Chủ nhật, 07/07/2019,16:55 (GMT+7)
Tái hiện khu làng rừng để phục vụ du lịch
Dù là địa phương có những lợi thế, tiềm năng để phát triển du lịch nhưng thực chất ngành du lịch của huyện Ngọc Hiển vẫn chưa được đầu tư nhiều. Việc quản lý về du lịch còn hạn chế, phát triển du lịch mang tính đặc trưng còn ít, công tác xúc tiến, quảng bá về du lịch chưa được quan tâm nhiều. Nguồn nhân lực phục vụ du lịch hạn chế, nên khó thu hút, níu chân du khách đến tham quan du lịch Đất Mũi… Đó là chia sẻ của Phó bí thư Thường trực Huyện uỷ Ngọc Hiển Quách Xuân Cận.

Ông Quách Xuân Cận trải lòng: "Tôi đã được trải nghiệm du lịch ở Trà Cổ, TP. Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, địa đầu Tổ quốc, khu vực rừng thông. So sánh về du lịch ở đây tôi nhận thấy du lịch ở Đất Mũi rất tiềm năng. Đất Mũi có Khu Ramsar, Khu dự trữ sinh quyển thế giới, hệ thống rừng ngập mặn phong phú, có bãi bồi, cảnh biển ấn tượng, rất hiệu quả trong phát triển du lịch… Mỗi người dân Việt Nam đều muốn ít nhất một lần chạm chân đến mảnh đất thiêng liêng này".

Du lịch Đất Mũi thu hút đông đảo khách đến tham quan từ khi đường Hồ Chí Minh đến Đất Mũi thông xe.

Muốn đầu tư, phát triển du lịch chúng ta phải có tầm nhìn, chiến lược cụ thể cho du lịch vùng Đất Mũi, để khi đầu tư sẽ thu hút được khách tham quan, tránh tình trạng đầu tư lớn, dàn trải nhưng khó thu hút du khách trải nghiệm, khám phá vùng đất lấn biển. Do vậy, việc liên kết để đầu tư, phát triển du lịch bài bản, khoa học là việc làm cần thiết, chúng ta xây dựng được môi trường du lịch hiệu quả.

Những năm gần đây khách tham quan đến Đất Mũi có phần tăng lên nhưng không bền vững. Nhiều du khách một lần đặt chân đến Đất Mũi đã “ngán” quay trở lại. Bởi nơi đây, ngoài thiên nhiên của rừng, thì Đất Mũi vẫn chưa có khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi, giải trí. Hiện nay, Đất Mũi còn vướng cơ chế đất rừng nên muốn phát triển các dịch vụ kéo theo còn gặp nhiều khó khăn. Đất Mũi đã hội tụ cả về thiên thời, địa lợi để phát triển du lịch, còn lại là đầu tư hạ tầng, xây dựng những làng nghề truyền thống, nhân lực phục vụ khách tham quan du lịch. Phát huy được thế mạnh của ngành du lịch đúng tầm sẽ góp phần tăng doanh thu, giải quyết việc làm cho lao động địa phương.

Chương trình hành động số 19 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về quy hoạch phát triển du lịch từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, nhấn mạnh các giải pháp để đầu tư hạ tầng cơ sở, xây dựng các tuyến tham quan đường bộ xuyên rừng bằng xe điện, phát triển làng nghề truyền thống khu vực Đất Mũi, phát triển các tuyến du lịch sinh thái, du lịch xuyên rừng, tham quan trải nghiệm “Một ngày làm nông dân”, chụp hình lưu niệm về vùng Đất Mũi Cà Mau, phấn đấu mỗi năm tăng doanh thu từ du lịch trên 400 tỷ đồng.

Để phát triển du lịch ngang tầm với tiềm năng thì công tác quảng bá, giới thiệu về vùng Đất Mũi - Cà Mau cần được quan tâm. Bằng nhiều cách, có thể xây dựng website, liên kết các cơ sở truyền thông, các báo, đài trong tỉnh, ngoài tỉnh giới thiệu về Đất Mũi, để du khách có thể hiểu thêm và muốn được trải nghiệm về vùng đất nơi này.

Phó giám đốc Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau Từ Quang Tuyên chia sẻ: “Hiện nay mạng 3G, 4G chưa phủ sóng đến Đất Mũi, nhất là khu vực tham quan xuyên rừng, trong khi khách tham quan đến đây đều muốn phát trực tiếp bằng điện thoại thông minh để giới thiệu với bạn bè, người thân về vùng Đất Mũi mà họ trực tiếp chạm chân đến đây, bằng những hình ảnh thực tế, sống động. Điều này cũng ảnh hưởng một phần đến công tác quảng bá, giới thiệu về vùng Đất Mũi. Do vậy, chúng ta cần đầu tư về các trạm phát sóng 3G, 4G để du khách thực hiện điều đó”.

Trải nghiệm thực tế cho du khách hiểu thêm về các sản vật vùng Đất Mũi là cần thiết.

Những tuyến du lịch sinh thái thân thiện với môi trường đã được hình thành nhưng theo Phó chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển Trần Hoàng Lạc thì: “Nếu chỉ đi trên vỏ len lỏi vào các khu rừng đước thì chưa hiệu quả. Chúng ta phải tái hiện và phục dựng lại các không gian, thời gian mang tính lịch sử về các ngôi nhà trong làng rừng thời chiến tranh, những hình ảnh đói ăn trái mắm, nước cất từng lon của bộ đội, chiến sĩ, Nhân dân… để du khách hiểu thêm về lịch sử của vùng Đất Mũi.

Theo ông Trần Hoàng Lạc, Đất Mũi phải xây dựng được làng nghề nấu nướng, mỗi gia đình chuyên về một món, phải ngon, hấp dẫn, ai cũng có được thu nhập, không độc quyền, mạnh ai nấy làm. Có như thế sẽ nâng cao hiệu quả về phục vụ, tạo sự hài lòng cho du khách. Với khu du lịch sinh thái cộng đồng cần liên kết với nhau, để hình thành khu phục vụ du lịch hiệu quả, có khu nghỉ dưỡng, để du khách được trải nghiệm thực tế mò sò, đặt lọp cua, xổ vuông tôm, thưởng thức những món hải sản tươi sống, nghe những bài vọng cổ vùng sông nước Mũi Cà Mau, nơi “Đất nở ra, rừng biết đi, biển sinh sôi” tạo ra mũi đất xanh trù phú, một không gian mát mẻ, yên bình./.

Chí Hiểu - (baocamau.com.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu