Chủ nhật, 11/04/2021,07:20 (GMT+7)
Tại sao Trung Quốc mở rộng sản xuất vaccine ở nước ngoài?
Trong bối cảnh các nước đang phát triển dù có nhu cầu cao về chế phẩm vaccine ngừa COVID-19 nhưng nghi ngờ về tính hiệu quả của các vaccine Trung Quốc, các hãng dược phẩm nước này đã đưa ra nước ngoài sản xuất nhằm tiếp cận dễ dàng hơn những đối tượng đang cần khi thị trường cung ứng quốc tế trở nên khan hiếm và khó khăn.
Một người đàn ông UAE được tiêm vaccine COVID-19. Ảnh: China Daily
Một người đàn ông UAE được tiêm vaccine COVID-19. Ảnh: China Daily
 
Việc Trung Quốc sản xuất vaccine Sinopharm tại Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và vaccine CoronaVac ở Malaysia và Indonesia, nằm trong chiến lược ngoại giao vaccine kiểu đó.
 
Hồi tháng trước, Tập đoàn dược phẩm quốc gia Trung Quốc Sinopharm đã liên doanh với Hãng công nghệ Group 42 ở Abu Dhabi, qua đó giúp UAE trở thành quốc gia đầu tiên bên ngoài Trung Quốc sản xuất vaccine của đất nước đông dân nhất thế giới. Hoạt động sản xuất bắt đầu trong tháng này. Theo thỏa thuận, một nhà máy sản xuất mới sẽ được xây dựng tại Abu Dhabi để tạo ra vaccine, với công suất dự kiến đạt khoảng 200 triệu liều/năm. Ngoài ra, doanh nghiệp liên doanh giữa Sinopharm và Group 42 cũng sẽ hợp tác với Tập đoàn dược phẩm Gulf Pharmaceutical Industries tại Tiểu vương Ras al Khaimah, sản xuất vaccine ở quy mô nhỏ hơn với công suất 2 triệu liều/tháng.
 
Tuần rồi, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh thông báo Malaysia sẽ sớm trở thành quốc gia thứ hai bên ngoài Trung Quốc sản xuất vaccine CoronaVac của Hãng Sinovac (trụ sở ở Bắc Kinh) Trong khi đó, Công ty Bio Farma của Indonesia cũng đã ký thỏa thuận để sản xuất CoronaVac, chế phẩm mà Jakarta hiện nhập khẩu từ Trung Quốc và cho vào lọ. Điều tương tự cũng diễn ra đối với Tập đoàn dược phẩm Pharmaniaga của Malaysia. Trong tháng 1 vừa rồi, Pharmaniaga đã đạt thỏa thuận với Sinovac mua 12 triệu liều vaccine CoronaVac, trong đó dự định sẽ từng bước sản xuất chế phẩm này.
 
Chong Ja Ian, nhà khoa học chính trị tại Đại học Quốc gia Singapore (NUS), nhận định việc đặt dây chuyền sản xuất tại UAE và Indonesia sẽ đưa vaccine Trung Quốc tiệm cận “những người dùng tiềm năng” ở châu Phi, Trung Đông và Đông Nam Á. Theo ông, những điều kiện này rõ ràng có thể giúp ích cho việc thực thi bất cứ nỗ lực ngoại giao nào liên quan cung ứng vaccine. Còn Alfred Wu, Phó Giáo sư tại NUS, thì tin rằng thỏa thuận với UAE là một phần trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm xích lại gần hơn với các quốc gia Arab vốn lâu nay có quan hệ mật thiết với Mỹ. Điều đó cũng cho thấy Bắc Kinh có “khát khao” về ngoại giao vaccine lớn hơn Liên minh châu Âu (EU) hoặc các nhà xuất khẩu khác. “Trung Quốc muốn có sự hiện diện và ảnh hưởng tại Trung Đông và đây chỉ mới là khởi đầu”, Phó Giáo sư Wu lập luận.
 
Động thái trên của Trung Quốc diễn ra giữa lúc EU siết chặt các quy định xuất khẩu vaccine sang một số nước, trong đó có Úc, trong khi Viện Huyết thanh Ấn Ðộ - nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới - tạm ngừng xuất khẩu vaccine của AstraZeneca (Anh/Thụy Điển) để đáp ứng nhu cầu trong nước do số ca nhiễm mới đang gia tăng ở quốc gia Nam Á. Tình hình đó khiến Indonesia quay sang tìm kiếm thêm 100 triệu liều vaccine từ Trung Quốc để bù đắp sự thiếu hụt. Hiện nhiều nước, bao gồm UAE, Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary, đều đã phê duyệt sử dụng vaccine của Sinopharm, trong khi CoronaVac đang được dùng để tiêm chủng cho người dân ở các nước Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Philippines…
 
Đến nay, chỉ có vaccine của các Hãng dược phẩm Pfizer-BioNTech (Mỹ/Đức) và AstraZeneca được Tổ chức Y tế Thế giới “bật đèn xanh” sử dụng khẩn cấp. Tuy nhiên, nhiều quốc gia đã ngưng sử dụng vaccine của AstraZeneca sau khi Cơ quan Dược phẩm châu Âu phát hiện có thể có sự liên quan với hiện tượng đông máu hiếm gặp. Các hãng dược phẩm phương Tây chủ yếu sản xuất vaccine COVID-19 tại Mỹ và châu Âu, riêng một phần vaccine AstraZeneca được sản xuất ở Ấn Độ và Hàn Quốc. Vaccine Sputnik V của Nga đã được cấp phép sản xuất tại Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Brazil và cả châu Âu.
 
Đức đã bắt đầu các cuộc đàm phán với Nga về việc mua vaccine Sputnik V mà không đợi hành động phối hợp của EU. Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn cho biết nước này sẵn sàng tự tiến hành đàm phán với Nga mà không có 26 quốc gia thành viên còn lại của EU nếu việc này có thể giúp Đức đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh việc mua vaccine vẫn phải phụ thuộc vào sự phê duyệt của Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA).
 
Ngày 8-4, nhiều quốc gia trên thế giới đã thiết lập những kỷ lục mới đáng buồn về số ca nhiễm mới và tử vong do COVID-19. Trong 24 giờ, Ấn Độ ghi nhận thêm gần 132.000 ca mắc mới, còn Iran trải qua ngày thứ ba liên tiếp lập kỷ lục mới về số ca mắc mới trong ngày, với hơn 22.500 trường hợp. Brazil cũng đã trở thành nước thứ ba, sau Mỹ và Peru, có số ca tử vong trong ngày vượt 4.000. Đến nay, tổng số người nhiễm SARS-CoV-2 ở Brazil là gần 13,3 triệu ca với trên 345.000 người chết, cao thứ hai thế giới (Mỹ đứng đầu với hơn 31,7 triệu ca mắc, trong đó gần 574.000 người tử vong).
 
HẠNH NGUYÊN - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu