Thứ tư, 01/06/2022,11:05 (GMT+7)
Sau khi thoát vụ lừa xuất khẩu hạt điều: Yêu cầu công ty môi giới chịu trách nhiệm
Vụ lừa xuất khẩu hạt điều đã kết thúc có hậu khi doanh nghiệp Việt Nam được tuyên bố quyền sở hữu bởi tòa án của Ý
 
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Bạch Khánh Nhựt, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), cho biết cập nhật đến sáng 31-5, doanh nghiệp (DN) Việt Nam trong vụ lừa xuất khẩu hạt điều đã kiểm soát được toàn bộ 35/35 lô hàng nhờ phán quyết của tòa án của Ý.
 
"Tuy nhiên, còn 5 lô hàng của 3 DN vẫn nằm lại cảng của Ý do hãng tàu chưa phát hành bộ chứng từ mới cho DN. Lý do là các DN này chưa đóng tiền cọc (từ 125-150% giá trị lô hàng, mỗi lô giá trị khoảng 4 tỉ đồng) cho hãng tàu nên chưa thể bán lại hoặc kéo hàng về Việt Nam như 30 container còn lại. Yêu cầu đóng tiền cọc của hãng tàu là không sai vì phán quyết của tòa án mới là phán quyết ban đầu để DN có thể giải phóng nhanh hàng hóa do hạt điều là thực phẩm có thời gian sử dụng, để lâu sẽ giảm phẩm cấp. Đến phán quyết cuối cùng của tòa án, DN sẽ được nhận lại tiền cọc từ hãng tàu sau khi bị trừ các chi phí liên quan như kho bãi, vận chuyển,…" – ông Nhựt giải thích.
 
Sau khi thoát vụ lừa xuất khẩu hạt điều: Yêu cầu công ty môi giới chịu trách nhiệm - Ảnh 1.
Vụ xuất khẩu hạt điều gặp lừa đảo quốc tế đang đi vào hồi kết có hậu
 
"Nhờ sự chỉ đạo kịp thời của Thủ tướng, sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng trong và ngoài nước, các DN điều trong vụ lừa đảo lớn nhất từ trước đến nay đã thành công trong việc lấy lại hàng. Dù vậy, vụ việc vẫn chưa kết thúc vì một số lô hàng vẫn đang trên đường về Việt Nam, các DN chưa thể tính toán hết thiệt hại. Việc tiếp theo các DN trong vụ lừa đảo này sẽ làm là đề nghị xử lý Công ty Kim Hạnh Việt – công ty môi giới toàn bộ lô hàng và buộc họ phải chi trả các thiệt hại. Thời gian qua, các DN chủ hàng đã bỏ nhiều chi phí như: tiền thuê luật sư, tiền đặt cọc… để theo đuổi vụ việc" – ông Nhựt thông tin.
 
Được biết, Công ty Kim Hạnh Việt có chủ là người Việt quốc tịch Mỹ.
Trước đó, vào tháng 2, thời điểm Tết Nguyên đán, thông qua Công ty môi giới Kim Hạnh Việt, nhiều DN Việt Nam đã ký hợp đồng xuất khẩu điều sang Ý với tổng số lượng 76 container cho nhiều khách hàng Ý và bắt đầu giao hàng. Khi DN Việt thu tiền hàng thì phát hiện có nghi vấn lừa đảo nên đã tìm cách ngăn chặn nhiều lô hàng. Tuy nhiên, vẫn có 35 container đến các cảng của Ý trong tháng 3 trong khi DN và ngân hàng Việt Nam bị mất quyền kiểm soát các bộ chứng từ gốc.
 
Tin, ảnh: Ngọc Ánh (nld.com.vn)
 
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu