Chủ nhật, 15/09/2019,06:42 (GMT+7)
Sao Mai Phạm Thùy Dung: Thính phòng là "bản ngã" của tôi
Sau khi giành vị trí Á Quân Sao Mai 2013, Phạm Thùy Dung đã tạm gác lại ánh hào quang sân khấu, lặng lẽ theo đuổi niềm đam mê với âm nhạc cổ điển. Phạm Thùy Dung đã dành 6 năm bền bỉ, miệt mài trau dồi kỹ năng thanh nhạc và sẽ tái ngộ khán giả trong live-concert "Trăng Hát" diễn ra tại Nhà hát Lớn ngày 29-9 tới.

Trước thềm buổi biểu diễn, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Phạm Thùy Dung.

Âm nhạc cổ điển vốn kén người nghe, đồng thời cũng đòi hỏi một quá trình rèn luyện nghiêm túc, gian khổ. Vì sao Phạm Thùy Dung lại lựa chọn con đường đầy chông gai này?

Ngày bé, tôi đã được hát Thánh ca trong nhà thờ, cứ mỗi tuần tôi đều theo các anh, chị đi lễ và sau thánh lễ thì được tập hát. Ngày đó, tôi cũng chưa hiểu thế nào là "âm nhạc nhà thờ" mà chỉ thấy khi những giai điệu đó vang lên, tôi cứ đắm say ngân nga, cảm giác âm nhạc đó có một sức lôi cuốn kỳ lạ, càng hát càng thấy mê. Đó chính là nguồn gốc của âm nhạc cổ điển.

Sao Mai Phạm Thùy Dung: Thính phòng là bản ngã của tôi - Ảnh 1.

Ca sĩ Phạm Thùy Dung

Sau khi đoạt giải Sao Mai, tôi tiếp tục hoàn thành hệ đại học và cao học tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Đây cũng là thời điểm tôi hát nhiều tác phẩm opera kinh điển nhất từ trước tới giờ, càng học càng thích, càng hát càng mê.

Bên cạnh đó, tôi được nhiều chuyên gia gợi ý hát thính phòng vì họ nghe tôi hát và cảm nhận rằng nếu tôi theo dòng nhạc thính phòng thì sẽ khai thác được rất nhiều tiềm năng đang ẩn sâu trong giọng hát và con người của tôi. Tại thời điểm đó, tôi được học thêm với bà giáo Hồ Mộ La - một người đã có rất nhiều học trò thành danh như Rơ Chăm Pheng, Thanh Xuân, Thanh Hoa, Anh Thơ.... và là người truyền thêm ngọn lửa opera đến với tôi.

Và càng học, càng hát thì tôi càng nhận ra rằng thính phòng mới chính là "bản ngã", là "con người" của tôi. Mỗi khi cất lên tiếng hát một bài cổ điển nào đó, tôi thấy mình như được bay lên, thăng hoa, ngập tràn trong cảm xúc và một tình yêu rộng lớn.

6 năm khổ luyện, giờ thì khán giả sẽ được thấy một Phạm Thùy Dung trưởng thành như thế nào?

Đó chính là sự trưởng thành về giọng hát, sự chín chắn trong cách làm nghề và sự trải nghiệm với nghệ thuật cũng như cuộc sống. Nhưng tôi nghĩ mọi thứ vẫn chưa hoàn hảo, tôi còn phải tiếp tục hoàn thiện nhiều hơn. Điều khiến tôi thấy những cố gắng của mình được công chúng ghi nhận là bây giờ khi nhắc đến Phạm Thuỳ Dung người ta nghĩ ngay đến một cô ca sĩ opera thính phòng chứ không chỉ là một giọng hát dân gian như trước nữa (cười).

Sao Mai Phạm Thùy Dung: Thính phòng là bản ngã của tôi - Ảnh 2.

Họp báo live-concert "Trăng Hát" của ca sĩ Phạm Thùy Dung

Tôi cũng may mắn được gặp nghệ sĩ người Nga Lyubov kazanovskaya – một trong 5 ngôi sao opera thành công nhất thế kỷ 20. Bà là người có ảnh hưởng rất lớn đến phong cách hát opera của Phạm Thuỳ Dung. Vài tháng một lần, tôi lại bay sang Nga để gặp bà và được bà chỉ dạy rất tận tình. Tôi may mắn được bà yêu thương như một người con nên bà không nề hà bất kỳ điều gì thuộc về âm nhạc mà tôi muốn được giúp đỡ. Những tháng ngày được học bà, theo bà đi diễn ở nhiều nước trên thế giới đã giúp tôi có thêm kiến thức, thêm trải nghiệm thực tế và thêm tự tin vào bản thân mình.

Live-concert "Trăng Hát" liệu có phải mà một sự kiện đánh dấu cho sự trưởng thành nghề nghiệp của Phạm Thùy Dung không?

Dòng âm nhạc cổ điển thính phòng vốn đã kén người nghe nên nếu làm không hiệu quả sẽ có rất nhiều "tác dụng phụ". Nhưng từ rất lâu trước đó, tôi đã luôn mơ ước được đứng trên sân khấu của chính mình, được toả sáng. Muốn thế thì phải trau dồi về kỹ thuật, học thuật cũng như cảm xúc và kinh nghiệm biểu diễn. May mắn cho tôi là trong suốt 2 năm học cao học, dưới sự hướng dẫn của GS-NSND Trung Kiên, tôi đã được hát và trau dồi rất nhiều.

Sao Mai Phạm Thùy Dung: Thính phòng là bản ngã của tôi - Ảnh 3.

Sau một quá trình rèn luyện liên tục, tôi nghĩ mình phải làm một cái gì đấy để đánh giá lại chặng đường đã qua và chuẩn bị cho những bước đi tiếp theo. Từ suy nghĩ ấy, tôi quyết định làm concert "Trăng Hát".

Được biết, live-concert này có sự đồng hành Dàn nhạc Giao hưởng Mặt Trời và hai nghệ sĩ tên tuổi là Đăng Dương, Tùng Dương. Phạm Thùy Dung có thấy rằng mình rất may mắn không?

Khi biết tin Dàn nhạc Giao hưởng Mặt Trời sẽ đồng hành cùng mình trong live-concert "Trăng Hát", tôi vui sướng vô cùng. Không từ gì có thể diễn tả được cảm xúc đó, bởi tôi không nghĩ mình sẽ được hát với một dàn nhạc mang tầm vóc quốc tế ngay trong live-concert đầu tiên của mình. Thành viên của dàn nhạc ấy đều là những nghệ sĩ giỏi trong nước và thế giới. Với tôi, đó vừa là điều may mắn, cũng vừa là động lực để cá nhân mình phải cố gắng, nỗ lực nhiều hơn.

Sao Mai Phạm Thùy Dung: Thính phòng là bản ngã của tôi - Ảnh 4.

Ca sĩ Phạm Thùy Dung và nhạc trưởng Dàn nhạc Giao hưởng Mặt Trời

Khách mời đồng hành với Phạm Thùy Dung ở concert lần này chính là hai người nghệ sĩ đàn anh thân thiết là Đăng Dương và Tùng Dương. Nếu Đăng Dương là một giọng ca opera mẫu mực của làng nhạc thính phòng hiện nay thì Tùng Dương lại là người luôn sáng tạo, phá cách và mang nhiều màu sắc đương đại, tươi mới. Khi được hát cùng hai anh, Phạm Thùy Dung sẽ được thể hiện nhiều màu sắc âm nhạc khác nhau và họ sẽ là những người hỗ trợ để chắp cánh cho giọng hát tôi được bay bổng và thăng hoa.

Sau "Trăng Hát", Phạm Thùy Dung đã có những dự định gì cho sự nghiệp âm nhạc của mình chưa?

Sau live-concert này, tôi cũng có dự định làm thêm một dự án âm nhạc nữa với dòng opera. Vì tôi nghĩ, tuổi đời nghệ sĩ không có nhiều nên mình sẽ dành những gì tốt nhất cho con đường mình đã chọn. Nghệ thuật sẽ không phụ mình nếu mình cố công và khi mình đạt được những thành công nhất định thì có thể sẽ trở thành động lực cho các bạn đồng nghiệp theo đuổi nghề.

Xin cám ơn và chúc Phạm Thùy Dung thành công với Trăng Hát!

Lâm An - (nld.com.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)

Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu