Thứ bảy, 06/03/2021,15:44 (GMT+7)
Tân Châu chuyển đổi mô hình tổ chức kinh doanh, khai thác và quản lý chợ
Cho tư nhân tham gia mô hình kinh doanh, khai thác và quản lý chợ là chủ trương đúng của tỉnh, bởi từ khi triển khai thực hiện chủ trương này, nhà nước giảm được gánh nặng về chi phí cho bộ máy quản lý, nguồn thu ngân sách tăng lên. Tuy nhiên, tỉnh cần sớm điều chỉnh giá thuê dịch vụ sử dụng diện tích mặt bằng để phát huy hiệu quả mô hình này.
Đôi bên cùng có lợi
 
Kể từ khi Quyết định số 11/2016/QĐ-UBND ngày 25-2-2016 của UBND tỉnh, ban hành quy định về quy trình chuyển đổi mô hình kinh doanh, khai thác và quản lý chợ trên địa bàn tỉnh ra đời, TX. Tân Châu (An Giang) đã thành lập Ban chuyển đổi chợ. Đơn vị này do Phó Chủ tịch UBND thị xã làm Trưởng ban, thành viên là những đơn vị có liên quan, như: Phòng Kinh tế, Phòng Tài chính, UBND các phường, xã…
 
Ngay sau khi được thành lập, Ban chuyển đổi chợ đã bắt tay vào thực hiện công việc, như: lên danh sách các chợ cần chuyển đổi, ra quyết định chuyển đổi và mời doanh nghiệp (DN) tham gia đấu thầu, khai thác… Thời điểm đó, TX. Tân Châu có 9 chợ cần thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý, khai thác, gồm: chợ Tân Châu (phường Long Thạnh), chợ Long Hưng (phường Long Châu), chợ Long An (xã Long An), chợ Phú Vĩnh (xã Phú Vĩnh)…. Ngay sau khi có chủ trương chuyển đổi, các DN trong và ngoài địa bàn mạnh dạn tham gia đấu giá để khai thác, từ đó ngân sách thị xã thu được một số tiền lớn.
 
Cụ thể, năm đầu tiên thực hiện mô hình chuyển đổi, ngân sách đã thu được từ chợ Tân Châu trên 3,1 tỷ đồng, chợ Long Hưng 264 triệu đồng, chợ Phú Vĩnh 209 triệu đồng. Chủ trương xã hội hóa mô hình tổ chức kinh doanh, khai thác, quản lý chợ đã thực sự đi vào cuộc sống, nhà nước và DN đều có được quyền lợi. “Nhà nước giảm được gánh nặng về chi phí cho bộ máy quản lý. Ngân sách nhà nước tăng thu 150% so với trước, điều này chứng tỏ chủ trương đã đi vào cuộc sống…” - Phó Chủ tịch UBND, Trưởng ban Chuyển đổi chợ TX. Tân Châu Trần Hoàng Hải khẳng định.
Ban Quản lý chợ Tân Châu tham khảo ý kiến của tiểu thương trong việc tăng mức đóng tiền thuê lô, sạp
 
Theo đó, thời gian cho tư nhân đấu thầu khai thác mỗi chu kỳ là 3 năm. Chỉ tính riêng giai đoạn từ năm 2016-2018, ngân sách thị xã thu từ chợ trên 10 tỷ đồng. “Khi thực hiện chủ trương này, tiểu thương các chợ có nơi mua bán ổn định, nhà nước thu được tiền cho ngân sách. Đó là việc thực hiện Quyết định số 11/2016/QĐ-UBND nhưng khi đến hết chu kỳ thứ nhất, chuyển sang chu kỳ thứ 2, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 12/2019/QĐ-UBND ngày 21-5-2018 quy định giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ trên địa bàn tỉnh tăng, lúc này DN tham gia đấu thầu, khai thác chợ gặp khó khăn” - bà Trương Ngọc Bích (đại diện DN tư nhân đấu thầu Thành Tâm, TX. Tân Châu) bày tỏ ý kiến.
 
Kiến nghị
 
Cái khó mà bà Bích đưa ra là những năm gần đây, chợ truyền thống mất đi lượng khách rất lớn, nguyên nhân do người dân địa phương rời bỏ quê hương, đi các địa phương khác tìm kiếm việc làm, sinh sống. Bên cạnh đó, hệ thống cửa hàng tiện ích, như: Bách hóa xanh, Vinmart… phát triển nhanh, từ đó chi phối lượng khách đến chợ. Một số điểm chợ thực hiện văn minh trong mua bán, chợ không cho xe 2 bánh chạy vào đã làm ảnh hưởng lớn đến lượng khách đi chợ. Tất cả những yếu tố vừa nêu đã làm cho chợ ngày càng vắng khách, nguồn thu giảm, trong khi giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng nhà nước quy định lại tăng. Đây là một trong những nghịch lý mà tiểu thương kiến nghị các cơ quan chức năng tham mưu điều chỉnh.
 
Sau ngày 31-12-2018, chợ Tân Châu hết thời gian giao thầu, DN ngồi lại với Ban chuyển đổi chợ để tính toán lại giá giao thầu. DN nào tiếp tục tham gia đấu giá chợ thì phải thực hiện Quyết định số 12/2018/QĐ-UBND. “Khi đi vào thực hiện quyết định này, chúng tôi không thể tiếp tục đấu thầu để khai thác vì giá dịch vụ sử dụng diện tích mặt bằng rất cao. Chúng tôi kiến nghị, nếu nhà nước cho DN tiếp tục khai thác thì nên quy định mức tăng thu là 5% hay 10% so với mức cũ sẽ dễ thực hiện hơn…” - bà Phan Thị Tuyết (Giám đốc Công ty TNHH Phan Nguyễn An Phú) kiến nghị.
 
Giải quyết khó khăn này, Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Minh Hùng cho biết, đang thuê đơn vị tư vấn tìm hiểu, điều chỉnh vấn đề này để việc thực hiện chủ trương của UBND tỉnh ngày càng tốt hơn. Việc thực hiện chủ trương này phải có lợi cho nhà nước lẫn các DN tham gia khai thác, có vậy thì chủ trương mới thực sự đi vào cuộc sống.
 
Chuyển đổi mô hình tổ chức kinh doanh, khai thác và quản lý chợ, nhà nước huy động được nguồn vốn DN tham gia. Vấn đề còn lại là các cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh phải sớm điều chỉnh giá thuê dịch vụ sử dụng diện tích mặt bằng sát với thực tế.
 
“Từ khi dịch bệnh COVID-19 xảy ra, người dân hạn chế đến chỗ đông người, từ đó các chợ rất vắng khách. Tình cảnh này, nếu nhà nước tăng thu tiền dịch vụ mặt bằng, chúng tôi rất khó khai thác thành công. Chúng tôi kiến nghị nhà nước cần xem lại vấn đề này” - bà Trương Ngọc Bích (đại diện DN tư nhân đấu thầu Thành Tâm) cho biết.
MINH HIỂN - (baoangiang.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu