Thứ sáu, 17/03/2023,10:02 (GMT+7)
Thanh tra Chính phủ đề nghị kỷ luật một nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau
Người nhà nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã sở hữu cổ phần của Công ty Cổ phần Dịch vụ - Thương mại Cà Mau trong thời điểm vị này có thẩm quyền trong việc cổ phần hóa.
 
Tối 16-3, theo nguồn tin của phóng viên Báo Người Lao Động, trong báo cáo của Thanh tra Chính phủ về việc kiểm tra, xác minh và đề xuất hướng xử lý nội dung phản ánh, kiến nghị của tập thể cán bộ hưu trí tỉnh Cà Mau đề nghị việc cổ phần hoá, chuyển nhượng cổ phần cho người nhà một nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh không đúng quy định của pháp luật tại Công ty Cổ phần Dịch vụ - Thương mại Cà Mau.
 
Theo Thanh tra Chính phủ, qua kiểm tra, xác minh cho thấy nội dung phản ánh, kiến nghị trên là đúng.
 
Cụ thể, việc cổ phần hóa Công ty Dịch vụ - Thương mại Cà Mau được thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định tại Nghị định 109/2007/NĐ-CP và Nghị định 59/2011/NĐ-CP của Chính phủ về việc chuyển đổi doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần.
 
Sau đó, ông Dương Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau (thời điểm đó) phê duyệt phương án xử lý nợ gắn với tái cơ cấu doanh nghiệp chuyển Công ty Dịch vụ - Thương mại Cà Mau thành công ty cổ phần. Theo đó, vốn điều lệ là 25 tỉ đồng, số lượng cổ phần phát hành lần đầu là 2,5 triệu cổ phần (mệnh giá cổ phần là 10.000 đồng loại cổ phần phổ thông); nhà đầu tư chiến lược là Công ty CP Tập đoàn Intimex, với phương thức bán cổ phần bằng thỏa thuận góp vốn.
 
Cụ thể: Công ty Mua bán nợ và Tài sản tồn đọng của doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính, với 1.848.000 cổ phần, tương đương 73,92% tỷ lệ vốn góp (chuyển nợ thành vốn góp theo tỷ lệ 1:1); Công ty CP Tập đoàn Intimex, với 625.000 cổ phần, tương đương 25% tỷ lệ vốn góp (góp bằng tiền mặt); cán bộ, công nhân viên của công ty, với 27.000 cổ phần, tương đương 1,08% tỷ lệ vốn góp (góp bằng tiền mặt).
 
Công ty Dịch vụ - Thương mại Cà Mau được chuyển thành Công ty Cổ phần Dịch vụ - Thương mại Cà Mau và bắt đầu đi vào hoạt động vào ngày 1-1-2013.
 
Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra việc UBND tỉnh Cà Mau không ràng buộc trách nhiệm nhà đầu tư chiến lược theo quy định của pháp luật đã vi phạm về việc chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần, dẫn đến sau hơn một năm Công ty CP dịch vụ - thương mại Cà Mau đi vào hoạt động, Công ty CP Tập đoàn Intimex đã chuyến nhượng toàn bộ 625.000 cổ phần cho ông Trần Văn Đàm (em rể ông Dương Tiến Dũng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau). 
Ông Dũng thời điểm này là người phê duyệt phương án xử lý nợ gắn với tái cơ cấu doanh nghiệp chuyển Công ty dịch vụ - thương mại Cà Mau thành công ty cổ phần.
 
Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ cũng xác định có người nhà ông Dương Tiến Dũng gồm 2 người con ruột (Dương Anh Đào, Dương Dũng Trí) , em vợ (Trần Hồng Nga) và em rể (Trần Văn Đàm) sở hữu cổ phần của Công ty Cổ phần dịch vụ - thương mại Cà Mau từ tháng 7-2014 đến tháng 1-2018.
 
Việc sở hữu cổ phần này xuất phát từ việc nhận chuyển nhượng cổ phần của tổ chức, cá nhân khác, không phải được quyền sở hữu từ phương án xử lý nợ gắn với tái cơ cấu doanh nghiệp chuyển Công ty Dịch vụ - Thương mại Cà Mau thành công ty cổ phần mà Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau phê duyệt. Người ký trực tiếp là ông Dương Tiến Dũng.
 
Như vậy, việc cổ phần hóa Công ty Dịch vụ - Thương mại Cà Mau chưa được thực hiện đúng theo quy định trong việc ràng buộc trách nhiệm của nhà đầu tư chiến lược, dẫn đến việc nhà đầu tư chiến lược chuyển nhượng cổ phần trước thời hạn (tối thiểu là 5 năm) cho ông Trần Văn Đàm.
 
Cũng theo báo báo của Thanh tra Chính phủ, người nhà của ông Dương Tiến Dũng sở hữu cổ phần của Công ty Cổ phần dịch vụ - thương mại Cà Mau trong thời điểm vừa kết thúc quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp mà ông Dương Tiến Dũng là người có thẩm quyền trong việc cổ phần hoá. Do đó, cần tổ chức kiểm điểm, có hình thức xử lý kỷ luật đối với ông Dương Tiến Dũng về những vi phạm như đã nêu.
 
Vân Du - H.A (nld.com.vn)
 
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu