Thứ năm, 09/07/2020,16:32 (GMT+7)
Sản phẩm tôm Cà Mau chinh phục thị trường "khó tính" Hoa Kỳ
Hoạt động xúc tiến thương mại tại Cà Mau đã phát huy hiệu quả và thị trường Hoa Kỳ được nhiều doanh nghiệp của Cà Mau đánh giá là truyền thống, kim ngạch xuất khẩu ổn định từ nhiều năm qua.
 
Vận chuyển tôm nguyên liệu vào nhà máy chế biến sản phẩm tôm xuất khẩu tại nhà máy của Tập đoàn Thủy sản Minh Phú tỉnh Cà Mau. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
Vận chuyển tôm nguyên liệu vào nhà máy chế biến sản phẩm tôm xuất khẩu tại nhà máy của Tập đoàn Thủy sản Minh Phú tỉnh Cà Mau. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
 
Thị trường xuất khẩu của tôm Cà Mau đang dần được mở rộng ở nhiều quốc gia trên thế giới và Hoa Kỳ là một trong những thị trường xuất khẩu hàng đầu của tỉnh.
 
Nhằm thực hiện mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đến năm 2025 đạt 1,9 tỷ USD, Cà Mau đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, khó khăn, thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng nhanh và bền vững.
 
Xuất khẩu thủy sản, đặc biệt xuất khẩu mặt hàng tôm từ lâu đã trở thành mũi nhọn của kinh tế-xã hội tỉnh Cà Mau. Trong những năm qua, hoạt động xúc tiến thương mại trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã phát huy khá hiệu quả trong việc phát triển thị trường trong nước, bên cạnh đó là củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu; trong đó, thị trường Hoa Kỳ được nhiều doanh nghiệp của Cà Mau đánh giá là truyền thống, kim ngạch xuất khẩu ổn định từ nhiều năm qua.
 
Chủ động thích ứng với thị trường
 
Hiện nay, thủy sản Cà Mau, trong đó chủ yếu là tôm đã có mặt trên 60 quốc gia và vùng lãnh thổ; trong đó, nhiều thị trường có yêu cầu quy chuẩn, chất lượng cao như Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc… với kim ngạch xuất khẩu hàng năm đều ở mức khoảng 1 tỷ USD. Theo thống kê của Sở Công Thương tỉnh Cà Mau, thị trường Hoa Kỳ luôn chiếm khoảng 20% trong tổng kim ngạch xuất khẩu.
 
Trên địa bàn tỉnh có 29 doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản với 39 nhà máy, tổng công suất đạt 185.000 tấn/năm; trong đó, Cà Mau có 10 doanh nghiệp lớn xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ. Chỉ tính riêng trong năm 2019, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của tỉnh Cà Mau đạt trên 1,1 tỷ USD, trong đó thị trường Hoa Kỳ đạt 233 triệu USD, chiếm gần 21% trong tổng kim ngạch xuất khẩu.
 
Với mục tiêu đưa Cà Mau trở thành “thủ phủ” của ngành tôm cả nước, bên cạnh mở rộng thị trường mới thì tăng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường truyền thống như Hoa Kỳ đã được Cà Mau chú trọng.
 
Tỉnh Cà Mau đã phối hợp nhiều cơ quan Trung ương, các tổ chức có liên quan của Hoa Kỳ nhằm đưa ngành tôm của địa phương phát triển bền vững, đáp ứng với những quy chuẩn ngày càng khắc khe của thị trường. Một trong những sự kiện quan trọng chính là việc Cà Mau đã phối hợp cùng với Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ), Chương trình SeafoodWatch (Chương trình Nghiên cứu đánh giá tác động môi trường thuộc Thủy cung Vịnh Moterey, Hoa Kỳ) và Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế (CEIP) ký kết tham gia Liên minh Sản xuất tôm sạch và bền vững Việt Nam.
 
Điều này không chỉ đảm bảo việc lựa chọn các nhà nuôi tôm, cung ứng thức ăn, cơ sở hạ tầng… mà còn tạo thành một chuỗi khép kín theo quy trình chuẩn. Tất cả vì mục tiêu hướng đến sự phát triển bền vững của ngành tôm Việt Nam, trong thời gian tới.
 
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cho rằng, trong bối cảnh ngành tôm Việt Nam nói chung và tỉnh Cà Mau nói riêng đang đứng trước nhiều thách thức về việc tìm kiếm thị trường và để đáp ứng với nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng thì việc phát triển những sản phẩm tôm sạch, thân thiện với môi trường là xu hướng tất yếu hiện nay.
 
“Từ việc thí điểm 50 hộ dân nuôi tôm có chứng nhận quốc tế ban đầu, địa phương đã đúc kết nhiều kinh nghiệm quan trọng nhằm giải bài toán đưa con tôm qua các thị trường giàu tiềm năng và khó tính. Trong mục tiêu phát triển, Cà Mau sẽ đẩy mạnh tổ chức sản xuất chuỗi một cách chặt chẽ hơn nữa, qua đó xây dựng các vùng nuôi chứng nhận quốc tế. Đồng thời, đẩy mạnh giám sát cộng đồng trong lĩnh vực này...”, ông Lê Văn Sử nhấn mạnh.
 
Ông Josh Madeira, chuyên gia của SeafoodWatch, phụ trách chính sách bảo tồn biển MBA, chia sẻ kinh nghiệm khi tiếp cận với tiêu chuẩn này, các nhà cung cấp phải đảm bảo được các tiêu chuẩn của môi trường, từ đó đưa ra các tiêu chí về luật pháp, thức ăn, truy xuất nguồn gốc, bảo vệ môi trường… để áp dụng cho các nhà nuôi tôm.
 
Các nông hộ nhỏ lẻ cũng có thể áp dụng một cách đơn giản, theo phương pháp tự quản lý chính cơ sở của mình. Với những cơ sở đó, SeafoodWatch sẽ kiểm tra mẫu từ các cơ sở nuôi tôm cùng với hồ sơ từ các nhà chế biến. Nếu đảm bảo tiêu chuẩn, tôm sẽ được khuyến cáo màu xanh để khách hàng Mỹ lựa chọn.
 
“Người tiêu dùng ở Bắc Mỹ, châu Âu và châu Á đều xem hương vị, độ tươi, lợi ích về mặt sức khỏe và an toàn thực phẩm là những vấn đề hàng đầu cần phải xem xét khi chọn mua hải sản, trong đó Hoa Kỳ, EU hay Nhật Bản luôn có các yêu cầu bắt buộc về an toàn thực phẩm. Không những vậy, hơn 90% các nhà bán lẻ tại thị trường Bắc Mỹ và hơn 75% các nhà bán lẻ tại thị trường EU… còn yêu cầu ngành thủy sản phải đáp ứng với sự bền vững của môi trường," ông Josh Madeira lưu ý thêm.
 
Hạn chế dần được khắc phục
 
Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau, trong giai đoạn 2016-2019, hoạt động xuất khẩu trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, kim ngạch xuất khẩu đạt 4.368 triệu USD, tăng trưởng bình quân 4,43%/năm; tổng sản lượng tôm chế biến, tiêu thụ khoảng 564.697 tấn, tăng trưởng bình quân 6,28%/năm. Hoạt động xuất khẩu trở thành một trong những động lực quan trọng để phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo trên địa bàn tỉnh.
 
Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu vẫn còn những hạn chế và khó khăn, thách thức như phát triển chưa tương xứng tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Sức cạnh tranh của doanh nghiệp chưa cao; việc hội nhập, vận dụng các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới chưa kịp thời. Hoạt động quản lý xuất khẩu còn chồng chéo, thủ tục hành chính rườm rà; gặp các rào cản kỹ thuật, rủi ro trong thanh toán đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam nói chung và tỉnh Cà Mau nói riêng.
 
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Châu Công Bằng chia sẻ, so với Cà Mau cũng như trên bình diện cả nước, tiềm năng và lợi thế nuôi trồng và chế biến thủy sản của một số nước bạn dù không bằng, nhưng họ lại có sự bứt phá và phát triển vượt bậc. Xu hướng phát triển tôm sạch, đảm bảo vệ sinh môi trường nuôi là điều tất yếu. Do đó, cần chặt chẽ trong tổ chức sản xuất chuỗi, xây dựng các vùng nuôi chứng nhận quốc tế, đẩy mạnh giám sát cộng đồng trong lĩnh vực này.
 
Với những hạn chế được chỉ ra, Cà Mau đã tích cực tham vấn các chuyên gia nhằm học tập nhiều kinh nghiệm từ các nước trên thế giới có kim ngạch xuất khẩu tôm sạch lớn như Ecuador, Hà Lan… được các thị trường lớn, khó tính như Hoa Kỳ, chấp nhận.
 
Là doanh nghiệp có rất nhiều kinh nghiệm trong việc nuôi tôm có chứng nhận quốc tế cũng như xây dựng mối quan hệ với các thị trường khó tính trên thế giới, những năm qua sản phẩm của Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (Công ty Minh Phú) đã có mặt tại hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ.
 
Nhằm đáp ứng những yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường, Công ty Minh Phú đã đặt mục tiêu thông qua việc sở hữu các chuỗi giá trị khép kín và có trách nhiệm nhằm xây dựng một hệ sinh thái hoàn chỉnh, mang lại giá trị cho tất cả các thành viên liên quan. Thực tế, trong tổng số 233 triệu USD kim ngạch xuất khẩu tôm của tỉnh Cà Mau sang thị trường Hoa Kỳ trong năm 2019 thì công ty Minh Phú đã có trên 138 triệu USD, tức là chiếm trên 59%.
 
Trong một chia sẻ gần đây, ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Công ty Minh Phú, cho biết công ty đã thể hiện quyết tâm khi xây dựng các vùng nuôi có chứng nhận quốc tế. Cụ thể, hiện công ty có hơn 300 nhân viên giám sát thu hoạch vùng nuôi, xây dựng phòng kiểm kháng sinh vùng nuôi hàng tỷ đồng. Bên cạnh đó, công ty có hơn 20 chuẩn xuất khẩu tôm quốc tế trong số hàng trăm chuẩn. Có những chuẩn chỉ xuất khẩu vài tấn tôm, nhưng không vì thế mà công ty e ngại.
 
Các hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản mong muốn là các về vấn đề liên quan đến nguồn vốn để đầu tư nuôi trồng theo hướng siêu thâm canh công nghệ cao, nhất là trong bối cảnh các đơn vị tài chính chưa thực sự nhiệt tình trong khi hiệu quả các vụ nuôi đã được kiểm chứng.
 
Nhằm giải quyết vấn đề này, lãnh đạo tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo các ngân hàng trong chuỗi liên kết cần phải chủ động hơn trong việc hỗ trợ các hợp tác xã về khoản vốn vay, có vậy họ mới có cơ hội đầu tư sản xuất và tham gia sâu vào chuỗi giá trị. Bởi lẽ đây là một trong những nhân tố tích cực cung ứng khối lượng lớn tôm cho hoạt động chế biến và xuất khẩu thủy sản tỉnh.
 
San pham tom Ca Mau chinh phuc thi truong
Cà Mau có đội tàu khai thác thủy hải sản lớn, với sản lượng bình quân trên 200.000 tấn/năm. (Ảnh: Thế Anh/TTXVN)
 
Ngay từ đầu năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, cả doanh nghiệp và người dân nuôi tôm trên địa bàn Cà Mau gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, thị trường xuất khẩu tôm đã có những chuyển biến tích cực, giá tôm nguyên liệu đã phần nào tăng trở lại. Tuy chưa được như kỳ vọng, nhưng đây là những tín hiệu tích cực để ngành tôm Cà Mau dần ổn định và phát triển thời gian tới.
 
Nền tảng bền vững
 
Qua năm năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Cà Mau, một trong những kết quả nổi bật nhất là người sản xuất đã bắt đầu quan tâm đến việc đầu tư để nâng cao chất lượng sản phẩm và thực hiện liên kết chuỗi giá trị.
 
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau, với vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Cà Mau, thủy sản mà đặc biệt là ngành tôm đã và đang tiếp tục tạo ra nhiều chuyển biến tích cực từ hình thức sản xuất cho đến chế biến và tiêu thụ. Trong đó, nhiều nông dân đã mạnh dạn áp dụng mô hình mới với các chứng nhận quốc tế, tạo điều kiện để ngành hàng chủ lực này phát triển lên bậc thang mới, cao hơn và bền vững hơn. 
 
Trong những năm gần đây, Cà Mau đã có nhiều lượt doanh nghiệp ký kết hợp đồng hợp tác phát triển chuỗi giá trị ngành hàng tôm với các hợp tác xã, tổ hợp tác; trong đó có khoảng 1.000 hộ dân tham gia. Những hợp đồng liên kết này không chỉ để cung ứng vật tư đầu vào gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, mà còn cùng nhau xây dựng vùng nguyên liệu có chứng nhận quốc tế.
 
Trong đó, Hợp tác xã Nuôi thủy sản Cái Bát, ấp Cái Bát, xã Hòa Mỹ, huyện Cái Nước là một trong những điển hình phát triển mới trong sản xuất.
 
Ông Nguyễn Văn Lâm, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hợp tác xã Cái Bát chia sẻ, đến nay, vùng sản xuất hơn 350ha của hợp tác xã đã được công nhận vùng nguyên liệu tôm sạch theo tiêu chuẩn ASC (Hội đồng Quản lý nuôi trồng thủy sản).
 
Loại hình nuôi của hợp tác xã rất đa dạng, từ thâm canh, siêu thâm canh cho đến quảng canh cải tiến, quảng canh 2 giai đoạn… Kết quả đó có được chính là nhờ việc liên kết trong sản xuất đã giúp nâng cao năng suất, hiệu quả và chất lượng tôm nuôi, hạn chế dịch bệnh. Từ đó, đời sống của các thành viên trong hợp tác xã không ngừng nâng cao.
 
Ngoài ra, tỉnh Cà Mau đã chủ động phối hợp với các tổ chức phi Chính phủ hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ dân thực hành nuôi tôm bền vững có trách nhiệm theo các tiêu chuẩn được trên 19.000ha. Song song với đó là hỗ trợ doanh nghiệp chế biến thủy sản xây dựng vùng nuôi tôm thâm canh có chứng nhận quốc tế được trên 600ha. Bên cạnh đó là xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa-tôm đặc sản an toàn tại xã Trí Lực, Trí Phải (huyện Thới Bình)…
 
Không dừng lại ở đó, hiện Cà Mau có 12 doanh nghiệp liên kết sản xuất tôm sinh thái (tôm hữu cơ) trên diện tích 20.000 ha, với 4.000 hộ nuôi; trong đó, tôm hữu cơ có sản lượng từ 8.000-9.000 tấn/năm được chứng nhận organic (chứng nhận hữu cơ) và giá trị tăng thêm cho người dân tham gia thực hiện mô hình này là 5%. Sản phẩm đạt chứng nhận tôm sinh thái đó đang được người tiêu dùng khó tính như Mỹ và EU chấp nhận sử dụng với giá cao.
 
“Tính hiệu quả của hoạt động liên kết trong sản xuất đã được khẳng định. Những năm qua, nhiều mô hình liên kết trong sản xuất đã được thực hiện thành công tại các địa phương. Qua đó, góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá, khai thác và tận dụng thế mạnh của từng địa phương," Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Cà Mau Châu Công Bằng đánh giá.
 
Gỡ khó cho doanh nghiệp xuất khẩu
 
Theo nhận định của Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau, với đặc điểm là nền kinh tế có độ mở cao, hội nhập sâu, các sản phẩm, ngành hàng chủ lực của tỉnh chủ yếu phục vụ cho xuất khẩu, nên khi thế giới bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, tỉnh Cà Mau cũng chịu tác động rất lớn đến các ngành, lĩnh vực thế mạnh của tỉnh.
 
Trong sáu tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh ước đạt hơn 374 triệu USD, bằng trên 31% kế hoạch, giảm hơn 12% so với cùng kỳ; trong đó xuất khẩu thủy sản (chủ yếu là tôm) ước đạt hơn 350 triệu USD, bằng 30,5% kế hoạch, giảm gần 15% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, hiện các đối tác lớn đề nghị tạm ngừng các đơn hàng nhập khẩu. Nhiều khách hàng lớn tạm ngừng, giảm, giãn nhập khẩu tôm chế biến, doanh nghiệp phải tạm trữ hàng hóa với số lượng lớn, khoảng 19.000 tấn.
 
Cùng với dịch bệnh, tác động từ hạn hán đã làm hơn 25.600ha diện tích tôm nuôi bị nhiễm bệnh, mức độ thiệt hại năng suất khoảng từ 30-50%.
 
Trước những thách thức đó, Bí thư Tỉnh ủy-Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải đã chỉ đạo các cơ quan có liên quan chủ động làm việc với Bộ Công Thương để có những nhận định chính xác, nắm chắc diễn biến, nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế. Đồng thời, tranh thủ sự quan tâm, phối hợp hỗ trợ của các cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài để kịp thời thông tin cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
 
Cùng đó, yêu cầu các cơ quan liên quan đôn đốc doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, giữ mối liên hệ thường xuyên, chặt chẽ với các khách hàng nhập khẩu hiện có; kết hợp với tìm kiếm thị trường mới, nhất là đối với các mặt hàng đang tạm dừng xuất khẩu do đối tác bị ảnh hưởng dịch COVID-19 giãn, hủy đơn hàng.
 
San pham tom Ca Mau chinh phuc thi truong
Chế biến sản phẩm tôm xuất khẩu tại nhà máy của Tập đoàn Thủy sản Minh Phú tỉnh Cà Mau. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
 
Các doanh nghiệp cũng chủ động tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, nhất là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) để đa dạng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu.
 
Trên những cơ sở đó, các ngân hàng thương mại trên địa bàn Cà Mau đã triển khai thực hiện nghiêm túc các thông tư, chỉ thị của Ngân hàng Nhà nước quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19. Con số thống kê đến đầu tháng 6/2020 cho thấy, các ngân hàng đã hỗ trợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ cho 2.237 doanh nghiệp, người dân với tổng số dư nợ 1.045,6 tỷ đồng.
 
Cụ thể, lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, tổng dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay 121,8 tỷ đồng cho 1.401 khách hàng. Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, tổng dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay 336,7 tỷ đồng cho 23 khách hàng...
 
Nhờ chủ động thực hiện các giải pháp, đến nay các hoạt động sản xuất, kinh doanh nói chung và các hoạt động xuất-nhập khẩu của địa phương đã “khởi động” trở lại.
 
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Minh Cường, cho biết trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát thì thị trường xuất khẩu tôm gần như bị “đóng băng," còn hiện nay một số thị trường lớn của công ty đã nhập hàng trở lại. Nhờ việc vẫn duy trì hoạt động suốt thời gian qua, công ty đang có lượng hàng dự trữ dồi dào để chuẩn bị cho kế hoạch xuất khẩu sắp tới.
 
Đặc biệt, “cuộc chiến chống dịch COVID-19 hiệu quả ở Việt Nam đã tạo lợi thế cho doanh nghiệp xuất khẩu nói chung và doanh nghiệp xuất khẩu tôm nói riêng có lợi thế trong việc cạnh tranh với các nước khác. Cũng từ đó, kế hoạch đạt giá trị xuất khẩu 35 triệu USD của công ty trong năm cũng rất khả quan," ông Nguyễn Minh Tuấn chia sẻ.
 
Nhằm đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu của địa phương trong năm năm tiếp theo, ngành công thương Cà Mau đã đề ra nhiều giải pháp trọng tâm như tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu. Qua đó, giúp doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi giá trị khu vực, nâng cao năng lực sản xuất xuất khẩu và cạnh tranh; tập trung đẩy nhanh việc xây dựng và áp dụng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực đối với hàng hóa xuất khẩu, bao gồm tiêu chuẩn: kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường.
 
Đồng thời, ngành công thương Cà Mau nâng cao hiệu quả và đổi mới phương thức xúc tiến thương mại, tập trung vào các hàng hóa có lợi thế xuất khẩu và quan tâm đến những sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu để xúc tiến xuất khẩu; tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xác lập, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp ở thị trường trong nước và tại các thị trường xuất khẩu.
 
Cùng với đó, ngành công thương cũng tăng cường theo dõi, nghiên cứu diễn biến chính sách và phân tích tác động tới Việt Nam, trong bối cảnh xu thế bảo hộ gia tăng, đặc biệt là các diễn biến nhanh, khó lường của tranh chấp thương mại, cập nhật các thay đổi về chính sách thương mại, quy định của các nước, đặc biệt tại các thị trường xuất khẩu lớn…/.
 
Huỳnh Anh (vietnamplus.vn)
T/h: Nguyễn Quyên - (dongbang.vn)
 
 
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu