Thứ ba, 17/11/2020,07:39 (GMT+7)
Tạo sức bật cho ngành cao-su (Tiếp theo và hết)
Dây chuyền sản xuất bóng thể thao của Công ty cổ phần thể thao Ngôi sao Geru (quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh).
 
BÀI 2: Vượt thách thức trên nền tảng ba trụ cột
 
Không chỉ Việt Nam, ngành cao-su toàn cầu cũng đang đối mặt thách thức phát triển bền vững khi giá mủ cao-su thiên nhiên duy trì mức thấp trong thời gian dài tác động đến lợi nhuận doanh nghiệp và thu nhập người lao động. Bên cạnh đó là tình trạng thiếu công nhân nghiêm trọng do sự dịch chuyển lao động sang khu vực công nghiệp. Các doanh nghiệp buộc phải có kế hoạch thay đổi mô hình tăng trưởng, tận dụng lợi thế, đa dạng hóa ngành nghề để tạo sức bật.
 
Ða dạng cực tăng trưởng ngành cao-su
 
Ðứng chân ở trung tâm Vùng kinh tế trọng điểm phía nam, các công ty cao-su như: Công ty TNHH MTV Cao-su Dầu Tiếng và Công ty cổ phần Cao-su Phước Hòa trên địa bàn tỉnh Bình Dương hay Công ty TNHH MTV Tổng công ty Cao-su Ðồng Nai ở tỉnh Ðồng Nai gặp không ít khó khăn trong công tác điều hành cũng như lập kế hoạch hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhưng, các đơn vị này đã biết “đẩy lùi nguy cơ”, “tận dụng thời cơ” để tái cơ cấu hoạt động, giữ vững đà tăng trưởng.
 
Tổng công ty Cao-su Ðồng Nai nằm trong khu vực sôi động phát triển các khu công nghiệp và các công trình giao thông trọng điểm quốc gia nên trong những năm qua, đơn vị này phải bàn giao một phần không nhỏ đất canh tác cao-su để thực hiện nhiều dự án. Năm 2020, tổng công ty bàn giao 1.800 ha cao-su thực hiện dự án Sân bay Long Thành. Trước đó, đơn vị đã giao 400 ha thực hiện dự án tái định cư. Dự kiến, trong 5 năm tới, tổng công ty sẽ bàn giao cho tỉnh thêm 5.000 ha đất nữa để làm dự án. Diện tích cao-su giảm xuống, nguồn nhân lực của tổng công ty lại thiếu hụt nghiêm trọng. Toàn đơn vị hiện có 4.500 lao động, trong đó lao động trực tiếp tại các vườn cây, nông trường là 3.600 người, thiếu từ 400 đến 500 lao động.
 
Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Tổng công ty Cao-su Ðồng Nai Ðỗ Minh Tuấn cho biết: “Trước những khó khăn nêu trên, tổng công ty áp dụng giải pháp chuyển từ chế độ cạo mủ nước sang cạo mủ đông đối với hai nông trường Cẩm Ðường và Ông Quế giúp tiết kiệm 30% lao động. Ngoài ra, chúng tôi tổ chức tuyển dụng, đào tạo thêm lao động từ Hà Giang vào. Ðể tăng năng suất lao động, tiết giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất, đơn vị triển khai hàng loạt giải pháp như: Tổ chức sắp xếp lại hoạt động sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa; tăng sản phẩm tinh chế; thay đổi cơ cấu sản phẩm đáp ứng đúng nhu cầu thị trường; quy hoạch chuyển đổi hàng nghìn ha đất cao-su sang đầu tư khu công nghiệp (KCN), làm nông nghiệp công nghệ cao để nâng cao hiệu quả sử dụng đất… Riêng định hướng cho 5 năm tới, Ðảng bộ Tổng công ty chuẩn bị kỹ lưỡng trong Nghị quyết Ðại hội vừa qua. Trong nghị quyết này có chi tiết hóa kế hoạch về công tác quy hoạch, các chỉ tiêu năng suất, tiền lương… Căn cứ vào đó, các nông trường bám sát triển khai thực hiện. Mục tiêu của chúng tôi trong 5 năm tới là sẽ thay đổi “cán cân” doanh thu. Doanh thu cao-su từ mức chiếm 70 đến 72% sẽ giảm còn 40 đến 45%, còn lại là các loại hình dịch vụ khác”.
 
Ðể khai thác và tối đa hóa hiệu quả sử dụng các nguồn lực sẵn có, nhất là nguồn lực về đất đai, Công ty TNHH MTV Cao-su Dầu Tiếng đề ra chương trình “Nâng cao hiệu quả đầu tư sản xuất, kinh doanh giai đoạn 2020-2025”. Theo Bí thư Ðảng ủy Công ty TNHH MTV Cao-su Dầu Tiếng Huỳnh Thị Cẩm Hồng: “Chương trình này nhằm cụ thể hóa Ðề án Chiến lược phát triển công ty giai đoạn 2018-2025, tầm nhìn đến năm 2030 với nhiệm vụ tái cơ cấu các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và đầu tư theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành đầu tư hạ tầng khu công nghiệp (KCN) - đô thị - dịch vụ, cụm công nghiệp, nâng cao hiệu quả ngành sản xuất, kinh doanh cao-su và giảm dần sự phụ thuộc các lĩnh vực không bền vững. Cụ thể, công ty quy hoạch lại diện tích trồng cao-su, tập trung phát triển các diện tích có năng suất cao. Ðưa năng suất bình quân lên hơn hai tấn/ha vào năm 2021 và duy trì năng suất này bền vững cho những năm tiếp theo. Trong lĩnh vực đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công ty tiếp tục liên doanh với các đối tác giàu kinh nghiệm để phát triển các dự án. Ðến năm 2025, tổng quỹ đất dành cho phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 3.000 ha. Riêng trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng KCN, cụm công nghiệp, công ty phấn đấu đến năm 2025 có thể hoàn thành được hai KCN, bảy cụm công nghiệp và các khu dân cư phụ cận với diện tích khoảng 4.000 ha”.
 
Thực hiện chủ trương của tỉnh Bình Dương và Tập đoàn VRG, Công ty cổ phần Cao-su Phước Hòa sớm triển khai chuyển đổi đất cao-su kém hiệu quả sang đầu tư KCN. Chủ tịch HÐQT Công ty cổ phần Cao-su Phước Hòa Huỳnh Kim Nhựt khẳng định: “Việc chuyển đổi từ đất cao-su sang đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN mà cụ thể là KCN Tân Bình và KCN Nam Tân Uyên góp phần tăng hiệu quả kinh tế cho những khu vực đất xấu, bạc màu, vườn cây già cỗi, đóng góp tích cực vào việc tăng doanh thu, lợi nhuận, góp phần không nhỏ vào kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh và chăm lo đời sống cho người lao động của công ty. Cụ thể, năm 2018, KCN Tân Bình chia cổ tức 15% mệnh giá giúp công ty Phước Hòa thu về 19,2 tỷ đồng. Năm 2019, KCN Tân Bình chia cổ tức 100% mệnh giá giúp cao-su Phước Hòa thu về 128 tỷ đồng. Bên cạnh đó, việc đầu tư hạ tầng KCN trên đất cao-su góp phần giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ, tăng thu ngân sách cho địa phương…”.
 
Phát triển bền vững trên ba trụ cột
 
Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ VRG lần thứ chín (nhiệm kỳ 2020-2025) khẳng định: Phát triển tập đoàn trên nền tảng ba trụ cột: Kinh tế - Môi trường - Xã hội; thực hiện tốt chương trình phát triển bền vững, phát triển có trách nhiệm với xã hội và bảo vệ môi trường. Ðể triển khai chủ trương này, VRG đã xây dựng chương trình hành động 5 năm giai đoạn 2019 - 2024 và được ban hành tại Quyết định số 82/QÐ-HÐQTCSVN ngày 16-4-2019 của Hội đồng quản trị VRG.
 
Theo thành viên HÐQT VRG Hà Văn Khương: “Sự phát triển bền vững của VRG được đánh giá cao trong ngành cao-su Việt Nam với sự hài hòa, cân đối của ba trụ cột kinh tế - môi trường - xã hội. Về kinh tế, VRG là doanh nghiệp sản xuất cao-su thiên nhiên hàng đầu tại Việt Nam với hơn 410 nghìn ha rừng cao-su tại Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 80 nghìn lao động. Năm 2019, tổng doanh thu của đơn vị đạt 22,8 nghìn tỷ đồng, tổng lợi nhuận trước thuế 4,65 nghìn tỷ đồng. Thu nhập bình quân toàn tập đoàn năm 2019 là 7,2 triệu đồng/người/tháng, tăng 2,8% so với năm 2018. Ðây là nỗ lực rất lớn của VRG trong thời kỳ giá cao-su thấp vì kinh tế thế giới tăng trưởng chậm với nhiều yếu tố rủi ro, thách thức”.
 
Về trách nhiệm bảo vệ môi trường, VRG quan tâm đến chính sách bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ, phục hồi rừng tự nhiên trong vùng dự án cao-su. Một trong những mục tiêu quan trọng nhất của VRG là thực hiện các chứng chỉ quốc gia và quốc tế về quản lý rừng cao-su bền vững. Ðây là hoạt động nhằm giảm tác động tiêu cực đến môi trường và xã hội, tăng hiệu quả kinh tế kết hợp với đa dạng sinh học và bảo vệ rừng. Cuối năm 2019, đã có hơn 11.400 ha của ba công ty thành viên tập đoàn được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững đầu tiên theo tiêu chuẩn của Hệ thống Chứng chỉ rừng Việt Nam (VFCS). Ðến cuối năm 2020, sẽ có thêm 45.000 ha được cấp chứng chỉ VFCS và 100.000 ha có phương án quản lý rừng bền vững. Ðến năm 2022, 300.000 ha rừng cao-su của tập đoàn tại Việt Nam sẽ được chứng nhận theo tiêu chuẩn quốc gia VFCS và tiêu chuẩn quốc tế PEFC sau khi PEFC công nhận VFCS.
 
Về trách nhiệm xã hội, VRG được đánh giá là doanh nghiệp có trách nhiệm cao với xã hội và cộng đồng. Trong quá trình hoạt động, tập đoàn luôn bảo đảm hài hòa quyền lợi giữa doanh nghiệp và người dân trong vùng dự án và khu vực lân cận, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập, cải thiện đời sống về văn hóa, xây dựng nhiều công trình an sinh xã hội như đường, điện, nhà ở cho công nhân, trường học, giếng nước sạch, công trình tôn giáo và cơ sở chăm sóc sức khỏe phục vụ người lao động và cộng đồng.
 
Cụ thể: Phấn đấu tăng trưởng các chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận và nộp ngân sách bình quân từ 3 đến 5%/năm; thu nhập người lao động phấn đấu tăng tối thiểu 5%/năm; các chỉ tiêu chủ yếu 5 năm nhiệm kỳ 2020-2025: tăng từ 3 đến 5%/năm; tổng doanh thu 2020-2025 đạt từ: 25 nghìn đến 35 nghìn tỷ đồng; nộp ngân sách từ 15 nghìn đến 20 nghìn tỷ đồng; thu nhập bình quân người lao động đạt từ 8.104.000 đến 8.598.000 đồng/người/tháng.
 
Chủ tịch HÐQT Tập đoàn VRG Trần Ngọc Thuận khẳng định: Phát triển bền vững là mục tiêu bao trùm của ngành cao-su. Do đó, cần có sự thống nhất cả trong nhận thức và hành động của các cấp từ tập đoàn đến các đơn vị thành viên. Ba trụ cột phát triển bền vững phải được cụ thể hóa bằng chỉ tiêu, nhiệm vụ của từng nhiệm kỳ và tầm nhìn nhiều kỳ. Ðồng thời, đánh giá đúng thực trạng, dự báo đúng xu thế phát triển, huy động mọi nguồn lực, đề ra những giải pháp hiệu quả, cùng chung sức, chung lòng, vượt qua mọi khó khăn.
 
NHÓM PHÓNG VIÊN CQTT TP HỒ CHÍ MINH - (nhandan.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu