Thứ tư, 07/10/2020,14:20 (GMT+7)
Sóc Trăng chủ động phòng chống nguy cơ hạn, mặn xâm nhập mùa khô 2020-2021
Ngày 5/10, UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị 36/CT-TTg, ngày 11/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ về chủ động triển khai các biện pháp ứng phó nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô 2020-2021 ở Đồng bằng sông Cửu Long.
 
Chú thích ảnh
Nhờ hệ thống cống ngăn mặn mà tỉnh Sóc Trăng đã giảm được đáng kể sức tác động trong đợt hạn, mặn mùa khô 2019-2020. Ảnh minh họa: Chanh Đa/TTXVN

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Lê Văn Hiểu, Sóc Trăng là một trong những tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chịu ảnh hưởng nặng bởi hạn, mặn xâm nhập, thiếu nước trong mùa khô nhất là trong những năm gần đây. Những tháng mùa khô hàng năm, cao điểm từ tháng 2 đến tháng 4, nhiều huyện, thị xã ven biển bị nước mặn xâm nhập sâu, trong khi nước ngọt từ thượng nguồn đổ về ít. Trong mùa khô năm 2019-2020, hạn hán, mặn xâm nhập làm hơn 4 ngàn ha lúa xuân hè tại địa phương bị mất trắng do thiếu nước ngọt tưới tiêu, ngoài ra, còn nhiều diện tích rau màu và cây ăn trái bị ảnh hưởng, giảm năng suất. Sóc Trăng là địa phương có số hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt do hạn mặn cao với hơn 26.500 hộ. 

Theo Chỉ thị 36/CT-TTg, năm 2020, được dự báo tiếp tục là năm ít nước, dòng chảy lũ về Đồng bằng sông Cửu Long nhỏ, nguy cơ tiếp tục xảy ra hạn hán, thiếu nước, mặn xâm nhập vào các tháng mùa khô 2020-2021, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh ở mức cao đến nghiêm trọng. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương chủ động thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, mặn xâm nhập, thiếu nước để đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất và dân sinh, hạn chế thấp nhất cho ngành nông nghiệp cũng như người dân trong sản xuất lúa, cây trái và rau màu. 

Để kịp thời ứng phó, tỉnh Sóc Trăng đã xây dựng Kế hoạch phòng chống hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô 2020-2021 trên địa bàn tỉnh, trong đó đặc biệt quan tâm công tác thông tin, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân, tích trữ nguồn nước ngọt phục vụ sinh hoạt, sản xuất; khuyến cáo người dân sử dụng nước ngọt một cách khoa học, tiết kiệm. Tỉnh chỉ đạo ngành chức năng nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo đến người dân về tình hình hạn mặn để có giải pháp ứng phó. Đặc biệt, các hộ dân sản xuất thực hiện theo khuyến cáo và kế hoạch thời vụ của ngành nông nghiệp, nhất là những khu vực có nguy cơ cao bị thiếu nước ngọt, chỉ sản xuất 2 vụ lúa ăn chắc. Tỉnh chỉ đạo khẩn trương duy tu, sửa chữa, đẩy nhanh tiến độ các công trình thủy lợi hư hỏng, xuống cấp, nạo vét kênh, mương, đắp đập ngăn mặn; tiếp tục mở mang các hệ thống cấp nước để phục vụ cho nhân dân…

Cù Lao Dung là huyện nằm giữa sông Hậu, giáp với biển, tình trạng thiếu nước ngọt sản xuất, mặn xâm nhập diễn ra thường xuyên hàng năm và gây thiệt hại lớn cho đời sống sản xuất người dân. Theo Bí thư Huyện ủy Cù Lao Dung Võ Thanh Quang, huyện tập trung thực hiện các công trình nạo vét thủy lợi, củng cố đê bao quanh cù lao. Riêng năm vừa qua, huyện thực hiện hai công trình đê bao khép kín giữ ngọt, ngăn mặn vùng cù lao, do Ban Quản lý Dự án 2 làm chủ đầu tư, tổng kinh phí gần 88 tỷ đồng; hiện đã hoàn thành khoảng 60% khối lượng công việc. Ngoài ra, huyện làm chủ đầu tư một số công trình ứng phó biến đổi khí hậu trên địa bàn, kinh phí 1,7 tỷ đồng.

Trung Hiếu (TTXVN) - (baotintuc.vn)
T/h: Ngọc Huyền - (dongbang.vn)
 
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu