Giá cá tra ĐBSCL dao động ở mức thấp trong nhiều tháng qua.
Khó khăn kép
Tại hội nghị trực tuyến thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong điều kiện dịch COVID-19 vừa qua, Bộ trưởng Nông nghiệp- PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định, năm nay sản xuất nông nghiệp gặp “khó khăn kép”, khi ngay từ đầu năm, tác động của biến đổi khí hậu gây ra tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn tại ĐBSCL ảnh hưởng tới ngành trồng trọt và nuôi trồng thủy sản; dịch tả heo Châu Phi tuy có giảm mạnh nhưng chưa được khống chế hoàn toàn nên vẫn gây khó khăn cho công tác tái đàn; thẻ vàng xuất khẩu thủy sản chưa được gỡ bỏ.
Và dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất và hoạt động xuất- nhập khẩu, tiêu thụ nông sản hàng hóa.
4 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng nông- lâm- thủy sản ước đạt gần 21,1 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 11,9 tỷ USD, giảm 4,9% so cùng kỳ; nhập khẩu ước khoảng 9,17 tỷ USD, giảm 5,2%; xuất siêu gần 2,8 tỷ USD, giảm 4,1%.
Tại hội nghị Thủ tướng đối thoại với doanh nghiệp vào sáng 9/5, ông Trương Đình Hòe- Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP)- cho biết dịch bệnh đã ảnh hưởng lớn đến chuỗi cung ứng cả nguyên liệu lẫn thành phẩm bị đứt gãy, dòng hàng và dòng tiền thiếu hụt, ùn ứ, tồn kho gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.
Ghi nhận thực tế trong nhiều tháng qua, giá cá tra ở ĐBSCL dao động mức thấp, chỉ 18.000- 19.000 đ/kg, khiến hàng loạt hộ nuôi thua lỗ. 4 tháng đầu năm nay, diện tích thả nuôi cá tra ở ĐBSCL gần 3.907ha (bằng 95,43% so với cùng kỳ 2019); sản lượng ước đạt 322.364 tấn, bằng 88,15% so cùng kỳ.
Đối với xuất khẩu, tính đến hết tháng 3/2020, các doanh nghiệp chỉ xuất đạt 334 triệu USD, giảm tới 29,3% so cùng kỳ.
Tại Vĩnh Long, xét tổng thể diện tích vụ Đông Xuân vừa qua đã giảm 5,1% (hơn 2.800ha) so cùng vụ năm trước. Diện tích gieo trồng rau màu giảm 9,37%- hơn 440ha. Cây ăn trái phát triển tốt và cho sản lượng khá nhưng một số loại không tiêu thụ được.
Đàn heo giảm hơn 35%, nuôi thủy sản giảm gần 5,6%. Với kết quả 4 tháng đầu năm như trên thì dự báo ngành nông nghiệp khó đạt mục tiêu tăng trưởng 2- 2,2% theo kế hoạch.
Phát triển theo chuỗi giá trị
Khẳng định ngành nông nghiệp còn đối mặt với nhiều thách thức do dịch bệnh, thiên tai nhưng theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, dù trong hoàn cảnh nào thì con người vẫn có nhu cầu về lương thực, thực phẩm, do vậy, ngành nông nghiệp phải chuẩn bị các kịch bản để sẵn sàng tăng tốc sản xuất khi dịch bệnh được kiểm soát.
Năm 2020 mục tiêu kim ngạch xuất khẩu hàng hóa nông, lâm, thủy sản cả nước đạt hơn 42 tỷ USD. Để đạt kế hoạch, Bộ Nông nghiệp- PTNT chỉ đạo các địa phương ổn định sản xuất thông qua việc điều chỉnh cơ cấu mùa vụ lúa, diện tích gieo trồng nhằm hạn chế thấp nhất tác động của biến đổi khí hậu.
Trong đó, chú trọng yếu tố thị trường, nhất là các thị trường lớn; xây dựng vùng sản xuất tập trung, đầu tư phát triển ngành hàng theo chuỗi giá trị. Với các tỉnh phía Nam, tập trung và định hướng rải vụ cây ăn trái.
Một số cây ăn trái phát triển nóng trong thời gian qua, có nguy cơ rủi ro về giá cả và việc tiêu thụ như cam, bưởi, thì không gia tăng diện tích khi chưa có hợp đồng tiêu thụ và tín hiệu tích cực từ thị trường.
Ông Trương Đình Hòe cho biết, mục tiêu kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm nay không giảm so với 2019.
Cụ thể, phấn đấu xuất khẩu đạt 8,6 tỷ USD, trong đó tôm đạt 3,8 tỷ USD, tăng hơn 15% so với cùng kỳ 2019 để bù đắp cho phần thiếu hụt của xuất khẩu cá tra.
Nói về cơ hội, ông cho rằng, sau các chính sách chống dịch hiệu quả, niềm tin của các nhà đầu tư, các tập đoàn bán lẻ đối với thủy sản Việt Nam gia tăng đáng kể.
“Các quốc gia sản xuất thủy sản lớn đang bị kẹt trong dịch COVID-19 và có độ trễ đáng kể so với Việt Nam và đây là cơ hội cho chúng ta”- ông Trương Đình Hòe nhận định.
Trong khi đó, tại Vĩnh Long, ngành nông nghiệp cũng đang tập trung rà soát, khuyến khích người dân điều chỉnh mùa vụ, diện tích, lựa chọn cây trồng vật nuôi phù hợp để cung cấp, đảm bảo nguồn lương thực.
Ưu tiên hàng đầu thực hiện nhiệm vụ cơ cấu lại ngành, phát triển sản phẩm chủ lực của tỉnh theo chuỗi giá trị có liên kết bao tiêu sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng và giảm giá thành sản xuất.
Một trong những giải pháp được Bộ Nông nghiệp- PTNT đặt ra thời gian tới là, chú trọng 5 thị trường xuất khẩu nông- lâm- thủy sản lớn, gồm: Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc; đẩy mạnh các giải pháp khống chế dịch bệnh trong chăn nuôi và giảm tối thiểu thiệt hại; ứng phó tốt với thiên tai, hạn mặn; tái cấu trúc lại nền nông nghiệp, tổ chức lại nền sản xuất bằng nhiều giải pháp khác nhau; tuyên truyền cho người dân về sản phẩm Việt Nam luôn an toàn... |