Thứ tư, 11/07/2018,09:50 (GMT+7)
Taxi truyền thống lại "đấu" Grab
Hiệp hội taxi ba miền muốn được các bộ, ngành cắt giảm thủ tục, giảm phí để có thể giảm giá cước, đủ sức cạnh tranh với taxi công nghệ

Cả ba hiệp hội taxi Hà Nội, TP HCM và Đà Nẵng vừa cùng ký các văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế về các vấn đề liên quan đến hoạt động taxi truyền thống với taxi công nghệ.

So kè mọi mặt

Trong văn bản gửi Bộ GTVT, các hiệp hội đề nghị chấm dứt việc ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh của Công ty TNHH GrabTaxi với các đơn vị kinh doanh vận tải taxi. Theo các văn bản này, Grab đã và đang trở thành một đơn vị kinh doanh taxi khó kiểm soát. Theo Quyết định số 24/QĐ-BGTVT chỉ cho phép thí điểm tại 5 tỉnh, thành phố lớn (TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Ninh), tuy nhiên trong thời gian qua, Grab đã và đang hoạt động thiếu kiểm soát, liên tiếp vi phạm pháp luật, có biểu hiện coi thường pháp luật như Grabshare, hoạt động tràn lan ở những nơi chưa được phép hoạt động.

Grab hoạt động như taxi nhưng lại tự nhận mình là đơn vị cung cấp phần mềm, kinh doanh vận tải dưới hình thức hợp đồng điện tử khiến Grab có nhiều thuận lợi hơn đối với hoạt động kinh doanh vận tải bằng taxi, tạo ra môi trường cạnh tranh bất bình đẳng quá lớn khiến các hãng taxi truyền thống lâm vào khó khăn.

Theo ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP HCM, trong lúc nhà nước đang tìm giải pháp cũng như xây dựng Nghị định 86 để quản lý kinh doanh taxi công nghệ thì Grab tiếp tục chiêu mộ, ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh với các đơn vị kinh doanh vận tải taxi dẫn đến thao túng thị trường.

Do đó, các hiệp hội taxi kiến nghị Bộ GTVT có biện pháp phù hợp chấm dứt việc ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh của Grab với các hãng taxi truyền thống. Theo quy định, một xe được cấp phù hiệu taxi thì không thể đồng thời có phù hiệu xe hợp đồng. Bộ cần có văn bản hướng dẫn và định danh Grab là loại hình kinh doanh vận tải taxi, chịu khung pháp lý như taxi để tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng.

Các hiệp hội còn kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông về việc đăng ký giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện cho các doanh nghiệp kinh doanh vận tải bằng hình thức taxi. Theo đó, cho phép các hiệp hội tăng thời hạn giấy phép cục tần số vô tuyến điện từ 24 tháng đến 60 tháng thay vì 12 tháng như hiện nay. Bên cạnh đó, cho phép giảm phí thuê tần số từ 20 triệu xuống 10 triệu đồng/tần số/năm.

Đối với kiến nghị với Bộ Khoa học và Công nghệ, ông Tạ Long Hỷ cho rằng các hãng taxi truyền thống lâu nay phải tuân thủ việc kiểm định đồng hồ tính tiền taximet hằng năm, trong khi Grab tính tiền trên thiết bị Google map của điện thoại di động không thể chính xác 100% nhưng vẫn được chấp thuận và không phải kiểm định. Đây là bất công vì với các hãng taxi truyền thống, việc kiểm định này bị bắt buộc mỗi năm một lần vừa tốn kém vừa mất thời gian. Do đó, các hiệp hội đề nghị việc kiểm định này là hai năm một lần.

Đối với kiến nghị với Bộ Y tế về việc áp dụng thời hạn đối với giấy khám sức khỏe của lái xe taxi, theo ông Hỷ thì quy định khám sức khỏe đối với tài xế taxi là 6 tháng/lần cũng gây thiệt hại quá lớn cho doanh nghiệp taxi, trong khi hàng trăm ngàn tài xế của Grab lại không bị bắt buộc bởi quy định này. Do đó, các hiệp hội đề nghị Bộ Y tế tăng thời hạn khám sức khỏe lên 12 tháng/lần.

Taxi truyền thống lại đấu Grab - Ảnh 1.

Taxi truyền thống muốn được giảm nhiều thủ tục, phí để có thể hạ giá cước, cạnh tranh với GrabTaxi Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Grab: Đủ điều kiện triển khai cả nước

Trong khi đó, theo Công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam (Grab Việt Nam), trước động thái trên của 3 hiệp hội taxi, hiện đơn vị này chưa có bình luận. Tuy nhiên, Grab Việt Nam khẳng định với dịch vụ GrabTaxi, theo hướng dẫn của Bộ GTVT, dịch vụ này có thể triển khai tại tất cả tỉnh, thành sau khi đã ký hợp đồng kinh doanh với các đơn vị kinh doanh vận tải taxi đã được sở GTVT địa phương cấp phép. Grab Việt Nam cũng khẳng định dịch vụ GrabTaxi không can thiệp vào giá cước cũng như cách vận hành, quản lý xe, tài xế của các đơn vị hoạt động taxi.

Đại diện Grab Việt Nam cho rằng GrabTaxi là một trong những dịch vụ được tích hợp trong ứng dụng Grab, đã đăng ký với Bộ Công Thương, là ứng dụng sàn giao dịch thương mại điện tử, có phạm vi hoạt động trên toàn quốc. "GrabTaxi không như dịch vụ Grabcar - dịch vụ thí điểm xe hợp đồng điện tử, có phạm vi thí điểm tại 5 tỉnh, TP là TP HCM, Hà Nội, Quảng Ninh, Khánh Hòa và Đà Nẵng. Vì vậy, GrabTaxi có thể triển khai ở bất cứ địa phương nào" - đại diện Grab Việt Nam nói. 

Sẽ không để xảy ra ưu ái, phân biệt

Ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, nhận định đề xuất của hiệp hội taxi 3 miền là đề xuất gửi lên các cơ quan quản lý ngành, trong đó có Bộ GTVT. Vì vậy, việc xử lý đề xuất sẽ thuộc thẩm quyền của các cơ quan quản lý ngành. "Trong quá trình xử lý các đề xuất đó của cơ quan quản lý ngành vận tải, nếu có vi phạm hoặc có dấu hiệu ưu ái, phân biệt (vi phạm điều 6 Luật Cạnh tranh) thì Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng sẽ có ý kiến" - ông Tuấn nói.

Ông Tuấn cho biết liên quan đến việc Grab thâu tóm Uber, từ đó có thể dẫn đến thống lĩnh thị trường, hiện Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đang tiến hành khảo sát theo quyết định của Bộ Công Thương. Hiện chưa có kết luận cuối cùng.

Một cán bộ thuộc Bộ Công Thương chia sẻ: "Đứng về góc độ người tiêu dùng, tôi cho rằng nên đa dạng hóa dịch vụ cho người dân lựa chọn, không nên hạn chế, gò ép. Nhiều dịch vụ, nhiều nhà cung cấp, giá rẻ thì chắc chắn sẽ được ủng hộ. Điều quan trọng là quản lý tốt, đưa vào khuôn khổ, kiểm soát việc chấp hành pháp luật về thuế và pháp luật cạnh tranh".

Ph.Nhung

Taxi truyền thống cũng muốn mạnh tay giảm cước

Ông Võ Thành Nhân, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Đà Nẵng, cho biết với các kiến nghị trên, các doanh nghiệp taxi mong muốn giảm chi phí để tiến tới giảm cước để cạnh tranh với taxi công nghệ.

Theo ông Nhân, hiện nay nhiều doanh nghiệp taxi lao đao, thậm chí bên bờ vực sắp giải thể vì "cuộc đua" với Grab. "Trong khi các doanh nghiệp taxi truyền thống phải gánh nhiều chi phí thì Grab ít tốn chi phí nên giá cước cạnh tranh hơn nhiều. Chính vì thế, hiệp hội kiến nghị các bộ quan tâm, bỏ bớt chi phí nhằm giúp doanh nghiệp có thể mạnh tay hạ giá cước" - ông Nhân nói.

B.Vân

Nguồn: NGUYỄN HẢI - GIA MINH - (nld.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu