Thứ ba, 12/05/2020,09:01 (GMT+7)
Thành công với mô hình nuôi trồng đông trùng hạ thảo
Mô hình nuôi đông trùng hạ thảo (nấm nhộng tằm thảo) kiểm soát bằng điện thoại thông minh của anh Nguyễn Hùng Sinh (ngụ ấp Bắc Thạnh, xã Thoại Giang, Thoại Sơn)là một trong những đột phá trong sản xuất nông nghiệp mang lại giá trị kinh tế cao.
 
Với mong muốn phát triển kinh tế trên chính mảnh đất quê hương, anh Nguyễn Hùng Sinh đã mạnh dạn đầu tư các mô hình phát triển sản xuất nấm và hơn 9 năm nay anh đã thành công với mô hình nấm linh chi. Không dừng lại ở đó, năm 2018 anh Sinh tiếp tục đầu tư thực hiện mô hình nuôi nấm đông trùng hạ thảo nhân tạo với sự giới thiệu và chuyển giao công nghệ từ Viện Nghiên cứu và Phát triển công nghệ sinh học (TP. Cần Thơ). 
 
Khi biết đây là sản phẩm hỗ trợ sức khỏe con người, được thị trường ưa chuộng những năm trở lại đây, anh Hùng Sinh đã nghiên cứu, xây dựng mô hình nuôi nấm đông trùng hạ thảo được khoảng 2 năm nay. Mô hình này được huyện Thoại Sơn hỗ trợ kinh phí 120 triệu đồng từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Nhiều địa phương đã lựa chọn xây dựng mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân. Thêm vốn đối ứng của gia đình (80 triệu đồng), anh Sinh đã hoàn thiện nhà nuôi đông trùng hạ thảo.
 
Đông trùng hạ thảo tươi
 
Hiện, anh Sinh đang thực hiện quy mô phòng nuôi nấm 9m2, với 1.000 lọ phôi nấm đông trùng hạ thảo. Thời gian nuôi đến thu hoạch khoảng 2,5 tháng. Trung bình 1 đợt thu hoạch, anh Sinh thu được 1,5kg nấm thành phẩm đã sấy khô (bằng công nghệ sấy lạnh). Thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật, loại nấm này có thể nuôi được 3 đợt/năm. Được 1 công ty đặt hàng bao tiêu đầu ra sản phẩm nên sau khi trừ chi phí, anh Sinh thu lợi nhuận hơn 30 triệu đồng/ đợt nuôi. Với nguồn thu này, khoảng 1,5 năm, anh Sinh đã thu hồi vốn đầu tư ban đầu. Nấm đông trùng hạ thảo được sấy lạnh để đảm bảo màu sắc và chất lượng sản phẩm, trước khi được đóng gói, thiết kế nhãn mác, bao bì, cũng như tạo ra các sản phẩm có liên quan như rượu đông trùng hạ thảo. “Kỹ thuật nuôi trồng đông trùng hạ thảo phức tạp. Nấm dễ bị thoái hóa, nhiễm mốc, nhiễm vi sinh vật gây hại… khiến người nuôi thất bại. Vì vậy, việc nắm vững các kiến thức cũng như kỹ thuật nuôi trồng loại nấm quý này là điều rất quan trọng” - anh Nguyễn Hùng Sinh chia sẻ.
 
Đây là mô hình nuôi nấm đông trùng hạ thảo đầu tiên trong huyện Thoại Sơn, cho thấy sự mạnh dạn dám nghĩ dám làm của người thực hiện. Bởi chi phí đầu tư nuôi nấm đông trùng hạ thảo khá cao, đây lại là loại thảo dược rất khó nuôi, môi trường sống phải rất thuận lợi thì nấm mới phát triển. Anh Sinh cho biết: “Với loại nấm Đông trùng hạ thảo, khi lấy phôi nấm về phải được nuôi dưỡng trong môi trường từ 18–200­C, ẩm độ 80 – 85%, phải đủ ánh sáng từ 500 – 1000 plus. Vì vậy, chỉ riêng nhà nuôi nấm tôi đã đầu tư hơn 200 triệu đồng. Mặc dù việc nuôi nấm được thực hiện trong phòng tự động có thể kiểm soát bằng điện thoại thông minh, tuy nhiên đòi hỏi người nuôi phải có nhiều kinh nghiệm trong việc ứng dụng khoa học - công nghệ vào việc nuôi nấm, theo dõi chăm sóc nấm thật kỹ để tránh tình trạng nấm không phát triển. Một vấn đề quan trọng nữa là phải tìm đầu ra ổn định, có uy tín cho sản phẩm để có thể thu lợi nhuận và giúp mô hình phát triển bền vững.”
 
Anh Hùng Sinh với thành phẩm Đông trùng hạ thảo sau khi được sấy, đóng gói
 
Theo đó, để nấm phát triển tốt, đảm bảo chất lượng cần chú ý nguồn nguyên liệu để thực hiện nuôi trồng phải sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm và không có chất độc hại như: gạo lứt, nhộng tằm và một số chất dinh dưỡng khác. Điều kiện nuôi cấy luôn phải đảm bảo về nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng. Khi thu hoạch đông trùng hạ thảo có màu vàng sậm, sợi đều. Có thể nói, công nghệ chủ lực để tạo ra đông trùng hạ thảo là giống và môi trường sống đông trùng hạ thảo có rất nhiều tác dụng như: hỗ trợ điều trị các bệnh ung thư, các bệnh liên quan đến tim, phổi, huyết áp, bồi bổ sức khỏe sau đau ốm... nên được thị trường rất tin dùng, đón nhận. Thường 15kg đông trùng hạ thảo tươi, sau khi áp dụng phương pháp sấy công nghệ cao, anh Sinh thu về 1,5kg đông trùng hạ thảo khô. Giá thành loại sản phẩm này khá cao, 50 triệu đồng/kg. Hiện, anh Sinh chỉ nuôi trồng đủ số lượng thành phẩm 1,5kg theo nhu cầu của công ty bao tiêu.
 
 Mô hình ứng dụng công nghệ cao là hướng đi đúng đắn trong giai đoạn hiện nay của sản xuất nông nghiệp. Trong bối cảnh cạnh tranh, hội nhập, người nông dân biết ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất sẽ mang lại hiệu quả rất to lớn, đủ sức cạnh tranh với thị trường. Thành công với cả 2 mô hình công nghệ cao: nuôi trồng nấm linh chi và đông trùng hạ thảo nhưng anh Sinh không hề “giấu nghề”, mà rất sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với những người có nhu cầu.
 
PHƯƠNG LAN - (baoangiang.com.vn)
T/h: Nhi - (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu