Thứ sáu, 09/08/2019,08:33 (GMT+7)
Thủ tướng chủ trì họp Thường trực Tiểu ban Kinh tế-Xã hội
Chiều 8/8, Thường trực Tiểu ban Kinh tế - Xã hội của Đại hội Đảng XIII đã có cuộc làm việc dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Tiểu ban về các văn kiện mà Tiểu ban chủ trì xây dựng.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Tại cuộc họp, Thường trực Tiểu ban cho ý kiến về các dự thảo: Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược 10 năm 2011-2020; Báo cáo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030; Báo cáo đánh giá kết quả 5 năm 2016-2020 và Phương hướng nhiệm vụ 5 năm 2021-2025.

Với tinh thần dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm, tập trung thảo luận, Thường trực Tiểu ban đã cho ý kiến về 7 nội dung của các dự thảo báo cáo gồm nhận định, đánh giá kết quả đạt được; những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm; bối cảnh quốc tế và trong nước thời gian tới; quan điểm phát triển; mục tiêu chiến lược bao gồm cả mục tiêu tổng quát và các mục tiêu cụ thể; các đột phá chiến lược; các phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới.

Mở đầu cuộc làm việc, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần là làm sao các văn kiện mà Tiểu ban chuẩn bị về phát triển kinh tế - xã hội, gồm phương hướng 5 năm và chiến lược 10 năm được Đảng chấp nhận, dân phấn khởi và quốc tế đánh giá cao.

Báo cáo với Thường trực Tiểu ban, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Tổ trưởng Tổ biên tập cho biết, thời gian qua, sự phối hợp của các bộ, ngành rất tốt, rất trách nhiệm. Từ tháng 4 đến tháng 7/2019, Tiểu ban đã tổ chức 6 hội nghị với các vùng, làm việc với 56 tỉnh, thành phố. Từ đó, Tổ biên tập đã tổng hợp, chắt lọc các ý kiến để hoàn thiện các báo cáo. Bên cạnh đó, đã triển khai nghiên cứu 42 nhóm chuyên đề với sự tham gia của 52 đơn vị, cơ quan; tham vấn ý kiến của một số tổ chức quốc tế thông qua các buổi tọa đàm.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Tổ biên tập quán triệt sâu sắc ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Trưởng Tiểu ban là nêu cao ý thức trách nhiệm, tập trung cao độ để hoàn thành nhiệm vụ, báo cáo có chất lượng cao, đánh giá phải thẳng thắn, khách quan, trung thực, phản ánh đúng tình hình, thể hiện được tinh thần, khát vọng vươn lên của dân tộc, tinh thần đổi mới, sáng tạo, đột phá đưa đất nước đi lên.

Theo Tổ trưởng Tổ biên tập, hiện có một số cách tiếp cận về việc chúng ta định hướng cho 5-10 năm tới xây dựng đất nước đi đến đâu, đạt được cái gì và bằng cách nào. “Theo tinh thần Thủ tướng nêu ra mà chúng tôi rất tâm huyết, đó là phải có khát vọng, có tinh thần đổi mới, phải có đột phá để phát triển. Nếu chiến lược chỉ đề ra để đạt được, để an toàn thì không có nhiều ý nghĩa”.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Tổ trưởng Tổ biên tập, đại diện các cơ quan tiếp thu ý kiến, rà soát, hoàn thiện để đưa ra cuộc họp của Tiểu ban trong thời gian tới.

Thủ tướng nêu rõ, dự thảo đã bám sát các đề cương được thông qua, cơ bản đáp ứng yêu cầu đề ra, có tính khái quát cao; các nhận định tương đối thẳng thắn, phản ánh đúng tình hình các mặt kinh tế, môi trường, an ninh đối ngoại… có nhiều ý mới, sáng tạo, phản ánh được ý chí, khát vọng vươn lên.

Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Theo Thủ tướng, báo cáo đánh giá kết quả thực hiện chiến lược 10 năm phát triển kinh tế -xã hội, nhìn chung có nhiều nét mới. Trong đề cương chi tiết, Thủ tướng đề nghị cần nghiên cứu, bổ sung đánh giá phù hợp, nhất là bổ sung những nội dung còn thiếu, bảo đảm tính hệ thống, tổng thể trong đánh giá nhận định. Thủ tướng cho rằng, trong các dự thảo chưa có đánh giá công tác chỉ đạo điều hành, trong khi đây là những lĩnh vực quan trọng. Trong phần kinh tế cần có thêm nhiều số liệu để chứng minh. Ví dụ, phần kinh tế vĩ mô cần có đánh giá các biện pháp điều hành kinh tế vĩ mô, bảo đảm kiểm soát lạm phát… cần rà soát lại để thể hiện được sự chủ động trong điều hành, qua đó phát huy hiệu quả, rút kinh nghiệm cho thời gian tới.

Về phần tồn tại hạn chế nêu trong dự thảo, Thủ tướng cho rằng cơ bản nêu được vấn đề, tuy nhiên cần viết chặt chẽ hơn để hiểu đúng tình hình; dùng câu từ phù hợp, sát thực tế hơn.

Về nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, Thủ tướng đề nghị cần nói rõ hơn về tình hình khách quan, câu chữ cũng sát hơn, làm rõ hơn về mặt quan điểm. 

Về quan điểm phát triển, Thủ tướng đánh giá là viết tốt, có kế thừa, phát triển, đồng thời yêu cầu rà soát thêm những vấn đề liên quan dự thảo báo cáo chính trị để hoàn thiện hơn. Do đó cần có liên hệ chặt chẽ, trao đổi với Tổ biên tập của Tiểu ban Văn kiện.

Về mục tiêu tổng quát, cần có thêm con số khoa học, sát thực tiễn, tính khả thi cao.

Nhất trí về phần đột phá chiến lược, Thủ tướng đề nghị giai đoạn tới cần phải phát huy mạnh mẽ thành tựu khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo…

Về phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng nhất trí với dự thảo báo cáo, đồng thời yêu cầu tiếp thu thêm các ý kiến các nhà khoa học, đi nghiên cứu thêm từng lĩnh vực. Ví dụ nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực, hay như phát triển nguồn nhân lực cần gắn với thể chất, tầm vóc. Do đó cần bổ sung thêm, sắp xếp nội hàm theo trật tự hợp lý; rà soát kỹ, tránh trùng lắp; dự thảo phần phòng, chống tham nhũng cần làm rõ hơn; nêu rõ hơn các lĩnh vực thanh toán không dùng tiền mặt…

Thủ tướng cũng cho một số ý kiến về mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Thủ tướng đề nghị thời gian tới, Tiểu ban tiếp tục làm việc với các bộ, ngành Trung ương, xin ý kiến các đồng chí lão thành cách mạng. Thường trực Tiểu ban sẽ tiếp tục nghe thêm ý kiến đóng góp của các nhà khoa học.

Thủ tướng nhấn mạnh, các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng chỉ đạo các buổi làm việc theo từng nhóm công việc đã được phân công; chủ động tổ chức các buổi hội thảo, thảo luận với các chuyên gia, nhà nghiên cứu để hoàn thiện dự thảo báo cáo./.

Đức Tuân - (baochinhphu.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu