Thứ sáu, 30/08/2019,09:14 (GMT+7)
Sắp xếp, tổ chức lại hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang dự thảo Đề án sắp xếp, tổ chức lại hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030.

Ảnh minh họa

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, triển khai thực hiện Luật giáo dục nghề nghiệp và Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2016, Bộ đã thực hiện tiếp nhận và bàn giao quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp.

Tại thời điểm nhận bàn giao quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, cả nước có 1.989 cơ sở giáo dục nghề nghiệp gồm: 409 trường cao đẳng, 583 trường trung cấp và 997 trung tâm giáo dục nghề nghiệp. Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp phát triển rộng khắp cả nước, đa dạng về loại hình, trình độ đào tạo và mô hình hoạt động. Tuy nhiên, hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phân bố còn dàn trải, chồng chéo, chất lượng không đồng đều, thực hiện tự chủ rất hạn chế, nhiều trường trung ương và địa phương cùng đào tạo ngành, nghề giống nhau trên cùng một địa bàn; nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp không đạt chuẩn theo quy định.

Xuất phát từ thực tiễn trên, việc sắp xếp, tổ chức lại hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp là yêu cầu cần thiết, cấp bách góp phần vào công cuộc đổi mới toàn diện, có bước đột phá về cơ cấu và nâng cao chất lượng đào tạo; xây dựng hệ thống giáo dục nghề nghiệp hiện đại, linh hoạt, hiệu quả và phát triển bền vững, đồng thời đáp ứng yêu cầu nhân lực trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.

Quy mô tuyển sinh đạt  6,3 triệu người mỗi năm

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã dự thảo Đề án sắp xếp, tổ chức lại hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030. Trong đó đề xuất mục tiêu đến năm 2021, phấn đấu quy mô tuyển sinh đạt 2,6 triệu người mỗi năm, ít nhất 80% người học có việc làm và có năng suất, thu nhập cao hơn sau đào tạo; giảm mạnh về đầu mối, tối thiểu bình quân cả nước giảm 10% đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2015 (bình quân mỗi năm giảm tối thiểu 2,5%); trong đó trường trung cấp giảm tối thiểu 15%; có 40 trường cao đẳng được kiểm định, đánh giá, công nhận đạt tiêu chí của trường chất lượng cao, trong đó có khoảng 3 – 5 trường tiếp cận trình độ các nước phát triển trong nhóm G20, 40 trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4; phấn đấu có 10% đơn vị tự chủ tài chính, giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2011 – 2015.

Đến năm 2025, phấn đấu quy mô tuyển sinh đạt 4,6 triệu người mỗi năm, ít nhất 85% người học có việc làm và có năng suất, thu nhập cao hơn sau đào tạo; tiếp tục giảm tối thiểu bình quân cả nước 10% đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2021 (bình quân mỗi năm giảm tối thiểu 2%); có 70 trường cao đẳng được kiểm định, đánh giá, công nhận đạt tiêu chí của trường chất lượng cao, trong đó có khoảng 5 – 7 trường tiếp cận trình độ các nước phát triển trong nhóm G20, 40 trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4; phấn đấu có tổi thiểu 20% đơn vị tự chủ tài chính, thực hiện cổ phần hóa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có đủ điều kiện theo quy định.

Đến năm 2030, phấn đấu quy mô tuyển sinh đạt 6,3 triệu người mỗi năm, ít nhất 90% người học có việc làm và có năng suất, thu nhập cao hơn sau đào tạo; tiếp tục thực hiện giảm đầu mối, phấn đấu chỉ còn các đơn vị sự nghiệp giáo dục nghề nghiệp công lập phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ quản lý nhà nước và cung ứng các dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp; có 100 trường được kiểm định, đánh giá, công nhận đạt tiêu chí của trường chất lượng cao, trong đó có khoảng 15 trường tiếp cận trình độ các nước phát triển trong nhóm G20, 50 trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4. Giáo dục nghề nghiệp Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực ASEAN.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Tuệ Văn - (baochinhphu.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu