Thứ ba, 07/06/2022,10:06 (GMT+7)
Sốt đất hạ nhiệt ở nhiều nơi
Nhiều người chấp nhận bỏ cọc hàng trăm triệu đồng khi mua đất ở tỉnh với giá cao
 
Sau nhiều tháng tăng nóng và giao dịch sôi động, thời gian gần đây, thị trường bất động sản - cụ thể là đất nông nghiệp, đất đồi, đất ven sông, hồ - ở nhiều tỉnh, thành phía Nam và Tây Nguyên đã hạ nhiệt thấy rõ.
 
Người bán nhiều hơn mua
Trên các hội, nhóm, diễn đàn mua bán nhà đất nghỉ dưỡng, đất view đẹp, ở các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Lâm Đồng, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông..., thông tin rao bán đất xuất hiện dày đặc như: "Chuẩn bị tới ngày công chứng nhưng không xoay được tiền, bán thu hồi vốn 4 ha đất có hồ, có nhà... ở Lâm Hà", "Cần ra nhanh đất đồi triền đẹp nằm ngay khu dân cư, thích hợp nghỉ dưỡng, trồng cây ăn trái, diện tích 4 ha giá chỉ 3,5 tỉ đồng"... nhưng giao dịch thành công rất ít. Diễn biến này trái ngược với những tháng trước, lúc thị trường còn sôi động, chủ yếu người có nhu cầu đăng tìm mua đất, thậm chí nhiều người còn tranh nhau đặt cọc mỗi khi có ai đăng bán mảnh đất đẹp với giá cả hợp lý.
 
Ông Phan Tín - nhà ở khu vực xã Đắk Som, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông - kể vài tháng trước, khi mới xuất hiện thông tin có doanh nghiệp lớn sắp đầu tư vào khu vực hồ Tà Đùng để làm dự án khu đô thị, nghỉ dưỡng thì giá đất khu vực này "nhảy múa" liên tục. Có nhiều mảnh đất khách vừa đặt cọc đã tăng giá 2-3 lần, người mua chỉ sang tay tiền đặt cọc là có thể lời gấp đôi trong vài tuần. Đến nay, thị trường lắng dịu thấy rõ, một số người trót ôm đất giá cao đang phải chạy vạy khắp nơi tìm khách hàng bán lại.
Sốt đất hạ nhiệt ở nhiều nơi - Ảnh 1.
Các khu đất đồi trước đây được nhiều người săn tìm nhưng nay mọi giao dịch gần như đóng băng
 
Ông Hoàng - nhà ở TP Thủ Đức, TP HCM - cho biết ông định mua chung với người bạn mảnh đất 1 ha mặt tiền ở khu trung tâm TP Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông nhưng khi vừa đặt cọc thì chứng khoán lao dốc không phanh. Cả ông và người bạn bị lỗ nặng, không còn tiền đầu tư đất đành phải hủy cọc, mất mấy trăm triệu đồng vì rao bán khắp nơi nhưng không ai mua. Còn bà Thư (ngụ xã Bàu Lâm, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho hay tháng trước bà nhận cọc 300 triệu đồng để bán mảnh vườn diện tích 5.000 m2 cho một khách hàng ở TP HCM.
 
Mới đây, người khách gọi điện nói muốn lấy lại cọc vì thế chấp căn hộ tại TP HCM để vay tiền nhưng ngân hàng không giải ngân. "Tôi thấy họ cũng đang khó khăn về vốn nên đồng ý trả lại 200 triệu đồng, chỉ giữ lại 100 triệu đồng coi như phí giữ chỗ" - bà Thư nói.
 
Ông Minh - chuyên môi giới đất vườn, đất ven sông, hồ ở khu vực huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai - thừa nhận gần đây, mọi giao dịch đất đai gần như "đứng im", khách hẹn đặt cọc đều bỏ ngang.
Còn tại các huyện Bảo Lộc, Lâm Hà, Bảo Lâm, TP Đà Lạt... thuộc tỉnh Lâm Đồng, do chính quyền địa phương siết chặt việc phân lô, tách thửa nên hoạt động mua bán đất ở những khu vực này gần như đóng băng. "Ai cần tiền gấp, muốn bán nhanh phải chấp nhận hạ giá, nếu không sẽ ôm hàng" - bà Mỹ Phương (người môi giới quanh khu vực Tà Nung, Nam Ban của huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) cho biết.
 
Sẽ còn giảm thêm
Tổng giám đốc một công ty bất động sản chuyên đầu tư, giao dịch ở các tỉnh cho biết thị trường bất động sản ở các tỉnh đã chững lại khoảng 2 tháng trở lại đây vì nhiều lý do nhưng phần lớn là vì dòng tiền bị siết lại. Một phần cũng do giá đất ở nhiều địa phương bị đẩy lên quá cao trong 2 năm trở lại đây, có những mảnh đất tăng 200%-300% trong vài tháng nên những người vào sau sợ rủi ro vì vậy không dám đầu tư.
 
Ông Trần Khánh Quang - chuyên gia tài chính, bất động sản - cho rằng thị trường bất động sản ở các tỉnh đang hạ nhiệt, không còn sôi động như trước vì hầu hết các nhà đầu tư lớn, những người nhiều tiền từ 20-30 tỉ đồng trở lên đã rút từ sớm, họ chuyển sang trú ẩn vào những phân khúc bất động sản còn dư địa tăng giá, dễ giao dịch như nhà phố, đất nền ở gần TP HCM. "Nhà đầu tư muốn đầu tư sản phẩm có tính thanh khoản chứ không cần lời nhiều nữa. Đối với đất nền riêng lẻ, đặc biệt là những lô đất có giá trị lớn 20-30 tỉ đồng đều không bán được, giao dịch các phân khúc khác cũng chậm lại" - ông Quang thông tin.
 
Theo dự báo của chuyên gia kinh tế, nửa cuối năm nay, giá căn hộ chuẩn ở TP HCM sẽ dao động nhẹ. Còn tất cả phân khúc khác như đất nền, nhà phố... đã bị đẩy giá tăng quá ảo sẽ mất thanh khoản thời gian dài nếu tiếp tục neo giá bán cao như hiện nay. Việc giá bất động sản có thể được nhà đầu tư bán giảm 20%-30% so với thị trường là hoàn toàn có thể xảy ra.
 
Người mua thận trọng
Theo bà Mỹ Phương, hiện nay vẫn có khách hỏi thăm về đất đai nhưng họ rất cân nhắc khi quyết định xuống tiền, chỉ những thửa đất đã lên thổ cư và giá bán hợp lý hoặc chủ đất chấp nhận hạ giá mới ra được hàng. "Khách mua đất lúc này thường hỏi có xây dựng được không, trong khi khu vực này đa phần là đất nông nghiệp, rất khó chuyển mục đích sử dụng. Gần đây, chính quyền địa phương xử lý mạnh tay với công trình xây chui nên tình hình mua đất ở đây càng ảm đạm" - bà Mỹ Phương bộc bạch.
 
Bài và ảnh: Sơn Nhung (nld.com.vn)
 
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu