Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Bộ GD-ĐT đã tổ chức nghiên cứu, dự thảo các phương án thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH-CĐ) năm 2020. Phương án cuối cùng đã được Thủ tướng cơ bản thống nhất.
Thí sinh nghe phổ biến quy chế thi THPT quốc gia 2019 tại một điểm thi ở TPHCM. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Đến thời điểm này, tiếp thu ý kiến dư luận, sau vài điều chỉnh, phương án tổ chức kỳ thi không có nhiều thay đổi so với năm 2019. Bộ GD-ĐT vẫn tổ chức ra đề thi, xây dựng và cung cấp các phần mềm chấm thi, các thí sinh vẫn dự thi ngay tại địa phương mình. Nội dung thi nằm trong chương trình học sau tinh giản theo tinh thần “học gì thi nấy”. Các bài thi và điểm thi môn thành phần trong các bài thi khoa học tự nhiên và khoa học xã hội về cơ bản vẫn như năm 2019. Điểm khác biệt đáng kể, theo Bộ GD-ĐT, là nội dung thi giới hạn theo chương trình đã tinh giản, độ khó của đề thi giảm, không đánh đố để phù hợp với điều kiện dạy, học trong tình hình dịch bệnh và mục đích chính là xét tốt nghiệp THPT, đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông trên mặt bằng chung của cả nước. Bộ GD-ĐT sẽ sớm công bố đề thi minh họa để có cơ sở tham khảo trước kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020.
Bộ GD-ĐT khẳng định, kỳ thi tốt nghiệp THPT nhằm mục đích đánh giá chất lượng giáo dục sau 12 năm học nên đề thi vẫn có sự phân hóa phù hợp để phân loại đối tượng học sinh giỏi, khá, trung bình, yếu. Tuy phân hóa mức độ khó có giảm nhưng vẫn đảm bảo phân loại học sinh nên các trường ĐH-CĐ có thể sử dụng để tuyển đầu vào. Bộ GD-ĐT cũng đề nghị các trường ĐH-CĐ tính toán thận trọng phương án tuyển sinh, không gây hoang mang, lo lắng cho học sinh.
Đại học linh hoạt xét tuyển
Một vấn đề dư luận quan tâm là việc không còn kỳ thi THPT quốc gia với đề thi phân hóa cao phục vụ công tác xét tuyển ĐH sẽ gây khó cho các trường lựa chọn kết quả thi THPT để xét tuyển cũng như những trường chưa sẵn sàng cho việc tự tổ chức xét tuyển riêng.
Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT cho rằng, trong những năm qua, các cơ sở giáo dục đại học đã đẩy mạnh tự chủ tuyển sinh bằng nhiều phương thức khác nhau. Theo thống kê, 3 năm gần đây, kết quả tuyển sinh của toàn hệ thống có xu hướng giảm dần tỷ trọng trúng tuyển từ sử dụng kết quả kỳ thi THPT, tăng dần tỷ trọng trúng tuyển từ học bạ và các phương thức khác. Cụ thể, số thí sinh trúng tuyển thông qua sử dụng kết quả thi TPHT quốc gia năm 2017 chiếm 81,5%; năm 2018 chiếm 73,6%; năm 2019 là 62,4% trong tổng số thí sinh trúng tuyển. Trong đó, số thí sinh trúng tuyển bằng xét kết quả học bạ năm 2018 chiếm 18%, năm 2019 chiếm gần 30%. Còn lại là các phương thức khác (từ thi đánh giá năng lực, thi năng khiếu, văn hóa, sử dụng chứng chỉ quốc tế…) khoảng 10%. Như vậy, kết quả tuyển sinh ĐH ngày càng có xu hướng giảm dần sự phụ thuộc vào sử dụng kết quả thi THPT, tỷ lệ tuyển sinh từ các phương thức khác ngày càng tăng lên. Ngày càng nhiều cơ sở giáo dục ĐH sử dụng kết hợp các phương thức tuyển sinh, trong đó phương án tự tổ chức thi riêng cũng đã được một số trường nhóm trên xác định và chuẩn bị từ nhiều năm trước.
Câu hỏi đặt ra là việc để các trường tự chủ tuyển sinh liệu có dẫn đến tình trạng “trăm hoa đua nở”, mỗi trường tổ chức một kỳ thi riêng như trước đây dẫn đến nhiều bất cập (như áp lực, tốn kém, học sinh lại kéo về thành phố lớn để dự thi…)? Bộ GD-ĐT khẳng định việc này khó xảy ra. Những năm qua, số trường thi tuyển sinh riêng rất ít, chỉ khoảng 3%-4% tổng số thí sinh trúng tuyển. Năm nay dự đoán số trường tham gia thi tuyển sinh riêng tăng lên nhưng chủ yếu là một số trường nhóm trên, số thí sinh tăng nhưng sẽ không đột biến. Sẽ chỉ có những trường ĐH thuộc nhóm ngành đào tạo đặc thù như: y dược, công an, quân đội hoặc nhóm trường, nhóm ngành năng khiếu nghệ thuật… Ước tính, sẽ có khoảng từ 10% -20% học sinh THPT lựa chọn tham dự các kỳ thi tuyển sinh riêng này.
Bộ GD-ĐT cho rằng, đa phần các cơ sở giáo dục ĐH vẫn có thể sử dụng kết quả thi tốt nghiệp để xét tuyển vào ĐH, đồng thời kết hợp với các phương thức tuyển sinh đa dạng khác mà các trường sẽ đưa ra trong đề án tuyển sinh của mình. Bên cạnh đó, các ĐH quốc gia, ĐH vùng sẽ có xu hướng liên kết lại để tổ chức thi tuyển sinh chung. Do vậy, năm nay sẽ không có quá nhiều trường tổ chức thi; không có nhiều cuộc thi diễn ra nên sẽ không tạo áp lực về luyện thi, thi quá nhiều hay đổ dồn về các khu đô thị lớn.
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc, năm nay, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục hỗ trợ các cơ sở giáo dục ĐH và thí sinh trong công tác tuyển sinh, khâu tổ chức đăng ký xét tuyển, lọc ảo như năm 2019. Với sự hỗ trợ này, thí sinh không phải tốn thời gian, công sức, kinh phí đi lại, nộp hồ sơ dự tuyển nhiều nơi, rồi lại đi rút hồ sơ nếu không đúng nguyện vọng… nên rất thuận lợi cho thí sinh đăng ký những ngành/trường mình mong muốn.
Đến thời điểm này, các trường ĐH đã chủ động đưa ra kế hoạch tuyển sinh đa dạng và thể hiện tinh thần tự chủ cao. Đa số các trường ĐH đều sử dụng kết quả kỳ thi THPT để tuyển sinh hoặc bổ sung thêm kỳ thi tuyển sinh khác.
LÂM NGUYÊN - (sggp.org.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)