Thứ sáu, 11/06/2021,10:17 (GMT+7)
Tăng thu nhập từ nghề ươm cây giống
Trong thời kỳ nông nghiệp tỉnh nhà đang chuyển dần sang sản xuất quy mô lớn thì nhu cầu về cây giống của người dân ngày một nhiều. Xuất phát từ thực tế này, nhiều hộ dân đã mạnh dạn áp dụng mô hình ươm kết hợp kinh doanh cây giống và đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ươm giống khóm Cầu Đúc.
 
Những ngày này đi dọc tuyến đường Bốn Tổng Một Ngàn, huyện Châu Thành A, ở những trại bán cây giống, hầu như trại nào cũng đông khách đến mua. Anh Bảo, chủ trại cây giống Ba Đạt, ở ấp Trường Hòa, xã Trường Long A, huyện Châu Thành A, cho biết hiện tại có hai loại cây giống bán chạy nhất là mít Thái siêu sớm và sầu riêng. Mỗi loại cây giống đều có giá khác nhau, cây mít từ 40.000-150.000 đồng/cây, cao nhất là giống sầu riêng có giá từ 80.000-400.000 đồng/cây. Anh Bảo cho rằng, sở dĩ giá cây giống gần đây tăng mạnh là do nhà vườn chuyển đổi sản xuất nên ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường cây giống. 
 
Anh Nguyễn Văn Quốc, ở ấp Phú Trí A, xã Phú Tân, huyện Châu Thành, cho biết muốn làm một cây giống bán được phải có một cây con để ghép vào một “bo” giống. Cây con hiện tại có giá từ 5.000-10.000 đồng/cây, tuy nhiên những năm vừa qua, tình hình hạn mặn đã làm ảnh hưởng đến việc sản xuất cây giống của nhiều nhà vườn ở các tỉnh như Chợ Lách - Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long... Do ảnh hưởng nước mặn làm cho các gốc ghép cây giống khi trồng kém phát triển, người trồng chỉ muốn tìm mua nguồn cây giống ghép tại những địa phương không bị ảnh hưởng bởi hạn mặn. Thấy vậy, anh Quốc tận dụng 1,5ha đất vườn nhà trồng cây ăn trái kém hiệu quả sang thành vườn ươm cây mít giống, chỉ với khoảng thời gian sau 10 tháng ươm hạt, anh thu về cả trăm triệu đồng.
 
Chị Sáu Hiền, nhà ở tận huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long, có gần 20 năm gắn bó với nghề làm cây giống cho hay là chị bắt đầu khởi nghiệp từ những năm 90, khi xứ cây giống ở miệt Cái Mơn, Chợ Lách - Bến Tre… bắt đầu phát triển. Do có lợi thế là người quen hỗ trợ về khâu kỹ thuật, ban đầu chị chỉ ươm các loại cây như sầu riêng, măng cụt, xoài... ở xứ nhà. Những năm gần đây thấy bà con ở Hậu Giang có nhu cầu giống cây trồng mạnh nên chị sang xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A, để thuê đất lập vườn ươm.
 
Theo chị Hiền, nghề ươm cây giống không dễ như những gì người khác tưởng. Để có cây giống tốt, không phải xới đất lên bỏ hạt là giống sẽ phát triển, tất cả đều có bí quyết tùy loại hạt giống, loại cây mà có cách làm đất khác nhau. Đối với những cây hạt to thì nơi ươm hạt sẽ có độ xốp, dày hơn các loại hạt khác nhỏ hơn như hạt cam, hạt bưởi… Tùy mỗi loại hạt giống mà ươm, nếu sầu riêng ươm từ 12.000-15.000 hạt/công, bưởi khoảng 35.000 hạt/công. Khi hạt vừa lên lá mầm xanh non cũng là lúc sâu hại hoành hành nên giai đoạn này phải chăm sóc kỹ lưỡng, muốn có cây giống tốt phải hạn chế phun thuốc hóa học và sử dụng phân vô cơ. Ngược lại, khi sử dụng phân hữu cơ nhiều thì tỷ lệ ghép cây thành công đạt rất cao, thương lái và người trồng rất ưa chuộng. Nhờ khép kín quy trình kỹ thuật ươm cây giống theo lối căn cơ, bài bản nên mỗi năm cơ sở của chị bán ra hàng trăm ngàn cây giống các loại, lợi nhuận hàng trăm triệu đồng.
 
Tâm sự với chúng tôi, anh Út Tỵ (Lưu Thành Tỵ), ở ấp Thạnh Thắng, xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, có hơn 20 năm làm nghề ươm cây khóm giống Cầu Đúc, cho biết: “So với nghề trồng cây lập vườn, hay trồng rau màu thì nghề ươm cây giống vất vả hơn nhiều. Vì để có một cây giống chất lượng bán ra thị trường, phải trải qua nhiều công đoạn, người ươm phải cẩn thận, tỉ mỉ trong từng khâu từ làm đất lên luống, đến ươm hạt hoặc cắt cành chăm sóc cây con...”. Theo anh Tỵ, nếu như mỗi cây ăn quả như cam, bưởi, mít… phải mất từ 3 năm trở lên mới bắt đầu cho thu hoạch thì người làm cây giống chỉ mất từ 3-5 tháng là có sản phẩm bán ra. Thời gian sản xuất ngắn sẽ tránh được nhiều rủi ro, bên cạnh đó còn có thể đẩy nhanh được quá trình thu hồi vốn, còn nếu tiêu thụ chậm thì bà con cũng không phải quá lo lắng, bởi cây giống kích thước lớn, lại càng được người trồng ưa chuộng.
 
Hiện nay, phong trào trồng cây ăn trái thay thế những cây trồng kém hiệu quả của bà con nông dân trong và ngoài tỉnh ngày càng phát triển, giống khóm Cầu Đúc cũng được nhiều hộ dân ở các tỉnh như Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, hay các tỉnh miền Đông Nam bộ cũng chọn trồng. Mỗi năm trại ươm cây giống khóm Cầu Đúc của anh Tỵ có thể xuất bán đi nhiều nơi với số lượng hàng trăm ngàn thiên (1 thiên = 1.000 cây) cây giống, doanh thu của anh đạt cả trăm triệu đồng/năm.
 
Những năm qua, tỉnh Hậu Giang đã tập trung chỉ đạo thực hiện chương trình phát triển cây có múi sạch bệnh và cây ăn trái đặc sản, như bưởi Năm Roi, cam mật, cam sành, quýt đường, xoài cát Hòa Lộc, sầu riêng, mít, khóm… Hiện nay, diện tích trồng cây ăn trái của tỉnh đã tăng lên 41.000ha, năng suất và sản lượng lên đến hơn 466.000 tấn/năm.
Bài, ảnh: QUANG HẢI - (baohaugiang.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu