Thứ ba, 30/07/2019,08:16 (GMT+7)
Thêm kênh tiêu thụ nông sản an toàn cho nông dân
Để ổn định đầu ra, mở rộng thị trường tiêu thụ cho nông sản của địa phương, Sở Công thương đã tổ chức buổi làm việc giữa các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác, các doanh nghiệp và đơn vị sản xuất rau, củ, quả an toàn trên địa bàn tỉnh. Hoạt động này giúp bà con nông dân tiếp cận thêm kênh tiêu thụ nông sản mới; đây còn là bước đi quan trọng nhằm hướng đến mục tiêu sản xuất an toàn, cung ứng sản phẩm chất lượng cho người tiêu dùng.

Mở rộng thị trường

Bách Hóa Xanh là chuỗi siêu thị mi-ni chuyên bán thực phẩm tươi sống và nhu yếu phẩm của Công ty Cổ phần Thế giới di động. Bách Hóa Xanh có mặt tại thị trường An Giang vào ngày 23-5-2019. Trong tháng 8 sẽ khai trương thêm 9 cửa hàng và dự kiến sẽ đạt 50-70 cửa hàng đến cuối năm nay.

Nhằm chủ động nguồn hàng hóa chất lượng, thường xuyên, đảm bảo an toàn thực phẩm để cung cấp cho người tiêu dùng, đồng thời hỗ trợ nông dân trong việc ổn định đầu ra, mở rộng thị trường để chủ động kế hoạch sản xuất - kinh doanh… Bách Hóa Xanh đã tham gia buổi kết nối các đơn vị sản xuất nông sản do Sở Công thương tổ chức, qua đó đã trao đổi với đại diện các HTX, tổ hợp tác, các doanh nghiệp trong tỉnh về việc hợp tác mua bán với Bách Hóa Xanh và hiện đang tiến hành gặp gỡ trực tiếp với các đơn vị, để đưa nguồn hàng của địa phương vào kinh doanh tại hệ thống các cửa hàng của Bách Hóa Xanh ở An Giang.

Nông sản an toàn của nông dân có thêm kênh tiêu thụ mới

Theo ông Đặng Thanh Phong, Trưởng phòng Truyền thông Công ty Cổ phần Thế giới di động, tham gia vào hệ thống cửa hàng, nông dân sẽ được bảo đảm đầu ra ổn định, xuyên suốt trong năm để nông dân yên tâm sản xuất, giá cả được thỏa thuận phù hợp giữa 2 bên; ngoài ra, nông dân còn được hỗ trợ vay vốn để duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh. Tuy nhiên, để nông sản được vào hệ thống cửa hàng, bà con nông dân cần phải có thời gian cách ly thuốc trước khi thu hoạch, bắt buộc phải mang sản phẩm đi kiểm nghiệm nhằm bảo đảm không bị dư lượng thuốc trừ sâu. Đồng thời, nông dân phải có trách nhiệm cung cấp đủ số lượng hàng hóa đã đăng ký, chịu trách nhiệm về chất lượng do mình sản xuất.

Nhiều tín hiệu khả quan

Việc đưa nông sản vào hệ thống các siêu thị trên địa bàn tỉnh nói chung, cửa hàng Bách Hóa Xanh nói riêng là hết sức cần thiết, nhằm tạo đầu ra ổn định cho hàng nông sản. Từng bước xây dựng thương hiệu hàng nông sản, mở rộng thị trường tiêu thụ để người tiêu dùng biết đến nhiều hơn, từ đó sẽ mở rộng được khách hàng, nâng cao sức cạnh tranh của hàng nông sản.

Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX rau an toàn Kiến An (xã Kiến An, Chợ Mới) Nguyễn Văn Minh đánh giá cao hiệu quả khi tham gia vào chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh. “Bất cứ nhà sản xuất nào khi làm ra sản phẩm cũng muốn đưa hàng hóa đến nhiều kênh phân phối, tiếp cận được nhiều người tiêu dùng để tăng doanh số. Do đó, chúng tôi mong muốn nông sản được đưa vào hệ thống cửa hàng để mở rộng sản xuất, nâng cao thu nhập cho các thành viên trong HTX. Hiện nay, HTX rau an toàn Kiến An đang quản lý diện tích đất khoảng 80ha, canh tác trên 10 loại rau màu. Thời gian qua, sản phẩm của chúng tôi được bán cho thương lái, đầu mối là chủ yếu; chỉ một số lượng ít (khoảng 120-150kg) được bán vào hệ thống Siêu thị Mega Market. Do đó, nếu đưa được hàng nông sản vào hệ thống cửa hàng Bách Hóa Xanh là tín hiệu vui đối với chúng tôi” - ông Minh chia sẻ.

Việc đưa nông sản an toàn vào hệ thống Bách Hóa Xanh sẽ giúp cho nông dân mở rộng sản xuất, tăng thu nhập

Ông Minh còn cho biết thêm, một trong những điểm thuận lợi khi bán hàng cho cửa hàng Bách Hóa Xanh đó là nông sản của nông dân không cần phải có chứng nhận VietGAP. “Nhiều siêu thị, cửa hàng nông sản yêu cầu sản phẩm phải có chứng nhận VietGAP. Tuy nhiên, nếu làm thủ tục cấp lại chứng nhận HTX phải nộp mức phí gần 20 triệu đồng và chỉ có giá trị trong vòng 2 năm. Đây là rào cản lớn đối với chúng tôi khi muốn đưa sản phẩm vào các siêu thị lớn trong tỉnh” - ông Minh tâm sự.

Cùng quan điểm, ông Phạm Đình Luyến (Chủ cơ sở sản xuất gạo sạch ở khóm Bình Đức 2, phường Bình Đức, TP. Long Xuyên) cho biết, nếu đưa được nông sản vào hệ thống cửa hàng Bách Hóa Xanh, nông dân sẽ không còn phụ thuộc nhiều vào thương lái như hiện nay.

Tuy nhiên, nông dân vẫn còn nhiều băn khoăn trước những chính sách thu mua của Bách Hóa Xanh. Cụ thể là giá thu mua nguyên liệu ở từng thời điểm; sản lượng thu mua, địa điểm tập kết… Đó là chưa kể việc bỏ ra chi phí không nhỏ để thực hiện việc kiểm nghiệm để biết sản phẩm có đạt chất lượng đưa vào tiêu thụ ở hệ thống cửa hàng.

ĐỨC TOÀN - (baoangiang.com.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu