Thứ tư, 01/04/2020,10:36 (GMT+7)
Sẵn sàng triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới
Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới sẽ bắt đầu triển khai trên cả nước từ năm học 2020-2021, đối với lớp 1. Hiện nay, công tác chuẩn bị đang được các trường học trên địa bàn TPHCM khẩn trương thực hiện, trong đó bồi dưỡng giáo viên và chọn lựa sách giáo khoa (SGK) được chuyển qua hình thức trực tuyến, nhằm phù hợp hơn trước tình hình dịch Covid-19.
Giáo viên TPHCM tìm hiểu bộ SGK chương trình mới
Giáo viên TPHCM tìm hiểu bộ SGK chương trình mới
 
Bồi dưỡng giáo viên trực tuyến

Sáng 31-3, ông Trần Khắc Huy, Trưởng phòng GD-ĐT quận Tân Bình, cho biết, địa phương đã hoàn tất tập huấn đại trà cho toàn bộ giáo viên lớp 1 thực hiện chương trình GDPT mới. Cụ thể, các trường đã phối hợp với Trường Đại học Sư phạm TPHCM triển khai bồi dưỡng giáo viên theo hình thức trực tuyến từ đầu tháng 3-2020.
 
Tương tự, tại quận 12, ông Khưu Mạnh Hùng, Trưởng phòng GD-ĐT quận, chia sẻ, địa phương đang chuẩn bị cơ sở vật chất để tổ chức bồi dưỡng trực tuyến cho toàn bộ giáo viên lớp 1, thay thế hình thức bồi dưỡng tập trung như kế hoạch đề ra trước đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Dự kiến, công tác bồi dưỡng trực tuyến sẽ diễn ra vào giữa tháng 4-2020. Theo Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu, tính đến thời điểm hiện tại, tất cả giáo viên cốt cán khối 1 trên địa bàn TP đã được tham gia tập huấn; riêng công tác bồi dưỡng đại trà đang được các địa phương chủ động chuyển đổi qua hình thức trực tuyến, nhằm đảm bảo tiến độ thực hiện chương trình GDPT mới.

Song song với công tác bồi dưỡng giáo viên, đại diện các trường tiểu học đều cho biết, sau khi UBND TP ban hành tiêu chí lựa chọn SGK, các tổ bộ môn trong trường học đã tổ chức cho giáo viên so sánh, đối chiếu, lấy ý kiến trở lại về việc chọn lựa SGK trước khi đưa ra quyết định chọn sách, để hội đồng trường xem xét, phê duyệt. Dựa trên cơ sở 5 bộ SGK lớp 1 phục vụ chương trình GDPT mới đã được Bộ GD-ĐT thẩm định và phê duyệt, giáo viên phải tham khảo đầy đủ 5 bộ sách, tiến hành phân tích và đưa ra lựa chọn SGK phù hợp với điều kiện dạy học thực tế tại đơn vị. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh, công tác thảo luận, lấy ý kiến hầu hết được triển khai qua các công cụ trực tuyến như Zalo, Viber… Nhìn chung, các thầy, cô giáo đều cho rằng, không có độ chênh quá lớn về nội dung kiến thức giữa các bộ SGK, ngữ liệu có thể khác nhau nhưng đều hướng đến mục tiêu chung là giáo dục năng lực và phẩm chất cho người học. 

Theo kế hoạch ban đầu của Sở GD-ĐT TPHCM, các trường tiểu học sẽ công bố và niêm yết công khai danh mục SGK lớp 1 phục vụ năm học 2020-2021 trước ngày 1-5-2020. Tuy nhiên, theo một lãnh đạo Phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT TP), hiện nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên lộ trình thực hiện sẽ chờ thêm hướng dẫn từ cơ quan quản lý.  

Nhiều phương án cơ sở vật chất và giáo viên

Bà Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó Chủ tịch UBND quận Thủ Đức, cho biết, tỷ lệ học sinh lớp 1 được học 2 buổi/ngày hiện nay trên toàn quận mới đạt 49%. Để thực hiện yêu cầu 100% học sinh lớp 1 được học 2 buổi/ngày theo chương trình GDPT mới là thách thức vô cùng lớn. Tương tự, tại huyện Bình Chánh, năm học 2019-2020 có 10.418 học sinh lớp 1, tỉ lệ phòng học bình quân mới đạt 182 phòng học/10.000 dân. Một số xã như Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B do áp lực tăng dân số cơ học quá lớn nên chỉ tổ chức dạy học 1 buổi/ngày.
 
Trong khi đó, chương trình GDPT mới do Bộ GD-ĐT ban hành được thiết kế dạy học 2 buổi/ngày đối với bậc tiểu học, thời lượng tổ chức 7 tiết/ngày, tổng cộng 35 tiết/tuần. Do đó, sau khi trường học hoạt động trở lại, các địa phương sẽ có nhiều phương án chuẩn bị cơ sở vật chất. Trước mắt, TP sẽ tiến hành rà soát cơ sở vật chất để triển khai chương trình GDPT mới, đề nghị UBND các quận, huyện có kế hoạch, lộ trình đảm bảo 100% học sinh khối 1 được học 2 buổi/ngày vào năm học 2020-2021, kết hợp đẩy mạnh xây dựng trường lớp để tiếp tục thực hiện cuốn chiếu đối với các khối lớp còn lại vào những năm kế tiếp. Trường hợp chỉ tổ chức dạy học 1 buổi/ngày, có thể tính đến các phương án nâng cao sĩ số hoặc tổ chức dạy học 6 buổi/tuần.

Ngoài ra, hiện TP đang triển khai Đề án “Bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017-2025”, trong đó tập trung một số nhiệm vụ như đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm bổ sung thiết bị dạy học thực hiện chương trình GDPT mới. Bên cạnh đó, TP cũng tiến hành rà soát, đánh giá thực trạng, xác định nhu cầu giáo viên ở các bậc học để khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ; phối hợp các trường đại học sư phạm lên kế hoạch bổ sung giáo viên cho các môn học. Trong đó, với riêng giáo viên 2 môn Tin học và Ngoại ngữ, nhiều ý kiến đề xuất Bộ GD-ĐT ban hành văn bản cụ thể về định biên giáo viên khi thực hiện chương trình GDPT mới, để các địa phương có căn cứ bổ sung vào danh mục vị trí việc làm, đảm bảo thực hiện hiệu quả chương trình GDPT mới.
 
THU TÂM - (sggp.org.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu