Thứ tư, 19/05/2021,07:28 (GMT+7)
Tạo nền tảng từ giáo dục đạo đức, lối sống
Nhiều giải pháp thiết thực được các cấp, các ngành Trung ương, địa phương nói chung và TP Cần Thơ nói riêng thực hiện, nhằm góp phần tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên (HSSV).
Mô hình cột mốc Trường Sa - Hoàng Sa được đặt trong khuôn viên Trường THPT Thới Lai.
 
Giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống cho HSSV đóng vai trò nền tảng trong đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo (GD&ÐT). Sau 5 năm thực hiện Quyết định số 1501/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Ðề án “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015-2020” (Quyết định 1501), ngành Giáo dục TP Cần Thơ đã triển khai đầy đủ và kịp thời các chỉ đạo của Bộ GD&ÐT, UBND thành phố trong công tác này. Các cơ sở giáo dục nghiêm túc xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện tại đơn vị, đưa các tiêu chí của đề án vào kế hoạch, nhiệm vụ năm học.
 
Hằng năm, Sở GD&ÐT TP Cần Thơ đều phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể thành phố tổ chức hơn 20 đợt kiểm tra, đánh giá việc triển khai thực hiện Quyết định 1501 tại các trường học. Từ đó kịp thời ghi nhận, nhân rộng những mô hình mới, cách làm hay; hướng dẫn những đơn vị làm chưa tốt. Nhiều mô hình giảng dạy tích hợp và hoạt động giáo dục trải nghiệm tiêu biểu tại Cần Thơ đã được chọn tham gia báo cáo tại nhiều hội nghị của Bộ GD&ÐT. Ðơn cử như: Giáo dục đạo đức học sinh thông qua mô hình “Sinh hoạt các câu lạc bộ trong trường học” của Trường Tiểu học Võ Trường Toản, Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thông qua mô hình “Phòng tư liệu Hồ Chí Minh” của Trường THPT Thuận Hưng, Công tác phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc xây dựng “Văn hóa ứng xử” trong trường học của Trường THPT Trung An, Xây dựng trường học xanh - sạch - đẹp - an toàn của Trường THCS Thị trấn Vĩnh Thạnh…
 
Các quận, huyện của thành phố cũng triển khai sâu sát công tác này. Tại huyện Thới Lai, mỗi trường học có phương pháp phù hợp để tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh. Ví như Trường THPT Thới Lai không chỉ tạo khuôn viên xanh, sạch, đẹp, mà còn xây dựng hai mô hình cột mốc Trường Sa - Hoàng Sa giữa sân trường và khu trải nghiệm dành cho học sinh. Thầy Nguyễn Hữu Ðịnh, Hiệu trưởng Trường THPT Thới Lai, cho biết khu trải nghiệm có nhiều hoạt động vui chơi, học tập phong phú. Tại đây, học sinh có thể tìm hiểu văn hóa lịch sử dân tộc, tham gia sáng tạo khoa học - kỹ thuật... Bậc tiểu học, THCS cũng có cách thực hiện phù hợp. Như Trường THCS Thị trấn Thới Lai có mô hình “Vườn Ðịa lý”, “Vườn Lịch sử”… trong khuôn viên; các trường tiểu học xây dựng mô hình “Ngôi nhà yêu thương” để thu gom giấy vụn, chai nhựa... góp tiền lo cho học trò nghèo. Ông Nguyễn Văn Chi, Trưởng Phòng GD&ÐT huyện Thới Lai, cho biết: Ngành định hướng các trường đẩy mạnh hoạt động ngoại khóa, thực hiện các mô hình trải nghiệm sáng tạo, giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
 
Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định 1501 do Bộ GD&ÐT phối hợp Trung ương Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức mới đây, các đại biểu xác định vai trò quan trọng và cần tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng. Các đại biểu cho rằng, trong quá trình triển khai thực hiện đề án còn một số hạn chế cần khắc phục, như: hoạt động giáo dục, vận động, thi đua, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ ở một số địa phương, cơ sở giáo dục còn mang tính áp đặt, hình thức; tổ chức giáo dục đạo đức, lối sống, văn hóa cho HSSV trên môi trường mạng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu… Riêng TP Cần Thơ, trong quá trình thực hiện đề án còn gặp hạn chế là một số học sinh thiếu ý thức rèn luyện vẫn còn vi phạm Luật An toàn giao thông, sử dụng xe gắn máy khi chưa đủ tuổi và chưa có giấy phép lái xe; vẫn còn xảy ra một vài vụ học sinh đánh nhau...
 
Ðể nâng cao hiệu quả giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng, nhiều đại biểu dự hội nghị cho rằng: Cần phát huy hơn nữa mô hình, sáng kiến hiệu quả trong các nhà trường; tăng cường cơ sở vật chất, sân chơi bãi tập, các thiết chế văn hóa phục vụ hoạt động rèn luyện thể dục thể thao, vui chơi giải trí cho thanh thiếu niên, nhi đồng trong trường học và tại nơi cư trú...
 
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ÐT Ngô Thị Minh, một trong những kết quả nổi bật sau 5 năm thực hiện Quyết định 1501 là sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường - gia đình và xã hội trong công tác chăm sóc, giáo dục thanh niên, thiếu niên, nhi đồng. Từ đó đã tác động tích cực đến nhận thức, hành động của thế hệ trẻ. Thứ trưởng Ngô Thị Minh nhấn mạnh: “Giai đoạn 2021-2025, ngành Giáo dục tiếp tục xác định công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng là nhiệm vụ trọng tâm. Trong các giải pháp được tập trung triển khai, có việc tăng cường phối hợp, đổi mới chương trình đào tạo giáo viên ở các trường sư phạm; đổi mới phương pháp, tiêu chí đánh giá kết quả công tác giáo dục đạo đức của học sinh”.
 
Bài, ảnh: B.KIÊN - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu