Thứ ba, 01/06/2021,07:52 (GMT+7)
Siết tín dụng với bất động sản, chứng khoán
Trước những dấu hiệu tiềm ẩn rủi ro về cho vay bất động sản (BÐS), chứng khoán, đầu tư kinh doanh trái phiếu, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) mới đây đã phát tín hiệu cảnh báo, yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD) kiểm soát chặt tín dụng liên quan đến các khoản vay này.
Khách hàng giao dịch tại chi nhánh Ngân hàng Vietcombank.
 
Bất động sản, chứng khoán tăng “nóng”
 
Theo Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (NHNN), qua công tác theo dõi, giám sát hoạt động năm 2020, NHNN nhận thấy một số TCTD có các dấu hiệu tiềm ẩn rủi ro như nợ xấu nội bảng có xu hướng tăng; tỷ lệ nợ xấu của một số công ty tài chính tiêu dùng ở mức cao và tăng lớn; lãi phải thu từ hoạt động tín dụng tăng lớn so với cuối năm 2019.
 
Trong năm 2020, tín dụng đối với lĩnh vực BÐS vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ tín dụng, tốc độ tăng trưởng tín dụng BÐS cao. Ðầu tư trái phiếu doanh nghiệp nhằm mục đích xây dựng, kinh doanh BÐS vẫn chiếm tỷ trọng cao trong tổng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.
 
Thậm chí, một số ngân hàng thương mại (NHTM) có số dư đầu tư trái phiếu doanh nghiệp tăng lớn so với năm 2019, trong đó, mức tăng thêm tập trung chủ yếu vào lĩnh vực xây dựng và kinh doanh BÐS. Về cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh chứng khoán cũng tăng lớn so với năm trước.
 
Sang quý I-2021, số liệu từ NHNN cho thấy, tổng tín dụng tăng 2,9% so với cuối năm 2020, cao hơn mức tăng 1,3% trong quý I-2020 và xấp xỉ mức tăng 3,1% trong quý I-2019. Trong đó, tín dụng chảy vào lĩnh vực ưu tiên tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2020 và tăng 3% so với cuối năm 2020.
 
Dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực BÐS ước tính khoảng 1,85 triệu tỷ đồng, tăng 3% trong quý I-2021 (trong khi cùng kỳ năm 2020 tăng 1,45%, quý I-2019 tăng 3,42%, quý I-2018 tăng 1,68%). Tỷ trọng tín dụng vào lĩnh vực BÐS chiếm 19,6% tổng dư nợ của nền kinh tế. Cũng tính đến hết quý I-2021, dư nợ lĩnh vực chứng khoán đạt 45.326 tỷ đồng, giảm 1% so với cuối năm 2020. Trong đó, dư nợ chứng khoán ngắn hạn chiếm tỷ trọng chủ yếu với 96,21%.
 
Phân tích kỹ hơn về cơ cấu tín dụng trong quý I-2021, Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, tín dụng hỗ trợ các ngành ưu tiên tăng trưởng tương đối chậm hơn so với tốc độ tăng trưởng chung.
 
Các khoản cho vay lĩnh vực ưu tiên tập trung chủ yếu vào ngành nông nghiệp, khu vực nông thôn và doanh nghiệp vừa và nhỏ, lần lượt chiếm 24,6% và 19,5% tổng dư nợ.
 
Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội BÐS thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu thừa nhận, dịch Covid-19 khiến hàng loạt cơ sở sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, phải đóng cửa. Dòng tiền thay vì chảy vào sản xuất, kinh doanh đã chuyển hướng sang BÐS. “Lãi suất gửi tiết kiệm chưa bao giờ thấp như thời gian qua cũng khiến dòng tiền nhàn rỗi chảy vào BÐS.
 
Chưa kể, chính sách cho vay của các NHTM cũng góp phần khiến vốn tín dụng đổ nhiều hơn vào BÐS, khi khách hàng có thể vay tới 70% giá trị tài sản bảo đảm. Ba tháng đầu năm, tín dụng BÐS cao hơn mặt bằng tín dụng chung của nền kinh tế đã cho thấy thực tế này” - ông Lê Hoàng Châu phân tích.
 
Kiểm soát chặt chất lượng tín dụng
 
Trước thực tế nêu trên, để bảo đảm an toàn hoạt động và hạn chế rủi ro, mới đây NHNN đã có văn bản yêu cầu các TCTD nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Thống đốc NHNN tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN, đồng thời kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng tín dụng theo đúng chỉ tiêu được giao thực hiện.
 
Năm 2020, nợ xấu cấp tín dụng đối với khách hàng lớn (doanh nghiệp có tổng mức cấp tín dụng từ 500 tỷ đồng trở lên) tăng so với cuối năm 2019. Lãi phải thu từ hoạt động tín dụng tăng đáng kể, dẫn đến việc chưa phản ánh thực chất kết quả kinh doanh.
 
Một số TCTD chưa quyết liệt trong công tác thu hồi tối đa nợ xấu, nợ đã sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro đưa ra theo dõi ngoại bảng. Do vậy, NHNN yêu cầu các TCTD phải kiểm soát chặt chẽ mức độ tập trung tín dụng vào một số khách hàng/nhóm khách hàng lớn, các dự án BÐS có quy mô lớn; cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh BÐS; thận trọng trong xem xét quyết định cấp tín dụng đối với các khoản tín dụng BÐS tại các địa bàn đang xảy ra tình trạng sốt đất, các dự án tiềm ẩn mức độ rủi ro cao.
 
Ðồng thời, tăng cường giám sát việc sử dụng vốn vay, bảo đảm đúng mục đích, nhất là đối với vay phục vụ nhu cầu đời sống liên quan đến nhà ở, không để xảy ra tình trạng khách hàng sử dụng vốn vay phục vụ đời sống sai mục đích, như dùng để đầu tư vào chứng khoán và kinh doanh BÐS hoặc mục đích khác.
 
Về cấp tín dụng với mục đích đầu tư kinh doanh chứng khoán, NHNN cũng yêu cầu các TCTD kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng của dư nợ tín dụng đầu tư kinh doanh chứng khoán để hạn chế rủi ro. Tuân thủ các quy định về điều kiện, giới hạn cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp và các quy định pháp luật khác có liên quan.
 
Về cấp tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông, NHNN lưu ý phải cân đối nguồn vốn, sử dụng vốn để cho vay trung và dài hạn, trong đó có liên quan đến các dự án BOT, BT giao thông để hạn chế rủi ro thanh khoản.
 
Tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của NHNN liên quan đến việc cấp tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông. Ngoài ra, NHNN cũng yêu cầu các TCTD phải tập trung rà soát việc đầu tư trái phiếu đối với các doanh nghiệp có số dư phát hành trái phiếu lớn, nhất là các doanh nghiệp có quan hệ tín dụng với nhiều TCTD/doanh nghiệp khác.
 
Liên quan việc cho vay BÐS, nhiều lãnh đạo ngân hàng cũng bày tỏ sự thận trọng khi nhìn nhận, lĩnh vực BÐS luôn được ngân hàng kiểm soát chặt chẽ và theo dõi sát việc giải ngân.
 
Theo Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) Phạm Quang Dũng, Vietcombank luôn kiểm soát chặt, rà soát định kỳ nhiều lần trong một năm đối với tín dụng BÐS và kịp thời điều chỉnh khi cần thiết.
 
“Các yếu tố như dòng tiền trả nợ, tỷ lệ cho vay/tài sản bảo đảm, đặc điểm từng phân khúc, từng địa bàn đều được ngân hàng kiểm soát và có những chính sách linh hoạt để bảo đảm an toàn” - ông Phạm Quang Dũng nhấn mạnh.
 
Ðến cuối năm 2020, dư nợ cho vay BÐS kinh doanh của Vietcombank ở mức 33.000 tỷ đồng, chiếm chưa tới 4% tổng dư nợ. Tổng dư nợ liên quan BÐS, bao gồm cá nhân cho vay mua nhà khoảng 230.000 tỷ đồng, chiếm 27% cơ cấu. 
 
Còn với Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank), theo Chủ tịch HÐQT Lê Ðức Thọ, liên quan đến cho vay BÐS, VietinBank có chính sách để đáp ứng nhu cầu chính đáng nhưng cũng quản trị rủi ro chặt để dòng vốn đi vào phục vụ đời sống, xã hội mà vẫn bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô. Hiện tỷ trọng cho vay BÐS của VietinBank dưới 5%, chủ yếu là cho vay mua nhà ở.
 
HỒNG ANH - (nhandan.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu