Thứ ba, 02/02/2021,10:17 (GMT+7)
Thích ứng với thị trường lao động
Việc học nghề gắn với thị trường lao động là yếu tố then chốt giúp bạn trẻ nắm bắt cơ hội lập thân, lập nghiệp cho bản thân. Để định hướng, hỗ trợ thanh niên trong nghề nghiệp, việc làm, các cấp bộ Đoàn TP Cần Thơ đã phối hợp với các trung tâm dạy nghề, doanh nghiệp tổ chức nhiều lớp dạy nghề, khóa đào tạo kỹ năng để giúp thanh niên vững tin khởi nghiệp.
Các bạn trẻ quận Ninh Kiều nhận chứng chỉ nghề Bartender do Quận đoàn Ninh Kiều và Trung tâm Dạy nghề Nhã Thành phối hợp tổ chức.
 
Học để tự doanh
 
Theo anh Ðinh Quyết Thắng, Bí thư Quận đoàn Ninh Kiều, mỗi năm, Quận đoàn phối hợp với Trung tâm Dạy nghề Nhã Thành tổ chức từ 3 đến 4 lớp dạy nghề (bình quân mỗi lớp có 30 học viên) cho đoàn viên, thanh niên trên địa bàn. Các lớp nghề được tổ chức đều gắn với nhu cầu thị trường và phù hợp với sở thích, thế mạnh của bạn trẻ, như: Thiết kế đồ họa, sửa chữa điện thoại di dộng, Bartender (pha chế thức uống), phục vụ bàn… Trong năm 2020, dù dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng Quận đoàn đã phối hợp tổ chức dạy nghề Bartender cho 64 bạn trẻ. Tất cả các học viên đều được Trung tâm Dạy nghề Nhã Thành kết nối, giới thiệu việc làm ổn định, riêng một số bạn trẻ có thêm kỹ năng nghề nghiệp để tự kinh doanh ở gia đình.
 
Ðiển hình như bạn Trần Trung Tín ở khu vực 4, phường Thới Bình, vừa được nhận chứng chỉ nghề Bartender. Trung Tín cho biết bản thân được học nhiều kiến thức, kỹ năng pha chế thức uống mới và độc đáo. Có thể kể đến như các loại cocktail kiểu Việt, kiểu ngoại và các loại trà sữa, thức uống khác. Trung Tín chia sẻ: “Qua 3 tháng học, tôi tiếp thu nhiều kỹ thuật pha chế mới, tạo ra nhiều thức uống độc đáo, rất hấp dẫn. Ðây là kiến thức giúp tôi áp dụng vào cửa hàng tự doanh của mình”. Hiện Trung Tín là chủ một cửa hàng ăn uống ở đường Phạm Ngũ Lão, quận Ninh Kiều, bán nhiều loại thức uống và món ăn vặt. Nhờ kiến thức và kỹ năng học được, cậu pha chế thêm nhiều loại thức uống mới, góp phần đáp ứng nhu cầu khách hàng ngày càng đa dạng, phong phú hơn. 
 
Theo ông Nguyễn Thành Quý, Phó Giám đốc Trung tâm Dạy nghề Nhã Thành, hằng năm, ngoài phối hợp với Quận đoàn, Trung tâm còn mở nhiều lớp dạy nghề gắn với nhu cầu thị trường. Tiêu biểu như: Tin học văn phòng, nấu ăn, phục vụ bàn… Quá trình học tập, người học được trang bị kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp. Ðơn cử các nghề pha chế, nấu ăn hay phục vụ bàn, học viên được học phương pháp xây dựng thực đơn, bảo đảm tiêu chuẩn phục vụ tại các nhà hàng, khách sạn, cơ sở kinh doanh ăn uống hoặc các trường học. Ngoài ra, học viên còn được trang bị kỹ năng làm việc độc lập, làm việc nhóm… Qua đó, góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp và tác phong công nghiệp cho thanh niên, cung ứng nguồn lao động chất lượng cho các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.
 
Sự chủ động của bạn trẻ
 
Những ngày cận Tết, hẹn gặp Nguyễn An Long ở phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, rất khó bởi cậu đang điều hành Vũ đoàn Rioneo. Ngoài quản lý vũ đoàn, Long còn nhận dạy nhảy, múa cho các bạn trẻ. Anh chia sẻ, từ đầu năm đến nay, dịch bệnh diễn biến phức tạp, có thời gian phải giãn cách xã hội nên đã ảnh hưởng đến hoạt động của vũ đoàn. Tuy nhiên, nhờ ngành chức năng kiểm soát tốt dịch bệnh, những tháng giáp Tết Nguyên đán, vũ đoàn nhận nhiều “sô” biểu diễn khai trương, tri ân khách hàng và các chương trình văn hóa - văn nghệ, nhờ vậy thu nhập cũng khấm khá hơn. An Long thành lập vũ đoàn từ năm 2017, đến nay có 15 thành viên nòng cốt và nhiều cộng tác viên là các học sinh, sinh viên. Vũ đoàn chuyên phục vụ các tiết mục múa dân gian, nhảy cổ động hoặc dance. Từ khi lập nghiệp, không chỉ giúp An Long có thu nhập ổn định, mà còn giải quyết lao động cho nhiều bạn trẻ có năng khiếu nhảy, múa. Nếu siêng năng “chạy sô”, mỗi bạn trẻ có thu nhập từ 3 đến 5,5 triệu đồng/tháng. Vốn có năng khiếu múa từ khi còn sinh hoạt tại Nhà Văn hóa Thiếu nhi tỉnh An Giang, sau khi tốt nghiệp THPT, anh lên Cần Thơ học múa 1 năm tại Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Cần Thơ và tham gia sinh hoạt tại Trung tâm Văn hóa TP Cần Thơ. Ðể phát triển kinh tế gia đình, anh còn làm thêm dịch vụ cho thuê trang phục, đạo cụ biểu diễn nghệ thuật, nhận biên đạo, dạy múa cho học sinh - sinh viên.
 
Câu chuyện của An Long cho thấy, để lập nghiệp thành công, bạn trẻ cần xác định mục tiêu khởi nghiệp rõ ràng, dựa trên thế mạnh và năng khiếu của bản thân. Ðây cũng là mục tiêu mà các cấp bộ Ðoàn - Hội hướng tới trong các chương trình, hoạt động truyền thông về khởi nghiệp. Theo đó, để nâng cao ý thức chủ động của người trẻ, thời gian qua, các cấp bộ Ðoàn - Hội trên địa bàn thành phố tổ chức nhiều hoạt động tư vấn, định hướng nghề nghiệp - việc làm cho thanh niên. Nổi bật như phối hợp cùng Hội Doanh nhân trẻ thành phố tổ chức diễn đàn gặp gỡ, đối thoại giữa doanh nhân với thanh niên, qua đó hun đúc tinh thần khởi nghiệp, ý thức chủ động lập nghiệp cho giới trẻ. Hay như các mô hình ngày hội việc làm, sàn giao dịch việc làm giúp người trẻ chia sẻ kinh nghiệm, khó khăn và thách thức trong quá trình khởi nghiệp như: nguồn nhân lực, tài chính, từ đó giúp ngành chức năng đề ra giải pháp hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế gia đình.
 
Tuy nhiên, bên cạnh sự đồng hành của tổ chức Ðoàn - Hội, sự chủ động và ý thức học tập và rèn luyện của bạn trẻ là yếu tố quan trọng giúp họ lập thân, lập nghiệp thành công trong tương lai.
 
Bài, ảnh: TÚ ANH - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu