Thứ ba, 07/07/2020,11:14 (GMT+7)
Sửa chữa nhà ở riêng lẻ được miễn phép xây dựng nếu không làm thay đổi kết cấu
Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh vừa có Công văn số 7336 về việc giải quyết các vướng mắc trong công tác cấp Giấy phép xây dựng đối với trường hợp sửa chữa, cải tạo nhà ở riêng lẻ.
sua chua nha o rieng le duoc mien phep xay dung neu khong lam thay doi ket cau
Ảnh minh họa.
 
 
Theo đó, Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh hướng dẫn 24 quận, huyện cách giải quyết những khó khăn, vướng mắc đối với trường hợp sửa chữa, cải tạo nhà ở riêng lẻ và cách tính mật độ xây dựng để thống nhất áp dụng chung trên địa bàn Thành phố.
 
Cụ thể, đối với trường hợp sửa chữa, cải tạo nhà ở riêng lẻ hiện có khi thực hiện nâng nền tầng trệt (tầng 1), lát gạch, thay mới lại mái tôn, quét vôi, sơn tường thì hộ gia đình được tự thực hiện và phải chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn theo quy định pháp luật; việc thay sàn gỗ bằng sàn vật liệu xây dựng lắp ghép hợp chuẩn, hợp quy và phải được cá nhân tổ chức có năng lực phù hợp, khảo sát đánh giá có làm thay đổi kết cấu chịu lực, an toàn công trình hay không. Chủ nhà gửi thông báo kèm kết quả khảo sát, đánh giá nêu trên đến UBND phường, xã để phối hợp trong công tác quản lý trật tự xây dựng tại địa phương.
 
Trường hợp việc sửa chữa, cải tạo nêu trên không làm thay đổi kết cấu chịu lực, không làm thay đổi công năng sử dụng, không làm ảnh hưởng tới môi trường, an toàn công trình thì được miễn giấy phép xây dựng theo quy định tại điểm g, Khoản 2, Điều 89, Luật Xây dựng năm 2014.
 
Nếu việc sửa chữa, cải tạo có ảnh hưởng kết cấu chịu lực, an toàn công trình thì UBND phường, xã hướng dẫn chủ nhà liên hệ UBND quận, huyện để thực hiện thủ tục đề nghị cấp Giấy phép xây dựng theo quy định.
 
Tại công văn này, Sở Xây dựng cũng hướng dẫn cách tính số tầng của công trình, nhà ở riêng lẻ. Theo hướng dẫn của Sở Xây dựng, UBND quận, huyện căn cứ Thông tư số 07/2019/TT-BXD ngày 07/11/2019 của Bộ Xây dựng để xác định theo đúng quy định hiện hành.
 
Theo đó, số tầng của tòa nhà (hoặc công trình) bao gồm toàn bộ các tầng trên mặt đất (kể cả tầng kỹ thuật, tầng tum) và tầng nửa/bán hầm, không bao gồm tầng áp mái; công trình có tầng tum không tính vào số tầng của công trình khi chỉ dùng để bao che lồng cầu thang bộ hoặc giếng thang máy, bao che các thiết bị công trình (nếu có), phục vụ mục đích lên mái và cứu nạn, có diện tích không vượt quá 30% diện tích của sàn mái.
 
Đối với nhà ở riêng lẻ, tầng lửng không tính vào số tầng của công trình khi diện tích sàn tầng lửng không vượt quá 65% diện tích sàn xây dựng của tầng ngay bên dưới; đối với các công trình nhà, kết cấu dạng nhà, công trình nhiều tầng có sàn (không bao gồm nhà ở riêng lẻ), tầng lửng không tính vào số tầng của công trình khi chỉ bố trí sử dụng làm khu kỹ thuật (ví dụ: sàn kỹ thuật đáy bể bơi, sàn đặt máy phát điện, hoặc các thiết bị công trình khác), có diện tích sàn xây dựng không vượt quá 10% diện tích sàn xây dựng của tầng ngay bên dưới và không vượt quá 300m2; mỗi công trình chỉ được phép có một tầng lửng không tính vào số tầng của công trình.
 
Đối với cách tính mật độ xây dựng thì mật độ xây dựng thuần là tỷ lệ diện tích chiếm đất của các công trình kiến trúc chính trên diện tích lô đất (không bao gồm diện tích chiếm đất của các công trình ngoài trời như tiểu cảnh, trang trí, bể bơi, bãi (sân) đỗ xe, sân thể thao, công trình hạ tầng kỹ thuật); trong đó, diện tích chiếm đất là diện tích tính theo hình chiếu bằng của công trình phần nằm trong chỉ giới xây dựng trên mặt đất.
 
Các chi tiết cấu tạo kiến trúc trang trí, các sê nô, ô văng, ban công và phần mái đua ra khỏi tường bao ngoài của công trình (nếu có) không tính vào diện tích chiếm đất của công trình (theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng tại Văn bản số 850/BXD-HĐXD ngày 11/5/2016).
 
Cao Cường - (baoxaydung.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu