Thứ hai, 14/10/2019,07:46 (GMT+7)
Sứ, sen vòi nhập lậu tại thị trường Việt Nam: “Bắn” thương hiệu nào cũng được
Các mặt hàng sứ, sen vòi nhập lậu vào thị trường Việt Nam không có nhãn mác thường gọi là hàng trắng, người làm thương mại muốn in hay gắn thương hiệu gì cũng được đáp ứng.

Trong một kho hàng sứ, sen vòi Trung Quốc tại Hưng Yên với trữ lượng đến vài chục container hàng hóa, lúc nào cũng sẵn sàng cung cấp cho thị trường.

Hàng trắng hoành hành

Thâm nhập một số cơ sở nhập lậu sứ, sen vòi trực tiếp từ Trung Quốc và các đại lý bán hàng Trung Quốc cấp 1 cho thấy, hầu hết các sản phẩm sứ, sen vòi đều là hàng trắng, không có nhãn mác. Cơ sở nào cũng có sẵn máy bắn nhãn, dập trực tiếp vào sản phẩm nếu khách hàng yêu cầu.

Ngay cả khi nhãn, mác của sứ, sen vòi được đăng ký nhãn hiệu ở Cục Sở hữu trí tuệ thì cũng không có nghĩa là sản phẩm đó có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng mà có thể được lắp ráp từ các linh kiện là hàng trắng được nhập lậu từ Trung Quốc. Nói cách khác, bất kỳ ai cũng có thể xây dựng thương hiệu sứ, sen vòi cho riêng mình.

Ở các dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội và đặc biệt là công trình sử dụng vốn ngân sách, các mặt hàng sứ, sen vòi không rõ nguồn gốc cũng dễ dàng len chân vào bởi thế mạnh về giá. Hợp đồng mua bán căn hộ của các chủ đầu tư phần phụ lục kê khai sử dụng các thiết bị trong căn hộ thường nêu tên các sản phẩm có thương hiệu trong nước như Viglacera kèm theo đó là điều khoản “hoặc sản phẩm tương đương”. Chữ “tương đương” ở đây thường được hiểu có thể là sản phẩm khác, không phải của Viglacera miễn sao quá trình sử dụng đến khi hết thời gian bảo hành không có vấn đề gì.

Lý do vì sao có sự thay đổi này ít khi được các chủ đầu tư làm rõ và cũng không có mấy cư dân thắc mắc vì đã có điều khoản ghi rõ trong hợp đồng. Và ngay cả khi sản phẩm có vấn đề về chất lượng, nếu còn trong thời gian bảo hành nhà cung cấp cũng sẵn sàng đổi lấy hàng mới. Mà thực ra ngay cả khi sản phẩm có gắn mác Viglacera thì người tiêu dùng cũng không dễ tự xác minh được nó có phải là sản phẩm chính hãng.

Nếu như năm 2017, con số nhập khẩu sứ, sen vòi vào Việt Nam từ Trung Quốc là 117 nghìn sản phẩm, thì năm 2018 là 269 nghìn sản phẩm, năm 2019 dự kiến hơn 400 nghìn sản phẩm, cho thấy tốc độ nhập khẩu ngày càng tăng.

Tuy nhiên, đây chỉ là con số nhập khẩu chính ngạch. Số lượng sản phẩm nhập vào thị trường Việt Nam theo đường tiểu ngạch lớn gấp nhiều lần. Theo một nguồn tin cho biết, đầu lậu thường sử dụng giấy tờ thông quan của 1 container hàng cho nhiều container hàng khác để hợp thức hóa hàng nhập lậu không có nguồn gốc, hàng trắng.

Vai trò của Hiệp hội ở đâu?

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung ngày càng leo thang và chưa biết điểm dừng đặt thêm gánh nặng cho các nhà sản xuất sứ, sen vòi trong nước bởi có thể dưới áp lực của các biện pháp trừng phạt của Mỹ, các nhà sản xuất Trung Quốc sẽ tìm mọi cách tiêu thụ sản phẩm tại thị trường Việt Nam hoặc gắn mác sản phẩm sản xuất tại Việt Nam để xuất khẩu sản phẩm sang Mỹ.

Động thái phòng vệ thương mại của một số ngành hàng trong nước cho thấy các hiệp hội, doanh nghiệp của các ngành hàng này đã thực sự nhập cuộc, bám sát diễn biến của thị trường thế giới và ảnh hưởng của thương mại Mỹ - Trung nhằm bảo vệ lợi ích của chính mình.

Mới đây, Bộ Công Thương thông báo áp dụng biện pháp chống bán phá giá chính thức đối với một số sản phẩm nhôm có xuất xứ từ Trung Quốc với mức thuế chống bán phá giá lên tới 35,58%, số lượng nhà sản xuất Trung Quốc bị điều tra trong vụ việc này là 16 doanh nghiệp.

Tuy nhiên, đối với lĩnh vực sứ, sen vòi chưa thấy các doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề có quyết tâm bảo vệ ngành hàng sản xuất trong nước và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp với những động thái mạnh mẽ, rõ nét. Mặc nhiên, hàng sứ, sen vòi Trung Quốc từ thấp cấp đến cao cấp vẫn hoành hành, thách thức các doanh nghiệp sản xuất trong nước.

Thanh Nga - (baoxaydung.com.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu