Thứ ba, 22/10/2019,11:05 (GMT+7)
Thúc đẩy hợp tác phát triển ngành Tre công nghiệp ở Việt Nam
Ngày 18/10, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo kết nối các nhà nghiên cứu, sản xuất, thương mại, kiến trúc xây dựng nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành Tre công nghiệp ở Việt Nam. Hội thảo được đồng tổ chức bởi VCCI, Oxfam và Cty CP BWG Mai Châu, và nằm trong khuôn khổ dự án Phát triển chuỗi giá trị tre và nghêu tại Việt Nam (SCBV) được tài trợ bởi Liên minh châu Âu và các đối tác.

TS. Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại Hội thảo.

Mở đầu Hội thảo, TS. Nguyễn Trọng Nghĩa, đại diện Cty CP BWG Mai Châu đã trình bày tóm tắt những nghiên cứu của Dự án về sự phát triển ngành Tre công nghiệp, một ngành còn khá non trẻ nhưng lại có tiềm năng vô cùng lớn. Bởi ngành này cung cấp cho con người một loại vật liệu mới có khả năng thay thế gỗ cứng và các vật liệu xây dựng thông thường khác. So sánh các chỉ tiêu về độ cứng và độ bền, các tấm tre ép kỹ thuật có tỷ trọng cao do đó có độ cứng cao hơn các loại gỗ thông thường. Đặc biệt dòng tre ép khối cán dập có độ cứng cao gấp đôi so với loại gỗ cứng hàng đầu là Ipe (loại gỗ thường làm tà vẹt đường tàu) với chỉ số Brinell Harness lên đến 9,5 kg/mm2. So sánh về độ bền theo tiêu chuẩn EN 350 thì vật liệu tre ép khối có độ bền tương đương với các loại gỗ cứng nhất.

Sản phẩm tre trưng bày tại Hội thảo, cùng đó kiến trúc của hội trường cũng được thiết kế bằng sản phẩm tre rất độc đáo.

Theo TS. Nghĩa thì tính thân thiện của vật liệu tre ép công nghiệp là nguyên nhân chính giúp loại vật liệu này ngày càng được sử dụng phổ biến. Kết luận này của ông được dựa trên những nghiên cứu xem xét tác động của cả hai yếu tố tích cực và tiêu cực trong quá trình tạo ra vật liệu tre công nghiệp từ trồng, khai thác, đến sản xuất và vận chuyển đi tiêu thụ. Vật liệu tre công nghiệp hơn hẳn các loại gỗ ở dấu chân carbon thấp hơn (carbon foot print) và khả năng tái tạo nhanh, khả năng phủ xanh đồi trọc cũng như năng suất khai thác trên mỗi ha đất trồng cao hơn.

Tấm tre ép khối có độ cứng cao gấp đôi so với loại gỗ cứng hàng đầu.

TS. Nguyễn Hồng Minh đến từ Viện Khoa học Lâm Nghiệp Việt Nam, người có nhiều năm nghiên cứu về vật liệu tre kỹ thuật mới ở trong nước và quốc tế đã chia sẻ về đặc tính ưu việt của loại vật liệu tre ép công nghiệp trong mọi lĩnh vực nội ngoại thất, kết cấu, xây dựng, đồ gia dụng, công nghiệp... Sân Bay quốc tế Barajas Madrid là một trong những sân bay đẹp nhất thế giới với kết cấu mái bằng vật liệu tre kỹ thuật mới này.

Chính vì những lý do trên mà ngành sản xuất tre công nghiệp đang phát triển “bùng nổ” từ con số 0 những năm 1990 và đạt giá trị 24 tỷ USD năm 2016 (chiếm 1/3 tổng giá trị ngành mây tre của thế giới).

Những chia sẻ quý báu của các chuyên gia về giá trị của sản phẩm trẻ.

Hội thảo đã đưa ra các vấn đề cần phải giải quyết để có thể phát triển ngành Tre công nghiệp như vấn đề chất lượng của sản phẩm, kỹ thuật xử lý mọt, mốc của vật liệu và quan trọng nhất là phải chuyên môn hoá trong sản xuất để có thể cung ứng khối lượng lớn sản phẩm với giá thành hợp lý. Các doanh nghiệp lớn như BWG Mai Châu cần phải tập trung sản xuất phôi tre cho các doanh nghiệp sản xuất gia công sản phẩm cuối cùng và các doanh nghiệp thương mại cần phối hợp với nhau để cùng với nhà sản xuất sản xuất đủ lượng hàng để đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Các khách mời cũng được chiêm ngưỡng nhiều sản phẩm từ tre như bàn ghế, không gian kiến trúc và thưởng trà bằng những chiếc cốc tre được thiết kế tinh xảo.

Thay mặt Dự án SCBV, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền cảm ơn sự tham gia và đóng góp ý kiến của đại diện các doanh nghiệp. Phía Dự án sẽ thiết lập kênh liên lạc giữa các thành viên trong hội các nhà sản xuất và thương mại tre công nghiệp và cung cấp các thông tin nghiên cứu của dự án cho các thành viên; đồng thời sẽ đưa ra các hành động cụ thể tiếp theo nhằm hỗ trợ truyền thông về ngành Tre cũng như hỗ trợ tốt hơn về kỹ thuật cho các doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp đầu ngành.

Minh Thu - (baoxaydung.com.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu