Theo Chủ tịch Tập đoàn Hoá chất Việt Nam, ông Nguyễn Phú Cường, chủ trương của Đảng và Nhà nước giảm giá phân bón cho nông dân thông qua việc giảm thuế đối với phân bón là đúng. Tuy nhiên, Luật thuế 71/2014/QH13 lại xem mặt hàng phân bón là đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng đã nảy sinh những bất cập: Thứ nhất, do mặt hàng phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT nên không được khấu trừ thuế GTGT của nguyên vật liệu, dịch vụ dùng cho sản xuất phân bón, làm chi phí sản xuất phân bón trong nước tăng lên, doanh nghiệp phải tính phần thuế GTGT không được khấu trừ này vào chi phí giá thành sản phẩm để xây dựng giá bán nên không giảm được giá bán cho người nông dân.
Thứ hai, chi phí sản xuất phân bón trong nước tăng, gây bất lợi trong cạnh tranh thị trường với phân bón nhập khẩu, đặc biệt phân bón nhập từ Trung Quốc không phải chịu thuế GTGT, giá bán giảm 5%. Trong khi theo chính sách khuyến khích xuất khẩu của các nước, thuế suất xuất khẩu phân bón là 0%, sản phẩm phân bón được khấu trừ toàn bộ thuế GTGT cho nguyên vật liệu, dịch vụ sản xuất.
Do vậy phân bón nhập khẩu có lợi thế cạnh tranh về giá thành, dẫn đến nhập khẩu tăng làm gia tăng nhập siêu, khiến sản xuất phân bón trong nước phải thu hẹp quy mô, sản lượng phân bón sản xuất trong nước sẽ không đủ để giúp Nhà nước điều tiết và quản lý giá khi giá phân bón thế giới biến động tăng, nông dân sẽ phải mua phân bón với giá đắt, thiệt hại thuộc về Nhà nước, doanh nghiệp và người nông dân.
Phân bón Bình Điền là một trong những đơn vị gặp khó khăn về cạnh tranh trong nước vì phân bón nhập khẩu được ưu tiên hơn
Trước khi áp dụng Luật số 71/2014/QH13, phân bón là mặt hàng chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) với mức thuế suất là 5%. Trừ nguyên liệu như quặng apatit cho sản xuất phân bón chứa lân, phân bón đơn cho sản xuất phân NPK thì các nguyên vật liệu, năng lượng, chi phí khác như than, điện, cước vận chuyển, bao bì… có thuế suất thuế GTGT là 10%. Các doanh nghiệp sản xuất phân bón được khấu trừ phần thuế GTGT của nguyên vật liệu, chi phí đầu vào, nhiều doanh nghiệp được hoàn thuế GTGT do các nguyên liệu, chi phí đầu vào có thuế suất 10% chiếm tỷ trọng lớn, thuế GTGT đầu vào cao hơn thuế GTGT đầu ra.
Khi áp dụng Luật số 71/2014/QH13, sản phẩm phân bón không được khấu trừ thuế GTGT của nguyên vật liệu, chi phí đầu vào. Toàn bộ số thuế GTGT đầu vào cho sản xuất sản phẩm phân bón trong nước phải tính vào chi phí sản xuất kinh doanh, làm giá thành sản phẩm tăng thêm 6-8% (tùy từng loại phân bón). Điều đó dẫn tới chi phí tăng, giá thành sản phẩm phân bón tăng làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước với phân bón nhập khẩu, đặc biệt là các phân bón được sản xuất từ nguyên vật liệu nguyên khai trong nước (apatit, than, secpentin…) như phân lân, phân đạm, phân DAP. Các đơn vị nhập khẩu phân bón thường được hưởng lợi từ chính sách khuyến khích xuất khẩu tại các nước xuất khẩu, thuế suất thuế GTGT hàng xuất khẩu là 0% và không chịu thuế GTGT đầu ra theo luật số 71/2014/QH13 nên có lợi thế rất lớn cạnh tranh với phân bón sản xuất trong nước.
Ông Ngô Văn Đông, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần phân bón Bình Điền (thành viên của Tập đoàn Hoá chất) đánh giá: “Do lượng phân bón nhập khẩu tăng mạnh làm cho sản xuất phân bón trong nước gặp khó khăn, quy mô sản xuất bị thu hẹp, ảnh hưởng việc làm và thu nhập của người lao động, không thực hiện được chủ trương của Đảng và Nhà nước về xây dựng và phát triển ngành sản xuất phân bón chủ động phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và chủ trương đầu tư chế biến sâu các loại khoáng sản trong nước (apatit, than, secpentin…). Về lâu dài, sự lệ thuộc vào phân bón nhập khẩu không thể đảm bảo phát triển nền nông nghiệp bền vững, ảnh hưởng đến mối quan hệ công nghiệp - nông nghiệp - nông dân và nông thôn”.
PHAN NAM - (sggp.org.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)