 2016-2020, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 43% GDP quốc gia, dù không đạt mục tiêu đề ra (48-49%), nhưng đã tăng cao so với năm 2015 (đóng góp khoảng 39%). Ước tính đến hết năm 2020, cả nước có khoảng 810.000 DN đang hoạt động, dù không đạt mục tiêu 1 triệu DN như Nghị quyết 35 vào năm 2020 nhưng cũng khẳng định rằng, sự thích nghi của DN với thị trường biến động và nhất là trong đại dịch COVID-19 đã cho thấy “sức bền” của DN.
 
Ông Lê Tiến Công, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Cảng Cần Thơ, TP Cần Thơ, cho biết: “Cùng với sự kiểm soát tốt dịch bệnh và các giải pháp kích thích nền kinh tế thì hoạt động vận tải nội địa phục hồi tốt. Tuy nhiên do nhu cầu chung suy giảm dẫn đến tổng sản lượng dự kiến cả năm 2020 vẫn suy giảm so với cùng kỳ năm trước. Năm 2020, kế hoạch sản lượng hàng hóa qua cảng 2,2 triệu tấn nhưng chỉ thực hiện 1,788 triệu tấn, đạt 81,26% kế hoạch và đạt trên 90,85% doanh thu.
 
Các mặt hàng xuất khẩu bị ảnh hưởng dài hạn chủ yếu là sản phẩm công nghiệp như sắt thép (xuất Campuchia), dầu động thực vật, lâm sản, may mặc, da giày. Nhưng nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng lương thực (gạo xuất khẩu, đường nhập khẩu), nông thủy hải sản có tốc độ tăng trưởng tốt sau khi các tuyến hàng hải được thông thương. Ngoài ra, mặt hàng than đá nhập khẩu cũng duy trì ổn định phục vụ hoạt động sản xuất của các nhà máy nhiệt điện trong vùng. Năm qua, công ty đã đàm phán ký kết hợp đồng với các đối tác lớn mới. Ðây là những điểm sáng trong năm qua”.
 
Tăng tốc trong năm mới
 
Năm 2021, các chuyên gia kinh tế cho rằng, với đà phục hồi tốt vào các tháng cuối năm 2020 sẽ là nền tảng quan trọng cho các DN tiếp tục bước trên “đại lộ” hội nhập. Tiến sĩ Huỳnh Văn Tùng, Viện trưởng Viện Kinh tế - Xã hội TP Cần Thơ, cho biết: “Năm 2020, một trong những điểm nhấn lớn nhất, có tác động lan tỏa nhất chính là cải cách thể chế, với hàng loạt các Luật đã được ban hành và có hiệu lực trong năm 2020 và 2021. Cải cách thể chế đặc biệt với các Luật như Luật Doanh nghiệp (2020), Luật Ðầu tư công (2019), Luật Ðầu tư (2020), Luật Ðầu tư theo phương thức đối tác công tư (2020),… sẽ phát huy tác dụng mạnh mẽ vào năm 2021.
 
Năm 2021, cả nước sẽ đẩy mạnh phục hồi kinh tế sau COVID-19 và cũng là năm đầu tiên thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, giai đoạn 2021-2025”. Theo Tiến sĩ Tùng, mặc dù thị trường xuất khẩu vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng DN cần nhanh chóng tái cấu trúc hoạt động, nhất là đội ngũ quản trị chủ chốt để dẫn dắt và theo sát quá trình phục hồi của DN. Cùng đó, DN cần nắm bắt các diễn tiến của thị trường, các xu hướng ảnh hưởng từ COVID-19 để thích ứng tốt hơn.
 
 
Theo ông Lê Tiến Công, có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến hoạt động khai thác cảng thời gian qua. Ðó là luồng hàng hải vào cảng vẫn bị cạn, luồng Kênh Quan Chánh Bố đã công bố cho phép các tàu có mớn nước đến -7,5m ra vào luồng. Tuy nhiên, hiện tại các tàu 10.000DWT (đầy tải) và 20.000DWT (vơi tải) vẫn chưa qua được luồng này. Trong khi đó, hoạt động nạo vét luồng Ðịnh An chỉ đảm bảo cho tàu 6.000DWT đầy tải ra vào cảng. Các khu công nghiệp (KCN) xung quanh cảng như: KCN Hưng Phú, KCN Sông Hậu vẫn triển khai chậm; KCN Trà Nóc nằm xa cảng hơn so với Cảng Trà Nóc dẫn đến việc thu hút nguồn hàng về cảng còn hạn chế. Trang thiết bị xếp dỡ của cảng đã lạc hậu, năng suất thấp, lại thiếu các trang thiết bị chuyên dụng phục vụ xếp dỡ… Vì thế, năm 2021, công ty dự kiến phát hành thêm cổ phiếu để thu hút vốn phục vụ công tác đầu tư mở rộng cảng. Duy trì và nâng thị phần khai thác cảng ở vị trí từ tốp 2 trở lên tại các khu vực khai thác cảng và đạt sản lượng 2 triệu tấn trong năm 2021.
 
TS Mai Văn Nam, Trường Ðại học Cần Thơ, cho rằng: Trong 10 năm tới, DN nhỏ và vừa vẫn đóng vai trò chính cho tăng trưởng kinh tế quốc gia. Nhưng để phát triển bền vững và tận dụng tốt các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do, cần có hiệp hội, DN đầu đàn dẫn dắt trong từng chuỗi ngành hàng. Bản thân DN cần phải tiếp tục nâng cao năng lực quản trị, trình độ của lao động, nhất là kỹ năng chuyên môn cũng phải chú trọng. Nhà nước tiếp tục có chiến lược dài hạn cho phát triển DN nhỏ và vừa. Trong đó, chú trọng hoàn thiện hệ thống logistics, đó là chìa khóa giảm giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN.
 
GIA BẢO - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu