Ước tính, trong số hơn 70.000 tấn nhãn thu hoạch được, tiêu thụ trong nước sẽ vào khoảng 57.000 tấn, xuất khẩu 7.900 tấn.
Năm 2020, nhãn Sơn La tiếp tục được mùa, diện tích trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, nhãn an toàn tăng lên. Diện tích nhãn toàn tỉnh đạt khoảng 17.292 ha nhãn, sản lượng ước đạt 70.412 tấn, trong đó, vùng trồng nhãn huyện Sông Mã có diện tích lớn nhất, với trên 7.000 ha, sản lượng 38.000 tấn.
Nhằm đảm bảo chất lượng, một số doanh nghiệp đã chủ động tìm đến các địa phương ký hợp đồng thu mua với các hợp tác xã và người dân trồng nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP để có nguồn hàng đi xuất khẩu.
Nhãn Sơn La còn được nhiều thị trường trên thế giới ưa chuộng. (Ảnh minh họa: Dân trí)
Cùng với nâng cao chất lượng, hoạt động xúc tiến tiêu thụ cũng được tổ chức thông qua nhiều kênh.Nhờ đó, không chỉ tránh được tình trạng được mùa mất giá, những năm gần đây, nhãn Sơn La đã xuất hiện ở hầu khắp các trung tâm thương mại lớn tại Hà Nội, các chợ đầu mối lớn tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Ngoài tiêu thụ trong nước, nhãn Sơn La còn được nhiều thị trường trên thế giới ưa chuộng. Hiện sản phẩm đang xuất khẩu chủ yếu sang Trung Quốc và một số thị trường khó tính khác như: Mỹ, Nhật, Australia…
Trong khâu chế biến, tỉnh Sơn La tập trung đẩy mạnh tiến độ xây dựng một số nhà máy chế biến nông sản. Hiện Sơn La có 4 nhà máy và trong thời gian tới, tiếp tục đẩy mạnh xây dựng 3 nhà máy trên địa bàn huyện Vân Hồ, Mộc Châu..., từ đó nâng cao giá trị sản phẩm.
T/h: M.Phúc (dongbang.vn)