Thứ sáu, 07/12/2018,10:28 (GMT+7)
Thu nhập cao từ tổ hợp tác sản xuất lúa giống
2 năm nay, nhiều hội viên nông dân phường Thới Hòa, quận Ô Môn thành lập Tổ hợp tác (THT) lúa giống Hòa An B. Tham gia THT trồng lúa giống, các thành viên trong THT được Viện Lúa ĐBSCL cung cấp giống lúa, hỗ trợ khoa học kỹ thuật trồng và chăm sóc lúa… Đặc biệt, lúa sau khi thu hoạch được Viện Lúa bao tiêu với giá cao hơn so với thị trường từ 500 đồng/kg. Từ đó, các thành viên trong THT an tâm sản xuất, đời sống được nâng cao.

2 năm qua, ông Chinh phát triển mô hình sản xuất lúa giống vì bán được giá cao, không phải lo đầu ra cho sản phẩm.

Ông Trần Ngọc Chinh, khu vực Hòa An B, cho biết: "Năm 2017, tôi tham gia THT để trồng lúa giống cung cấp cho Viện Lúa ĐBSCL. Từ khi tham gia đến nay, tôi được dự lớp tập huấn kỹ thuật nhân lúa giống do Hội Nông dân quận và các ngành chức năng tổ chức. Tôi nhận thấy sản xuất lúa giống có hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, quá trình sản xuất, người trồng lúa giống cần tuân thủ các quy trình, kỹ thuật sản xuất lúa giống nghiêm ngặt". Để phát triển mô hình sản xuất lúa giống, ông Chinh và cán bộ Hội Nông dân phường Thới Hòa đứng ra tuyên truyền, vận động người dân thay đổi dần tập quán sản xuất cũ, áp dụng một số chương trình canh tác trên cây lúa, như: mô hình "1 phải, 5 giảm", "3 giảm, 3 tăng", ứng dụng trồng lúa giống cung ứng cho thị trường.

Theo ông Chinh, trước đây, trồng lúa hàng hóa mạnh ai nấy sạ, không thống nhất thời gian xuống giống, chất lượng lúa không cao, giá cả bấp bênh. Năm 2017, ông Chinh hợp tác với Viện Lúa ĐBSCL để trồng và cung cấp lúa giống. Trồng lúa giống phức tạp hơn so với lúa hàng hóa, nhưng được cán bộ kỹ thuật theo sát "cầm tay chỉ việc" để hỗ trợ nên ông sản xuất đảm bảo đúng quy trình và chất lượng. Trước khi xuống giống, ông được tập huấn kỹ thuật ngâm ủ hạt giống và nhận lúa giống nguyên chủng về gieo sạ. Đến ngày bón phân, phun thuốc trừ sâu, cán bộ kỹ thuật đến nhắc nhở, hướng dẫn trực tiếp… Ông Chinh so sánh: "Năm 2017, với 1,3ha trồng lúa giống, gia đình tôi thu hoạch được 50 giạ/ công. Lúa tươi được bán với giá 6.300 đồng/kg. Trước đây, làm lúa thường, khi thu hoạch bán cho hàng xáo, giá cả lệ thuộc vào họ. Còn trồng lúa giống được ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn so với thị trường. Do vậy, chúng tôi rất an tâm sản xuất".

Thấy mô hình của ông Chinh hiệu quả, nhiều nông dân khu vực Hòa An A, khu vực Hòa Long đã tham gia vào THT để được ký hợp đồng trồng và cung cấp lúa giống cho Viện Lúa ĐBSCL. Năm 2017, THT sản xuất lúa giống khu vực Hòa An B được thành lập với diện tích 5ha và có 7 thành viên tham gia. Ông Lê Huệ Nhỉ, khu vực Hòa Long, cho biết: "Tôi có 7 công ruộng chủ yếu là trồng lúa thương phẩm. Năm nay, tôi đăng ký tham gia THT để trồng lúa giống. Cách đây 2 tuần, Viện Lúa ĐBSCL đã cung cấp lúa giống nguyên chủng và hỗ trợ máy móc để gieo sạ. Đến nay, lúa đã phát triển xanh tốt". Ông Trần Hoài Hận, khu vực Hòa An B, cho biết: "Trước đây, trồng lúa thường một công sạ từ 20 đến 25kg giống. Khi chuyển sang trồng lúa giống, sạ hàng nên chỉ  tốn 12kg giống/công, nông dân tiết kiệm được lúa giống từ 8 đến 13kg/công. Sạ thưa, cây lúa phát triển khỏe, nhẹ công chăm sóc, hạn chế đổ ngã nên năng suất lúa cao".  

Ông Lê Thiện Tam, Chủ tịch Hội Nông dân phường Thới Hòa, cho biết: "THT sản xuất lúa giống là hướng đi mới giúp nông dân an tâm sản xuất vì không phải lo đầu ra sản phẩm. Để giúp THT hoạt động hiệu quả, những năm qua, Hội Nông dân phường phối hợp với các ngành, các cơ quan chức năng hướng dẫn cho các thành viên và hội viên nông dân về kỹ thuật trồng và chăm sóc lúa giống. Sắp tới, Hội Nông dân phường tiếp tục vận động bà con tham gia THT lúa giống Hòa An B để nâng diện tích sản xuất, hình thành vùng chuyên canh sản xuất lúa giống cung ứng cho bà con trên địa bàn quận và các tỉnh lân cận".

Nguồn: Thanh Thư - (baocantho.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu