Đây là một trong số nhiều nội dung nằm trong Nghị quyết số 218 của Chính phủ vừa ban hành. Theo đó, Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Y tế chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan nghiên tăng mức đóng BHYT theo lộ trình phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách nhà nước và khả năng chi trả của người dân.
Đăng ký khám chữa bệnh BHYT
Đồng thời nghiên cứu mở rộng danh mục dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, danh mục thuốc, thiết bị, vật tư y tế ở y tế cơ sở do quỹ BHYT chi trả tương ứng với mức tăng BHYT. Giải quyết kịp thời những vướng mắc trong việc thanh toán, quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT.
Thời gian hoàn thành nhiệm vụ này theo tiến độ thực hiện Luật BHYT.
Hiện mức đóng BHYT đối với hộ gia đình được quy định tại Nghị định 146/2018 của Chính phủ như sau:
Người thứ nhất: 4,5% mức lương cơ sở (972.000 đồng/năm). Người thứ hai: 70% mức đóng của người thứ nhất (3,15% mức lương cơ sở tương đương 680.400 đồng/năm). Người thứ ba: 60% mức đóng của người thứ nhất (2,7% mức lương cơ sở tương đương 583.200 đồng/năm. Người thứ tư: 50% mức đóng của người thứ nhất (2,25% mức lương cơ sở, tương đương 486.000 đồng/năm). Người thứ năm trở đi: 40% mức đóng của người thứ nhất (1,8% mức lương cơ sở, tương đương 388.800 đồng/năm).
Theo quy định tại Luật BHYT sửa đổi năm 2014, mức đóng BHYT hàng tháng tối đa bằng 6% tiền lương tháng, trong đó người sử dụng lao động đóng 2/3 và người lao động đóng 1/3.
Nghị quyết số 218 cũng yêu cầu Bộ Y tế chủ trì nghiên cứu, xây dựng dự án Luật điều chỉnh về thiết bị y tế; nâng cao năng lực nhân viên y tế cơ sở; điều động, luân phiên bác sĩ, nhân viên y tế về công tác tại y tế cơ sở, nhất là tại trạm y tế xã. Đây là nhiệm vụ thường xuyên hàng năm.
Bộ Y tế cũng được giao phối hợp Bộ Nội vụ và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu có quy định về tinh giản biên chế phù hợp với đặc thù của ngành y tế; nghiên cứu bảo đảm tiền lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ thỏa đáng đối với cán bộ, nhân viên y tế.