Thứ ba, 26/01/2021,07:11 (GMT+7)
Sóc Trăng tạo sức hút từ du lịch sinh thái, cộng đồng
Sóc Trăng là một tỉnh ven biển nằm ở phía Nam sông Hậu, có bờ biển dài 72km với 3 cửa sông lớn đổ ra biển là: Định An, Trần Đề và Mỹ Thanh cùng hệ thống sông ngòi chằng chịt với các cù lao lớn, nhỏ nối tiếp nhau dài hơn 50km dọc theo bờ sông Hậu. Trên những cù lao ấy là những vườn cây trái sum suê, trĩu quả, lợi thế để tỉnh phát triển các loại hình du lịch: sinh thái, sông nước miệt vườn, trải nghiệm - khám phá và du lịch cộng đồng.
Trải nghiệm hấp dẫn
 
So với những sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh như du lịch văn hóa lịch sử, lễ hội, tâm linh, có lẽ sản phẩm du lịch sinh thái, cộng đồng được xem là loại hình du lịch “tiềm năng”. Chỉ mới phát triển trong những năm gần đây, song sản phẩm này đã sớm trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn đối với du khách trong và người nước. Thực tế, du lịch sinh thái, cộng đồng ở Sóc Trăng được các công ty lữ hành chú ý và yêu thích, không chỉ bởi sự mới mẻ, mà sản phẩm du lịch sinh thái, cộng đồng ở Sóc Trăng lấy thiên nhiên làm yếu tố căn bản. Vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ, nhiều bí ẩn, cùng sự bình yên và nhịp sống chậm rãi của người dân vùng sông nước chính là “đặc sản” riêng có của sản phẩm này.
Bãi biển Mỏ Ó (Trần Đề) có thiên nhiên hoang dã gắn với những nghề đánh bắt truyền thống cho khách du lịch trải nghiệm hoạt động khai thác thủy sản. Ảnh: CHÍ BẢO
 
Tại hội thảo phát triển du lịch cộng đồng do Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức vào tháng 12-2020, tiến sĩ Lê Cao Thanh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược và Quản trị doanh nghiệp, Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh đã nhận định, Sóc Trăng có tài nguyên phát triển du lịch cộng đồng lớn. Bãi biển Mỏ Ó (Trần Đề), có hệ sinh thái khá đa dạng, đa phần còn nguyên sinh. Những loại thủy sinh mật độ dày như bống sao, thòi lòi, cua biển… rất hấp dẫn khách tham quan trải nghiệm. Thiên nhiên hoang dã gắn với những nghề đánh bắt cổ truyền, những hoạt động độc đáo như đạp mong, bắt thòi lòi và bống sao… cho phép tổ chức cho khách du lịch trải nghiệm hoạt động khai thác thủy sản. Chợ nổi Ngã Năm (thuộc TX. Ngã Năm) là nơi hợp long của 5 nhánh sông: Cà Mau, Vĩnh Quới, Long Mỹ, Thạnh Trị, Phụng Hiệp. Chợ nổi đã phát triển cơ sở hạ tầng và dịch vụ dọc các tuyến sông. Đây không chỉ là nơi thương nhân buôn bán mà còn là một điểm đến để du khách tìm hiểu văn hóa đặc trưng của vùng sông nước miền Tây. Còn Cù Lao Dung không gian êm ả, thanh bình đậm chất vùng quê sông nước. Nơi đây có vùng chuyên canh cây ăn trái đặc trưng Nam bộ ở An Thạnh 1 và An Thạnh Tây. Nổi bật nhất là những vườn nhãn, xoài, bưởi, cam, quýt, mãng cầu, sapô, măng cụt, dâu, mận, ổi. Nhờ đó, nơi đây cũng có thể phát triển các mô hình homestay giống cồn Mỹ Phước (Kế Sách).
 
Hay như Dự án Khu Văn hóa tín ngưỡng Giếng Tiên tại xã Phú Tân (Châu Thành) do Công ty Văn hóa Du lịch Giếng Tiên Thảo Linh làm chủ đầu tư. Đến nay, dự án đã gần hoàn thành giai đoạn đầu về phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, phục dựng Giếng Tiên, phục dựng nhà truyền thống của đồng bào Khmer. Khu du lịch này dự kiến sẽ xây dựng bảo tàng trưng bày hiện vật của đồng bào Khmer, phục dựng tất cả các lễ hội, ẩm thực, văn hóa, âm nhạc, các trò chơi dân gian kết hợp giao lưu văn hóa 3 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa, phục dựng ghe Ngo, ghe Cà Hâu… Dự kiến đến năm 2025, dự án được xây dựng hoàn thành. Cùng với đó là văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số được thể hiện qua tập tục sinh hoạt, ẩm thực, âm nhạc, nghề cổ truyền... vẫn được lưu giữ khá nguyên vẹn. Đây là những tài nguyên lớn để phát triển du lịch sinh thái, cộng đồng.
Tham quan vườn cây ăn trái ở cồn Mỹ Phước (Kế Sách). Ảnh: CHÍ BẢO
 
Ông Phạm Văn Đâu - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho biết, nhận thấy được tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng của địa phương, tỉnh đã xây dựng Đề án Phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, giai đoạn 2017 - 2020, với tổng nguồn kinh phí thực hiện đề án là 10 tỉ đồng. Đến thời điểm hiện nay, tỉnh đã cơ bản hình thành 3 cụm du lịch cộng đồng: Cụm du lịch cộng đồng ấp Phương An 3, xã Hưng Phú, huyện Mỹ Tú; Cụm du lịch cộng đồng cồn Mỹ Phước, huyện Kế Sách và Cụm du lịch cộng đồng Cù Lao Dung với các dịch vụ cơ bản như lưu trú, ăn uống, tham quan, trải nghiệm… sẵn sàng phục vụ du khách.
 
Để trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh
 
Thực tế, những năm gần đây sản phẩm du lịch sinh thái, cộng đồng bước đầu có sự phát triển, từng bước khẳng định chỗ đứng trong cơ cấu sản phẩm du lịch đặc trưng của Sóc Trăng. Tuy nhiên, khách quan nhìn nhận du lịch sinh thái, cộng đồng vẫn là sản phẩm chiếm tỷ lệ không lớn trong cơ cấu lượng khách đến Sóc Trăng, khả năng cạnh tranh ở mức trung bình, việc liên kết và thúc đẩy các sản phẩm khác hạn chế... Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch còn yếu kém, chưa được đầu tư đúng mức và thiếu đồng bộ, chưa có nhiều sản phẩm du lịch đặc thù, thiếu các khu vui chơi giải trí để thu hút khách nghỉ đêm tại Sóc Trăng. Chưa khai thác tốt các loại hình di sản văn hóa và di tích lịch sử phục vụ khách tham quan du lịch. Nguồn nhân lực du lịch trong tỉnh còn thiếu, yếu, phong cách, kỹ năng phục vụ du khách còn hạn chế; các hộ kinh doanh cá thể về du lịch hầu hết chưa được đào tạo chuyên môn về du lịch. Hệ thống cơ sở lưu trú của tỉnh còn ít, chưa có nhiều nhà hàng chuyên phục vụ khách du lịch, đặc biệt là khách đoàn; khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp du lịch trong tỉnh thấp, các công ty lữ hành trong tỉnh chưa khai thác tốt các sản phẩm du lịch để bán cho du khách... Đây là những hạn chế khiến du lịch của Sóc Trăng nói chung và du lịch sinh thái, cộng đồng nói riêng chưa thể phát triển tương xứng với tiềm năng sẵn có.
Du khách trải nghiệm khám phá cồn Mỹ Phước (Kế Sách) bằng xe đạp. Ảnh: CHÍ BẢO
 
Thông qua các chương trình khảo sát du lịch tại tỉnh Sóc Trăng, ông Nguyễn Ngọc Bích - Chuyên gia về du lịch cộng đồng, Tổng Giám đốc Công ty Mekong Rustic cho rằng, nếu Sóc Trăng quyết tâm phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng bền vững thì cần phải có những chính sách, kế hoạch hành động phù hợp, sự liên kết chặt chẽ giữa chính quyền, doanh nghiệp và người dân, những yếu tố con người mang vai trò quyết định đến việc phát triển du lịch bền vững. Hiện nay, giải pháp xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng sinh thái có sự tham gia của công ty lữ hành được cho là một hướng đi bền vững cho các mô hình du lịch cộng đồng tại Việt Nam. Du lịch cộng đồng là một nhánh của du lịch bền vững, đòi hỏi các doanh nghiệp du lịch phối hợp với nhau tạo ra các sản phẩm và hoạt động lấy người dân và văn hóa bản địa làm gốc trước khi đưa ra quyết định hướng đến việc gia tăng lợi ích về kinh tế, tác động đến xã hội và môi trường. Để hướng đến xây dựng các mô hình du lịch cộng đồng có hiệu quả từ quy trình xây dựng sản phẩm đến vận hành sản phẩm, doanh nghiệp lữ hành và các hộ dân không thể đơn phương tiến hành mà rất cần sự hỗ trợ từ lãnh đạo của tỉnh, địa phương, sự hợp tác của các nhà cung cấp dịch vụ và người dân địa phương.
 
Ông Phạm Văn Đâu cho biết: “Thời gian tới, tỉnh xây dựng và triển khai các đề án: “Tổng thể phát triển du lịch tỉnh Sóc Trăng, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2035”; “Xây dựng chiến lược xúc tiến, quảng bá du lịch của tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”; Đề án Du lịch thông minh; đặc biệt là Đề án “Làng Văn hóa - Du lịch chợ nổi Ngã Năm”, thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới nhằm góp phần thúc đẩy mạnh mẽ phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh”.
 
Thiết nghĩ, những đề xuất, giải pháp trong thời gian tới là tín hiệu mới để ngành Du lịch Sóc Trăng “cất cánh”. Tuy nhiên, để phát triển du lịch sinh thái, cộng đồng, vốn lấy thiên nhiên và văn hóa bản địa làm yếu tố cơ bản để tạo sức hút đối với du khách, thì cần có giải pháp vừa đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch sinh thái cộng đồng, vừa bảo vệ được cảnh quan, môi trường tự nhiên cũng như văn hóa bản địa. Để làm được điều này đòi hỏi phải có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành, địa phương và cộng đồng cư dân trong tỉnh.
 
CHÍ BẢO - (baosoctrang.org.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu