Thứ năm, 24/12/2020,10:16 (GMT+7)
Sản lượng lúa đặc sản đạt gần 1,1 triệu tấn/năm
Ngày 22-12, tại Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT-BVTV), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tổ chức Hội nghị tổng kết Đề án Phát triển sản xuất lúa đặc sản giai đoạn 2016 - 2020. Đến dự có đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành liên quan; lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Sở NN-PTNT, phòng Kinh tế, phòng NN-PTNT, hợp tác xã (HTX) sản xuất lúa tiêu biểu, doanh nghiệp.
Qua 5 năm triển khai thực hiện Đề án Phát triển sản xuất lúa đặc sản trên địa bàn 7 huyện, thị xã, diện tích lúa đặc sản gieo trồng đạt 175.226ha, vượt 27% so kế hoạch đề ra; diện tích lúa đặc sản toàn tỉnh chiếm gần 52% diện tích canh tác, tăng 2.109ha so năm 2019, sản lượng đạt gần 1,1 triệu tấn. Đồng thời, nhằm tạo đầu ra cho lúa đặc sản, Ban Giám đốc Đề án phối hợp cùng các địa phương tổ chức việc kết nối tiêu thụ giữa doanh nghiệp và các HTX vùng dự án, hiện tại có 54 HTX và 371 tổ hợp tác sản xuất lúa có hợp đồng liên kết sản xuất tiêu thụ cùng các công ty, doanh nghiệp, diện tích có bao tiêu gần 54.000ha.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: THÚY LIỄU
 
Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Trần Tấn Phương chia sẻ: “Đề án phát triển lúa đặc sản giai đoạn 2016 - 2020 qua 5 năm triển khai thực hiện, đã góp phần phát triển ổn định và bền vững các vùng sản xuất lúa đặc sản tập trung, diện tích và sản lượng lúa đặc sản tăng dần qua từng năm và vượt xa so với đề án đặt ra năm 2020 là 800.000 tấn - thời điểm hiện tại lúa đặc sản đạt gần 1,1 triệu tấn. Tới đây đề án sẽ tiếp tục được duy trì, nhằm nâng cao chất lượng lúa đặc sản trên địa bàn tỉnh để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường nội địa và xuất khẩu…”.
 
* Cũng trong buổi sáng ngày 22-12, tại Trung tâm Hội nghị - Tiệc cưới Toàn Thịnh, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (QLCLNLS-TS) phối hợp Trung tâm Doanh nghiệp hội nhập và phát triển (DNHN-PT) tổ chức hội thảo về thực hiện tem điện tử truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông, lâm, thủy sản. 
 
Tại hội thảo, Trung tâm DNHN-PT đã giới thiệu và hướng dẫn các cơ sở sản xuất, HTX cách quản trị hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm; sáng chế quy trình xác thực chống hàng giả. Theo đó, đại biểu đánh giá việc kích hoạt và sử dụng tem điện tử truy xuất nguồn gốc tại các cơ sở được hỗ trợ; chia sẻ vướng mắc của cơ sở khi áp dụng thử tem truy xuất nguồn gốc…
 
Dịp này, Chi cục QLCLNLS-TS đã trao hơn 2 triệu tem điện tử truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp cho 30 cơ sở sản xuất và HTX trên địa bàn tỉnh. Theo đó, nâng tổng số tem đã trao cho các cơ sở sản xuất và HTX lên hơn 3,5 triệu tem điện tử truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp (trong năm 2019 - 2020).
 
THÚY LIỄU - (baosoctrang.org.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu