Thứ hai, 19/08/2019,12:42 (GMT+7)
Tạo xung lực cho miền Trung cất cánh: Bệ phóng hàng không, du lịch
Sự phát triển của hàng không, du lịch ở khu vực miền Trung đã khiến nhiều điểm đến khởi sắc, bứt phá mạnh mẽ

Là người nhiều năm gắn bó với ngành du lịch, trong đó có du lịch miền Trung, ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty Du Ngoạn Việt, nhìn nhận du lịch miền Trung đã khởi sắc, thậm chí nhiều điểm đến "gây bất ngờ" về sự bứt phá trong thời gian qua. "Có những nơi du khách sẽ không thể biết, không thể tới và người dân địa phương cũng khó tăng thu nhập, đời sống nếu không có du lịch" - ông Phan Xuân Anh nói.

Rầm rộ mở nhiều đường bay

Theo các chuyên gia, một trong những yếu tố giúp kinh tế của nhiều địa phương miền Trung khởi sắc gần đây là hàng không, khi hàng loạt sân bay không ngừng đưa vào khai thác, mở đường bay trong nước và quốc tế. Sự thay đổi, đột phá của ngành hàng không đã làm "thay da đổi thịt" nhiều vùng đất miền Trung. Bởi với nhà đầu tư, cơ sở hạ tầng rất quan trọng, bãi biển đẹp, điểm đến hấp dẫn nhưng di chuyển không thuận lợi thì rất khó kéo du khách, nhất là khách quốc tế.

Ông Trần Văn Triển, Giám đốc Cảng Hàng không Phù Cát (tỉnh Bình Định), cho biết sân bay Phù Cát đã chuẩn bị sẵn sàng để phục vụ chuyến bay quốc tế trong tháng 9, có 3 hãng hàng không đã khảo sát thị trường bay quốc tế. Theo ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, việc mở thêm chuyến bay quốc tế sẽ đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, du khách, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hiện tốc độ tăng trưởng du khách đến Bình Định đạt trên 15%/năm, hơn 4 triệu khách du lịch/năm, là điều kiện thuận lợi để mở các chuyến bay quốc tế.

Sân bay quốc tế Đà Nẵng đang khai thác 31 đường bay quốc tế và 11 đường bay nội địa. Dự kiến, trong nửa cuối năm, có thêm 4 đường bay tới Đài Loan, Indonesia, Hàn Quốc, Trung Quốc sẽ được đưa vào khai thác. Tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tiến hành bàn giao mặt bằng cho Cảng vụ Hàng không Miền Trung để nâng cấp, mở rộng sân bay quốc tế Phú Bài với tổng vốn đầu tư khoảng 2.200 tỉ đồng, đón 5 triệu lượt khách/năm.

Tạo xung lực cho miền Trung cất cánh: Bệ phóng hàng không, du lịch - Ảnh 1.

Điểm đến Kỳ Co (tỉnh Bình Định) luôn thu hút du khách bởi vẻ đẹp hoang sơ, kỳ bí Ảnh: ANH TÚ

Không chỉ chủ động mở rộng sân bay, xin chủ trương nâng cấp lên sân bay quốc tế, các địa phương còn kêu gọi doanh nghiệp đến đầu tư, kích cầu du lịch. Công ty Du lịch Vietravel đang xúc tiến mở Hãng hàng không Vietravel Airlines, trụ sở tại TP Huế. Ông Lê Hữu Minh, quyền Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế, khẳng định với việc nhiều hãng máy bay mở văn phòng đại diện, hội sở tại Huế và khai thác đường bay đến địa phương này sẽ tăng cơ hội thu hút du khách. Tỉnh Quảng Bình cũng vừa đề xuất xin nâng cấp và mở đường bay quốc tế đến sân bay Đồng Hới trước sự gia tăng mạnh khách quốc tế tới điểm đến này.

Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết cũng đang kiến nghị các bộ, ngành sớm tháo gỡ khó khăn trong việc đầu tư phát triển sân bay Chu Lai. Theo quy hoạch, đến năm 2030, sân bay Chu Lai sẽ thành trung tâm vận chuyển, dịch vụ hàng không quy mô lớn nhất khu vực, được định hướng phát triển Chu Lai thành sân bay quốc tế với tần suất 5 triệu khách/năm và 4,1 triệu tấn hàng hóa/năm. Sân bay quốc tế Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) đang đón lượng máy bay đi và đến ở mức kỷ lục. Trong tháng 7, lượng chuyến bay đi đến sân bay này tăng mạnh, có ngày có tới 79 chuyến quốc nội và 107 chuyến quốc tế. Dự kiến trong năm nay, sân bay này đón tới 10 triệu lượt khách.

Theo đại diện Vietnam Airlines, việc khai thác và phát triển đường bay tới những địa phương ở miền Trung đã tạo điều kiện cho du khách trong nước và quốc tế có cơ hội khám phá những vùng biển xinh đẹp của Việt Nam thuận tiện và dễ dàng. "Trong định hướng phát triển của hãng, vùng duyên hải miền Trung vẫn tiếp tục được xác định là khu vực quan trọng và còn nhiều tiềm năng khai thác. Vietnam Airlines, Jetstar và Vasco đang tiếp tục nghiên cứu mở mới thêm nhiều đường bay trong nước và quốc tế, tăng tần suất đường bay đến và đi từ khu vực duyên hải miền Trung trên cơ sở cân đối nhu cầu thị trường và hiệu quả khai thác của hãng" - vị này chia sẻ.

Đánh thức những điểm đến

Theo các chuyên gia, hàng không được xem là một động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng du lịch vùng duyên hải miền Trung, như thời gian qua Đà Nẵng trở thành điểm đến hấp dẫn là do những chính sách cởi mở hơn về hàng không…

Sự bùng nổ của hàng không, du lịch cũng khiến nhiều vùng đất thay đổi. Ông Phan Xuân Anh nhìn nhận hơn 20 năm theo ngành du lịch, đi đến nhiều vùng đất, ông cũng ngạc nhiên về sự thay đổi nhờ bệ phóng của hàng không, du lịch. "Du lịch đã mang bộ mặt thật sự trẻ trung, mới mẻ cho dải đất miền Trung. Nhiều người khá lên nhờ làm du lịch, nhất là ở những nơi vốn chỉ có lợi thế về tài nguyên văn hóa, di sản…" - ông Phan Xuân Anh nói. Gần đây, tỉnh Bình Định đã trở thành điểm đến hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước. Vào mùa hè, hầu hết các điểm du lịch ở Bình Định, đặc biệt là các bãi tắm, eo biển như Kỳ Co, Eo Gió... luôn kín khách. Du lịch Bình Định "sốt" thời gian qua khi địa phương này là một trong số điểm hiếm hoi giữ gìn được những nét hoang sơ, mộc mạc của biển đảo. Du khách đến với Bình Định chủ yếu mong muốn được tận hưởng cảm giác yên bình, sạch đẹp, thiên nhiên hùng vĩ và các món ăn phong phú với chi phí hợp lý. Nằm ở ngoại ô, cách trung tâm TP Quy Nhơn chừng 25 km, địa danh Eo Gió (thuộc xã Nhơn Lý) được xem là nơi có hoàng hôn đẹp nhất Việt Nam. Bất kỳ ai đến Eo Gió lần đầu đều không khỏi ngỡ ngàng, hay bãi tắm Kỳ Co có một vẻ đẹp hoang sơ; Bảo tàng Quang Trung luôn là điểm đến yêu thích của du khách...

Dưới góc nhìn của doanh nghiệp lữ hành, sự phát triển của du lịch đã khiến nhiều vùng đất thay đổi không chỉ về kinh tế, xã hội mà cả thái độ làm du lịch, phục vụ du khách theo hướng chuyên nghiệp, bài bản hơn. "Những điểm đến như Eo Gió, Kỳ Co trước đây không ai biết, đi lại khó khăn nhưng chính nhờ đầu tư mạnh về du lịch đã thu hút lượng lớn du khách nội địa và quốc tế. Thậm chí, khi du lịch khởi sắc thì những làng nghề truyền thống cũng hồi sinh" - ông Phan Xuân Anh dẫn chứng.

Ông Hoàng Đăng Quang, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình, cho biết chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh là du lịch, thu hút khách quốc tế. Đã có nhiều nhà đầu tư tham gia đầu tư lĩnh vực du lịch, dịch vụ trên địa bàn, trong đó chỉ riêng Tập đoàn FLC đã có nhiều công trình, dự án khu nghỉ dưỡng, sân golf… Theo ông Hồ An Phong, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình, địa phương rất chú trọng công tác quảng bá, xúc tiến và nâng cao chất lượng du lịch để phát triển bền vững. Sân bay Đồng Hới trong tương lai sẽ được nâng cấp trở thành sân bay quốc tế; các tuyến đường bộ, đường sắt cũng được quan tâm phát triển.

Sở hữu 2 di sản văn hóa thế giới Hội An, Mỹ Sơn và nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, nhiều năm nay tỉnh Quảng Nam nổi lên là một điểm sáng trên bản đồ du lịch khu vực. Để tạo chỗ đứng trên thị trường, gần đây, địa phương này cũng nỗ lực đầu tư nhiều sản phẩm du lịch mới như sô diễn "Ký ức Hội An", khu nghỉ dưỡng và vui chơi Nam Hội An...

Xác định du lịch là ngành mũi nhọn trong phát triển kinh tế, tỉnh Quảng Ngãi cũng đã nâng tầm cho các điểm đến như huyện đảo Lý Sơn, đầu tư và phát huy những lợi thế của các điểm danh lam thắng cảnh trên đảo. Hiện huyện đảo này tiếp tục kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, nâng cao chất lượng các cơ sở lưu trú, bảo vệ và tôn tạo các di tích lịch sử...

Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa, cho biết với những ưu thế bậc nhất của cả nước, dự kiến năm 2019, tỉnh sẽ đón trên 7 triệu lượt khách, tổng doanh thu du lịch đạt 22.500 tỉ đồng. Khánh Hòa hiện là địa phương thu hút nhiều tập đoàn du lịch có tiếng của thế giới đầu tư. Trong đó, khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh được Chính phủ định hướng phát triển là khu du lịch quốc gia, được hàng loạt tập đoàn du lịch nổi tiếng trong nước và thế giới đầu tư. 

Thay đổi cách làm du lịch

Theo một số chuyên gia du lịch, điểm cộng của nhiều địa phương ở miền Trung gần đây là sự thay đổi trong cách làm du lịch, chủ động đào tạo kiến thức, kỹ năng để chuyên nghiệp hóa du lịch. Du lịch trước đây mang tính mùa vụ dịp lễ Tết thì nay, mùa này đón khách nội địa, mùa kia đón khách quốc tế, giúp đời sống người dân địa phương khá lên. Sự cạnh tranh giữa các điểm đến, sức hút từ du lịch giúp cơ sở hạ tầng được cải thiện, phát triển, chất lượng tăng lên và du khách cũng tới nhiều hơn. Có điều, muốn đi xa, lâu dài phải tính đến yếu tố bền vững. Có vậy mới thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.

NHÓM PHÓNG VIÊN - (nld.com.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)

Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu