Thứ ba, 27/04/2021,10:17 (GMT+7)
Tăng khả năng tiếp cận xe buýt
Qua hơn 1 năm thực hiện kế hoạch phát triển vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) bằng xe buýt trên địa bàn TP Cần Thơ giai đoạn 2019-2021, thành phố đã kêu gọi đầu tư mở mới 5 tuyến xe buýt chất lượng cao, không trợ giá. Qua đó, xây dựng hình ảnh xe buýt hiện đại, văn minh, thân thiện, thu hút người dân sử dụng xe buýt. Thành phố tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ xe buýt, tăng cường tuyên truyền, vận động người dân tạo thói quen sử dụng phương tiện giao thông công cộng.
Hoạt động xe buýt trên địa bàn thành phố.
 
 Chuyển biến
 
Thường xuyên sử dụng xe buýt đi lại giữa trung tâm thành phố và quận Ô Môn, cô Nguyễn Thị Vân ở phường Phước Thới, quận Ô Môn, chia sẻ: Sống cùng vợ chồng con trai ở Cần Thơ nhưng cứ cuối tuần cô chú lại tranh thủ về quê cho thoáng đãng. Trước đây, con trai phải đưa đón cô đi về khá bất tiện. Từ ngày thành phố mở tuyến xe buýt mới, việc đi lại rất thuận tiện, cô chú chủ động thời gian đi về. Xe mới, đẹp, có máy lạnh, sàn thấp bước lên xuống cũng an toàn, ngồi xe khoảng 45 phút là về đến nhà.
 
Tháng 9-2020, Trung tâm Quản lý và Ðiều hành vận tải VTHKCC thuộc Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP Cần Thơ đã ký kết hợp đồng với Công ty CP xe khách Phương Trang - FUTA Bus Lines đưa vào khai thác 5 tuyến xe buýt nội tỉnh không trợ giá trên địa bàn thành phố. Ngay sau đó, từ ngày 20-9 đến ngày 31-12-2020, công ty lần lượt đưa vào khai thác các tuyến xe buýt, gồm: tuyến số 01 Ba Láng - Ô Môn; tuyến số 02 Ô Môn - Kinh B; tuyến số 03 Sân bay Cần Thơ - thị trấn Phong Ðiền; tuyến số 04 Sân bay Cần Thơ - Bến xe khách trung tâm - Cảng Cái Cui và tuyến số 05 Ô Môn (phà Thới An - Phong Hòa) - Vĩnh Thạnh. Các xe buýt hiện đại đạt chuẩn khí thải Euro 4, sản xuất năm 2020. Xe có 25 chỗ ngồi, 15 chỗ đứng, cửa lên xuống tự động, có máy lạnh, wifi phục vụ miễn phí, có công cụ hỗ trợ và ghế ngồi cho người khuyết tật. Ðảm bảo kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển VTHKCC bằng xe buýt, Sở GTVT thành phố đã tiến hành cải tạo, nâng cấp, sửa chữa và làm mới 503 điểm dừng, biển báo, vạch dừng đỗ xe buýt phục vụ kịp thời theo thời gian khai thác các tuyến.
 
Theo ông Phạm Văn Ðồng, Giám đốc Trung tâm Quản lý và Ðiều hành vận tải VTHKCC thuộc Sở GTVT TP Cần Thơ, hiện nay, trên địa bàn thành phố có 32 xe buýt đang hoạt động với 262 chuyến/ngày. Xe buýt hiện đại, tiện nghi, giá vé phù hợp làm thay đổi quan điểm của người dân trên địa bàn thành phố về hình ảnh xe buýt. Các tuyến xe buýt Ba Láng - Ô Môn; Ô Môn - Vĩnh Thạnh; Ô Môn - Kinh B rất thu hút hành khách và khả năng tăng trưởng tốt trong tương lai.
 
Nâng cao chất lượng
 
Qua hơn 6 tháng đi vào hoạt động, các tuyến xe buýt mới đã từng bước xây dựng hình ảnh mới cho VTHKCC của thành phố và thu hút người dân quan tâm sử dụng. Tuy nhiên, quá trình hoạt động vẫn còn vướng một số khó khăn. Theo Trung tâm Quản lý và Ðiều hành VTHKCC, 2 tuyến xe buýt sân bay Cần Thơ - thị trấn Phong Ðiền và Sân bay Cần Thơ - Bến xe khách trung tâm - cảng Cái Cui khá vắng khách. Hệ thống biển báo, vạch dừng vẫn chưa được đầu tư hoàn thiện. Các bến bãi xe buýt toàn bộ đều là bến tạm (thuê mặt bằng của người dân để đổ xe), không đảm bảo các điều kiện về bến bãi đỗ xe buýt. Công tác tuyên truyền, thu hút sử dụng, nhận diện xe buýt còn hạn chế. Do vậy, nhiều người dân còn chưa biết về xe buýt của thành phố, lộ trình các tuyến xe buýt đi qua, ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác và kinh doanh của doanh nghiệp…
 
Khắc phục hạn chế trên, tăng khả năng tiếp cận của xe buýt, ông Phạm Văn Ðồng, cho biết: Trung tâm phối hợp đơn vị liên quan rà soát lại toàn bộ mạng lưới xe buýt hiện hữu trên địa bàn thành phố. Trên cơ sở đó, xây dựng phương án điều chỉnh mạng lưới tuyến phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, đồng thời, triển khai mở mới các tuyến xe buýt theo quy hoạch phát triển VTHKCC bằng xe buýt được UBND thành phố phê duyệt. Ðồng thời, triển khai thực hiện cải tạo, nâng cấp, sửa chữa và làm mới các điểm dừng phục vụ khai thác các tuyến xe buýt hiện hữu và các tuyến xe buýt nội tỉnh dự kiến mở mới trong năm. Trung tâm phối hợp với doanh nghiệp xây dựng kế hoạch tuyên truyền sinh động và thiết thực, tăng khả năng nhận diện, thu hút hành khách sử dụng xe buýt.
 
Về định hướng phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ VTHKCC, theo ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ, trong danh mục 18 dự án ưu tiên đầu tư giai đoạn 2021-2025 ngành GTVT, Sở đề xuất đầu tư 4 dự án liên quan VTHKCC. Bao gồm, nâng cấp, sửa chữa Trung tâm Quản lý và Ðiều hành VTHKCC (xây dựng, thiết bị làm việc và thiết bị cho hệ thống điều hành xe buýt); dự án trạm dừng, nhà chờ xe buýt: 501 điểm dừng đón trả khách hiện đại; dự án đầu tư xây dựng 10 bãi đỗ xe buýt kết hợp điểm đầu - điểm cuối xe buýt: Ba Láng, Cái Cui, khu đô thị Ô Môn, Mỹ Khánh, Nam Cờ Ðỏ, Tây Thới Lai, Thốt Nốt số 1, Vĩnh Thạnh, Kênh B, Sân bay và dự án đầu tư hệ thống quản lý giao thông thông minh (ITS) TP Cần Thơ giai đoạn 1 (triển khai các hạng mục như: tủ tín hiệu, đèn tín hiệu, camera quan sát, hệ thống dò xe VDS và trung tâm điều khiển).
 
Sở GTVT đã hoàn thành công tác báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, sớm trình UBND thành phố, HÐND thành phố quyết định chủ trương để đầu tư xây dựng trong giai đoạn 2021-2025. Ngoài ra, trình UBND thành phố phê duyệt bộ định mức - đơn giá cho hoạt động VTHKCC bằng xe buýt trên địa bàn thành phố, làm cơ sở để giám sát việc tính giá vé của doanh nghiệp; hỗ trợ cho người sử dụng; kiểm tra, giám sát doanh thu và chi phí của các doanh nghiệp khai thác VTHKCC bằng xe buýt trên địa bàn thành phố. Ðây là cơ sở pháp lý cho công tác trợ giá cho hoạt động VTHKCC bằng xe buýt trên địa bàn thành phố trong giai đoạn tới.
 
Trong năm 2021, Sở GTVT giao Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải VTHKCC tổ chức lựa chọn nhà đầu tư dự kiến khai thác 6 tuyến xe buýt. Cụ thể, 2 tuyến xe buýt nội tỉnh: Thới Lai - Phong Điền - Ô Môn; Cần Thơ - Giai Xuân - Phong Điền. 4 tuyến xe buýt liên tỉnh: Cần Thơ - Vĩnh Long; Cần Thơ - Vĩnh Long - Trà Vinh; Cần Thơ - Trần Đề (Sóc Trăng) và Cần Thơ - Bạc Liêu.
 
Bài, ảnh: T. TRINH - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu