Thứ ba, 01/09/2020,10:47 (GMT+7)
Rước bệnh vì thăm bệnh
Hạn chế thăm bệnh để tránh nguy cơ người thăm bệnh có thể vô tình mang bệnh về cho gia đình và cho cộng đồng
Ở các bệnh viện (BV) trên địa bàn TP HCM, ngay từ cuối tháng 7, nhiều nơi đã đồng loạt phát đi thông báo yêu cầu hạn chế số người nuôi bệnh và ngưng cho phép thăm bệnh.
 
Tốt cho người bệnh
 
Từ ngày 27-7, trên web và fanpage của Bệnh viện Hùng Vương (TP HCM) đã đăng tải thông báo: Căn cứ văn bản số 2820/UBND-VX ngày 26-7-2020 của UBND TP về tăng cường công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP HCM; BV Hùng Vương kính đề nghị quý bệnh nhân, thân nhân, khách hàng đến BV vui lòng hợp tác, tuân thủ các hướng dẫn như phải thực hiện khai báo y tế, 1 người nằm viện thì chỉ 1 người chăm sóc và không thăm bệnh.
 
Sắp xếp để sinh con tại đây, chị Tr.P.M (quận 3), một thai phụ đã hơn 8 tháng, thở phào khi biết BV này cấm thăm bệnh. "Lần sinh con trước, mọi người vào thăm rất đông, vui thì có vui nhưng khá mệt, không chỉ vậy gia đình sản phụ cùng phòng cũng rất khó chịu" - chị M. nói.
 
TS-BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc BV Hùng Vương, cho biết những quy định mới về người chăm sóc bệnh và thăm bệnh là chỉ nhằm bảo vệ sức khỏe cho người bệnh. Sản phụ hay bệnh nhân phẫu thuật phụ khoa rất mệt mỏi, rất đau vì vết thương nên cần được nghỉ ngơi. Đặc biệt với trẻ sơ sinh thì không thể đeo khẩu trang nên nếu có ai mang mầm bệnh vào phòng, nhất là bệnh lây truyền qua đường hô hấp như Covid-19, em bé sẽ "lãnh đủ".
 
Để bảo vệ những em bé sơ sinh, nhất là những trẻ non tháng hay có bệnh đang phải nằm trong đơn vị hồi sức sơ sinh (NICU) thuộc Khoa Sơ sinh, BV Hùng Vương đã triển khai phần mềm giúp thông báo tình hình sức khỏe của con, các vấn đề trong ngày, hướng xử trí… đến cha mẹ.
 
Trước đây, để tránh nhiễm trùng sơ sinh cho các bé này, cha mẹ chỉ có thể thăm con qua tấm kính ngăn cách giữa NICU và các khu vực khác của Khoa Sơ sinh (chăm sóc những bé khỏe hơn một chút). Tuy nhiên điều đó vẫn chưa đủ an toàn vì có thể gây nhiễm khuẩn khu vực này, có hại lên trẻ trong NICU lẫn các trẻ khác trong khoa. Vì vậy trong mùa dịch Covid-19, đã ngừng việc thăm trực tiếp. Nếu bé trong NICU quá yếu, cha mẹ sẽ được mời vào phòng tư vấn có nhân viên y tế và màn hình camera để nhìn con.
Rước bệnh vì thăm bệnh - Ảnh 1.
Điều dưỡng đang chăm sóc một bệnh nhi tại Bệnh viện Nhi Đồng 1. (Ảnh chỉ mang tính minh họa)
 
Thay đổi cách thăm bệnh
 
BS Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh, BV Nhi Đồng 1 (TP HCM), cảnh báo một nguy cơ khác: Người thăm bệnh có thể vô tình mang bệnh về cho gia đình mình, rồi cho cộng đồng.
 
"Không chỉ Covid-19 mà các bệnh khác cũng có nguy cơ đó. Ở BV nhi thường có rất nhiều người lớn như cha mẹ, ông bà đang ở BV nuôi bệnh, hay vào thăm bệnh. Nhiều bệnh ở trẻ em như sởi, thủy đậu… người lớn cũng có thể nhiễm virus và mắc bệnh nếu hồi nhỏ không chích ngừa, rồi về nhà lây cho người nhà. Ngay cả những bệnh người lớn thường không bị như tay chân miệng thì họ vẫn có thể thành trung gian truyền bệnh. Vô thăm bệnh rồi về nhà tiếp xúc với trẻ con trong nhà, sẽ lây bệnh cho trẻ" - BS Khanh giải thích.
 
Theo BS Trương Hữu Khanh, trong mùa dịch Covid-19, ngay cả người lớn tuổi, mang bệnh đang nằm tịnh dưỡng tại nhà cũng không nên thăm bệnh. Đừng nghĩ mình trẻ, ít bệnh tật, ít mắc Covid-19 nặng thì không sao. Nên nhớ bệnh này có rất nhiều "người lành mang trùng" nhiễm SARS-CoV-2 nhưng hoàn toàn không có triệu chứng.
 
Người già, người bệnh thường không tự nhiên nhiễm virus, mà do người trẻ, khỏe hơn, tức những người có khả năng di chuyển nhiều bên ngoài, đem về lây cho người già. Nếu trong nhà có người bệnh, gia đình cần hết sức cẩn thận, tuân thủ mang khẩu trang khi ra ngoài, về nhà rửa tay, tắm, gội sạch sẽ trước khi tiếp xúc với người thân.
 
TS-BS Hoàng Thị Diễm Tuyết cho rằng thăm bệnh được xem như một "văn hóa" nhưng thực sự rất cần thay đổi. Thăm bệnh có cái lợi về mặt tinh thần với người bệnh, người được thăm cảm thấy vui, được an ủi, tuy nhiên cái lợi này không bao nhiêu nếu so với những nguy cơ lây lan dịch bệnh. Vì thế, hãy dùng những cách thăm bệnh khác an toàn hơn, ví dụ có thể thăm hỏi gián tiếp bằng cách gọi điện thoại hay chia sẻ trên Facebook (mạng xã hội) chứ không nhất thiết phải vào thăm trực tiếp tại BV. Cần áp dụng điều này ngay cả khi dịch Covid-19 đã lắng.
 
Người thăm bệnh có thể trở thành “chuyến tàu” 2 chiều mang mầm bệnh vào bệnh viện cho người được thăm, hoặc mang mầm bệnh trở về cho người thân.
 
Bài và ảnh: ANH THƯ - (nld.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu