Ngày 18-1 (ngày 24 tháng Chạp Kỷ Hợi), Trung tâm thương mại Aeon Long Biên đông đúc ngay từ giờ mở cửa, nhất là tại khu vực siêu thị và các cửa hàng giảm giá. Càng về trưa và chiều, lượng khách đổ về mua sắm càng tăng, các xe chở hàng chất đầy các loại hàng hóa, thực phẩm. Hơn 100 quầy thanh toán tại siêu thị hoạt động hết công suất, nhưng khách hàng vẫn phải chờ đợi một lúc mới đến lượt. Cảnh mua sắm đông đúc, tấp nập cũng diễn ra tại hầu hết các siêu thị lớn trên địa bàn Hà Nội như Big C, Vinmart, Saigon Co.op Mart…
Đại diện các doanh nghiệp này cho biết, lượng khách đến mua sắm hàng Tết trong các ngày 23, ngày 24 tháng Chạp đã tăng gần gấp hai lần so những ngày trước đó. Để phục vụ khách hàng, các siêu thị đều tăng giờ mở cửa, bố trí thêm nhân viên phục vụ, tăng quầy thanh toán. Tại các chợ, cửa hàng tiện ích, các tuyến phố chuyên doanh, không khí mua bán những ngày sát Tết cũng “nóng” lên trông thấy. Tại các tuyến phố: Hàng Buồm, Hàng Giầy, Tạ Hiện, Trần Xuân Soạn... người tiêu dùng tấp nập đi sắm Tết... Năm nay, bên cạnh các mặt hàng truyền thống, người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn các sản phẩm nhập khẩu, mới lạ như đùi gà, cánh gà tây (Hàn Quốc), chân giò muối, nho khô nguyên cành Ô-xtrây-li-a...
Không khí sắm Tết cũng đang lan tỏa khắp các hội chợ Tết, điểm chợ hoa xuân tại khu vực ngoại thành. Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, để phục vụ nhu cầu của người dân khu vực xa trung tâm, các đơn vị tổ chức hơn 100 chuyến bán hàng lưu động, các phiên chợ Việt tại khu vực nông thôn, ngoại thành, các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Đến mua hàng tại “Chợ Tết” của Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) tổ chức tại chợ Mỹ Cầu (xã Đồng Tân, huyện Ứng Hòa, Hà Nội), cụ Đoàn Thị Liên (thôn Khánh Vân, xã Đồng Tân) cho biết: “Tết năm nào tôi cũng đợi đến phiên chợ này để mua sắm. Ở đây, hàng hóa phong phú, rõ nguồn gốc xuất xứ, chất lượng tốt, mức giá vừa phải. Không lo mua phải hàng giả, hàng nhái hay xuất hiện tại các khu chợ, cửa hàng ở nông thôn”.
Nhìn chung thị trường Tết Canh Tý tại Hà Nội do nguồn cung khá dồi dào, cho nên hầu hết các mặt hàng ổn định giá, riêng các mặt hàng tươi sống có tăng giá nhẹ. Sở Công thương Hà Nội cho biết, ước tính, tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn thành phố đạt khoảng 31.200 tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với kế hoạch dự trữ hàng hóa Tết năm 2019. Nhờ có kế hoạch chuẩn bị từ sớm, cho nên hầu hết giá các mặt hàng tại các siêu thị, cửa hàng lớn không biến động nhiều. Tại các chợ, giá các loại hoa tươi, hoa quả, rau xanh… chỉ nhích nhẹ từ 3 đến 5%. Chị Nguyễn Thị Vân, bán hàng rau của hợp tác xã Vân Nội (huyện Đông Anh) cho biết, những ngày gần đây thời tiết ấm áp, mưa nhiều, các loại hoa, rau củ tăng trưởng tốt, cho sản lượng lớn. Vì vậy các mặt hàng này khó có khả năng tăng giá trong những ngày Tết. Góp phần vào việc giữ giá hàng hóa ổn định còn do tâm lý của người dân cũng đang có xu hướng chuyển từ “ăn Tết” sang “chơi Tết”, người dân hiện nay chỉ mua sắm những thứ cần thiết, những mặt hàng chất lượng, mới lạ và không còn tâm lý tích trữ như trước.
Riêng mặt hàng thịt lợn, trái với tình trạng tăng giá mạnh những tháng cuối năm 2019, những ngày sát Tết Nguyên đán, giá mặt hàng này lại đang giảm, sức mua cũng không tăng mạnh như thời điểm cận Tết các năm trước. Hiện giá lợn hơi đã giảm bình quân 10 nghìn đồng/kg, về mức từ 80 nghìn đến 85 nghìn đồng/kg. Vì thế, giá thịt lợn bán lẻ cũng giảm từ 10 nghìn đến 20 nghìn đồng/kg tùy loại. Sở Công thương Hà Nội khẳng định, nguồn cung mặt hàng thịt lợn cho thị trường Hà Nội cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân, cho nên thành phố chưa phải tính phương án nhập khẩu thịt lợn. Các doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn giá của thành phố cũng cam kết mức giá mặt hàng thịt lợn sẽ giảm ít nhất 5% so với giá thị trường.
Dịp này, nhiều đơn vị triển khai các chương trình khuyến mại, giảm giá để kích cầu mua sắm. Trong hai ngày 18 và 19-1 (tức 24 và 25 tháng Chạp), nhiều thương hiệu thời trang tại Trung tâm thương mại Aeon Long Biên giảm giá tới 50%... Bên cạnh đó, với mỗi hóa đơn mua hàng tại đây, khách hàng còn được nhận phong bao lì xì, phiếu bốc thăm trúng thưởng. Hệ thống siêu thị Big C triển khai chương trình “Khóa giá” trong 40 ngày trước Tết đối với hơn 10 nghìn sản phẩm hàng tiêu dùng nhanh, đồng thời bảo đảm giá không tăng trong dịp Tết.
Để tăng cường kiểm soát thị trường những ngày giáp Tết, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên cho biết, Ban Chỉ đạo Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) TP Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị thành viên và Ban Chỉ đạo 389 các địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi trà trộn hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm đưa vào tiêu thụ tại các hội chợ tiêu dùng, hội chợ hàng khuyến mãi, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa phục vụ nhân dân trong dịp Tết. Lực lượng chức năng sẽ phối hợp triệt phá các đường dây buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, cửa khẩu quốc tế; các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm an toàn thực phẩm đang tồn tại trên địa bàn. Đồng thời, thực hiện các quy định về đăng ký giá, niêm yết giá, bán theo giá niêm yết..., kịp thời phát hiện, xử lý khi xảy ra hiện tượng thiếu hàng, khan hiếm hàng hóa, giá cả tăng đột biến… để người dân yên tâm mua sắm Tết, chuẩn bị đón một năm mới an toàn, hạnh phúc.