Đó là thông tin mà ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết tại buổi họp mặt báo chí Xuân Quý Mão 2023, do Tỉnh ủy Sóc Trăng tổ chức sáng 17/1.
Một khu công nghiệp ở tỉnh Sóc Trăng. Và Sóc Trăng sẽ quy hoạch nơi dành cho nhà máy ô tô nằm trong khu công nghiệp. Ảnh: CTV
Ông Lâu cho biết, tỉnh này có 2 tuyến đường cao tốc đi ngang đang được triển khai là tuyến Châu Đốc - Cần Thơ - Trần Đề và Cần Thơ - Cà Mau.
Trong đó, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Trần Đề, Sóc Trăng thuộc hợp phần 4, có trạm dừng nghỉ được quy hoạch tại thị trấn Huỳnh Hữu Nghĩa, huyện Mỹ Tú.
Tuyến này có một nút giao thông kết nối với TP Sóc Trăng và khu công nghiệp được quy hoạch rộng 1.300 ha. Trong khu công nghiệp, ngoài quỹ đất dành cho thương mại, dịch vụ còn có 700 ha được quy hoạch xây dựng nhà máy sản xuất ô tô.
Đã có doanh nghiệp làm việc với lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng về việc đầu tư nhà máy quy mô lớn này.
Đối với cảng biển Trần Đề, ông Lâu cho biết giai đoạn 1 sẽ được khởi công năm 2024, dự kiến hoàn thành năm 2027.
Khu logistics của cảng biển Trần Đề được kết nối với đoạn cuối của tuyến cao tốc ngang đi về Châu Đốc.
Theo quy hoạch của Trung ương, cảng Trần Đề có chỉ tiêu quy hoạch tổng thể rộng 7.900 ha, 15 bến cảng, đê chắn sóng 10 km và cầu vượt biển ra cảng ngoài khơi dài 18 km.
Cảng Trần Đề có chỉ tiêu quy hoạch tổng thể rộng 7.900 ha.
Quy hoạch giai đoạn 1 của cảng này gồm có cầu vượt, 7 bến cảng, đê chắn sóng 5,6 km với tổng diện tích khoảng 385 ha.
Cảng này là 1 trong gần 40 dự án được tỉnh Sóc Trăng kêu gọi đầu tư. Khu bến Trần Đề có vai trò cảng cửa ngõ vùng ĐBSCL, trong đó khu hậu cần cảng, logistics 4.000 ha, tiếp nhận tàu đến 5.000 T, công suất 50 triệu tấn mỗi năm.
Khu cảng ngoài khơi cửa Trần Đề 1.000 ha, tiếp nhận tàu trọng tải đến 160.000 DWT, công suất dự kiến khoảng 150 triệu tấn/năm.
Cảng biển Sóc Trăng có chức năng phục vụ các khu công nghiệp, cụm công nghiệp địa phương và vận chuyển hàng hóa, hành khách tuyến bờ ra đảo.
Nơi này sẽ có các bến tổng hợp, container, hàng rời và bến cảng khách phát triển theo định hướng xã hội hóa phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và năng lực của doanh nghiệp đầu tư.