Chủ nhật, 24/05/2020,08:12 (GMT+7)
Thúc đẩy thị trường du lịch trong nước
Trong bối cảnh dịch Covid-19 cơ bản đã được kiểm soát tại Việt Nam, du lịch - một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất đã bắt đầu có những bước “phá băng” để tìm cách tự cứu mình. Tập trung phát triển thị trường du lịch trong nước được coi là giải pháp hiệu quả nhất trong lúc này.
Thúc đẩy thị trường du lịch trong nước
Tháp Bà Ponagar Nha Trang (Khánh Hòa) là một trong những quần thể kiến trúc văn hóa Chăm Pa đặc sắc, điểm đến thu hút khách du lịch. Ảnh: MINH HÀ
 
Theo báo cáo về Xu hướng Du lịch Outbound Việt Nam do Outbox Consulting - công ty tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu và tư vấn giải pháp quản lý, phát triển điểm đến tại Việt Nam thực hiện năm 2019, những năm gần đây, lượng khách người Việt Nam đi du lịch quốc tế luôn tăng trưởng từ 10 đến 15%/năm (năm 2018 là 8,6 triệu lượt); dự kiến sẽ tiếp tục tăng bình quân 9,5%/năm cho đến năm 2021. Tuy nhiên, năm 2020, do dịch Covid-19, việc đi du lịch nước ngoài của người Việt Nam sẽ bị hạn chế hơn nhiều và đây chính là cơ hội để ngành du lịch thu hút nhóm đối tượng này cho thị trường trong nước.
 
Thống kê mới đây của đại diện Google châu Á-Thái Bình Dương cũng cho thấy, từ nửa cuối tháng 4 đến nay, khi giãn cách xã hội ở Việt Nam được nới lỏng, lượng tìm kiếm các chuyến bay nội địa trong 30 ngày qua chiếm tới 85%; lượng tìm kiếm liên quan du lịch biển trong sáu tuần qua tăng gấp đôi; tìm kiếm liên quan các công viên, vườn quốc gia tăng 25%...
 
Các thông số này cho thấy, nhu cầu du lịch trong nước của người Việt Nam đang khá lớn. Và trong lúc du lịch quốc tế chưa thể hoạt động trở lại, đây có thể xem là thời điểm vàng để đẩy mạnh thị trường du lịch trong nước, từng bước khắc phục sự suy giảm về tổng lượng khách, cải thiện tình trạng khó khăn của các doanh nghiệp du lịch. Tuy nhiên, một trong những rào cản là thời hậu Covid-19, kinh tế của người dân bị ảnh hưởng, cho nên muốn làm nóng thị trường du lịch trong nước, giải pháp hàng đầu là phải có những chương trình kích cầu thật sự thu hút, hấp dẫn.
 
Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phát động chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” để thu hút sự vào cuộc tích cực của các địa phương, hãng hàng không, doanh nghiệp du lịch nhằm khôi phục thị trường du lịch trong nước; đồng thời vẫn bảo đảm các quy định, điều kiện về an toàn phòng, chống dịch cho du khách, người lao động và cộng đồng. Với thời gian thực hiện từ ngày 1-6 đến 31-12-2020, Chương trình tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm: quảng bá điểm đến, sản phẩm du lịch hấp dẫn; xây dựng, triển khai các gói kích cầu du lịch có dịch vụ chất lượng, giá hợp lý đi kèm những ưu đãi và cam kết của các nhà cung cấp dịch vụ theo chương trình du lịch trọn gói hoặc từng phần.
 
Ngay trong ngày 16-5, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã phát động Chương trình kích cầu du lịch nội địa trên toàn quốc. Được xác định sẽ triển khai thành hai giai đoạn: giai đoạn một từ ngày 15-5 đến 15-7-2020; giai đoạn hai từ ngày 15-7 đến hết năm 2020, Chương trình đưa ra các nguyên tắc kích cầu là phải bảo đảm an toàn cho du khách, giảm giá nhưng không được giảm chất lượng dịch vụ hoặc giữ giá nhưng tăng thêm dịch vụ cho du khách. Các sản phẩm kích cầu cần chú trọng tính mới, độc đáo, giá thành thấp và có thêm những khuyến mãi đa dạng.
 
Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình đánh giá: Sự hưởng ứng của hơn 150 doanh nghiệp ở ba miền đại diện cho các doanh nghiệp du lịch cả nước tham gia lễ phát động đã thể hiện quyết tâm cao của các doanh nghiệp du lịch nhằm khôi phục thị trường trong nước, từng bước đưa du lịch Việt Nam lấy lại đà tăng trưởng. Dù là một trong những ngành chịu thiệt hại nặng nhất từ dịch Covid-19 nhưng du lịch cũng là ngành có khả năng khôi phục nhanh, đồng thời có thể góp phần thúc đẩy các ngành kinh tế khác cùng hồi phục.
 
Minh chứng cho nỗ lực lội ngược dòng để hồi sinh du lịch trong nước là việc nhiều thành phần tham gia chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch đã cùng san sẻ khó khăn, bắt tay hợp tác để tạo nên những sản phẩm du lịch cạnh tranh về cả chất lượng và giá cả. Hàng loạt tỉnh, thành phố là trọng điểm du lịch của cả nước đã áp dụng chính sách miễn phí vào cửa hoặc giảm giá tham quan từ 20 đến 50% ở các điểm đến, khu vui chơi giải trí, danh lam thắng cảnh nổi tiếng. Nhiều cơ sở lưu trú trên cả nước đồng loạt giảm giá phòng, giá dịch vụ. Hãng hàng không quốc gia (Vietnam Airlines) đã phối hợp Hiệp hội Du lịch Việt Nam triển khai chương trình “Du lịch Việt Nam-Điểm đến sáng tươi”, cùng các công ty lữ hành uy tín như Hanoitourist, Saigontourist, Vietrantour, Vietravel, Hanoi Redtours... xây dựng sản phẩm tua ưu đãi giảm tối đa 40% giá vé khi đi theo nhóm tối thiểu sáu người, áp dụng trên toàn bộ hành trình trong nước do Vietnam Airlines khai thác khởi hành từ ngày 15-5 đến 31-12-2020. Vé máy bay nằm trong sản phẩm trọn gói do các công ty lữ hành du lịch phân phối. Ông Phùng Quang Thắng, Giám đốc Công ty du lịch Hanoitourist lưu ý, tâm lý người dân lúc này còn khá e dè khi lựa chọn các sản phẩm du lịch, vì thế các doanh nghiệp phải đưa ra được các sản phẩm phù hợp tâm lý, nhu cầu du khách, giúp du khách yên tâm trên cơ sở đặt tiêu chí an toàn lên hàng đầu.
 
Nhìn nhận về xu hướng du lịch hậu Covid-19, Tổng Giám đốc Công ty du lịch AZA Travel Nguyễn Tiến Đạt cho rằng: Trong trạng thái bình thường mới, cách du lịch của khách hàng cũng theo xu hướng mới. Thay vì đi theo tua trọn gói, đi theo đoàn đông cho vui thì nay người ta sẽ đi theo kiểu Free and Easy (đi du lịch tự do), đi theo các nhóm nhỏ gia đình, bạn bè thân, tới các không gian tương đối độc lập và ít phải di chuyển để tránh tụ tập đông người. Bởi thế, các khu du lịch, resort trong bán kính 250 km sẽ được lựa chọn nhiều hơn.
 
Bên cạnh đó, giao dịch online sẽ “lên ngôi” sau dịch Covid-19, đồng nghĩa du khách có thể ngồi tại nhà để đặt các dịch vụ vé máy bay, khách sạn… Tuy nhiên, trên thực tế, để săn được vé máy bay hay khách sạn giá rẻ thì cũng phải có kinh nghiệm và khá tốn thời gian. Phải biết quy luật khi nào hãng bay có vé giá rẻ, phải có thông tin ngầm biết được khi nào hãng sắp bung ra khuyến mãi. Phải có kỹ năng để đặt chỗ giá vé khuyến mãi thật nhanh và có ngay tài khoản tín dụng để thanh toán. Chưa kể đặt được vé máy bay thì lại chưa đặt được khách sạn ưng ý hoặc ngược lại. Hoặc có khi đặt chỗ mà không để ý điều kiện, không đi được đúng kế hoạch thì sẽ lãng phí tiền trả trước. Vì thế, các công ty du lịch có chuyển đổi số tốt, nhanh nhạy đưa ra được các gói sản phẩm du lịch phù hợp nhu cầu mới của khách sau dịch với mức giá tốt và dịch vụ chuyên nghiệp thì vẫn có đất sống.
 
Tại thời điểm này, nhiều đơn vị lữ hành cũng đã đưa ra những dòng sản phẩm và chiến lược phục hồi cho riêng mình thông qua đẩy mạnh phát triển du lịch trong nước. Hanoi Redtours tung ra những gói tua du lịch hấp dẫn dành cho gia đình với mức giảm sâu từ 30 đến 50%. Vietravel cũng xây dựng những tua riêng với mức giảm 50% dịch vụ… Nắm bắt xu hướng du lịch tự túc, các công ty đã bổ sung thêm các dịch vụ, sản phẩm lẻ như đặt phòng, vé máy bay, cho thuê xe du lịch… Chẳng hạn, bên cạnh các tua trọn gói giảm giá 40%, Công ty du lịch AZA Travel còn cung cấp các tua du lịch cả gói rất hấp dẫn, giảm tới 70% dành cho dịch vụ vé máy bay và khách sạn; giảm tới 50% với voucher ở các khu nghỉ dưỡng đẳng cấp của cả nước…
 
Có thể thấy, Covid-19 là dịp để các doanh nghiệp du lịch thử thách và nhìn lại chính mình, qua đó có khả năng đề kháng và thích nghi cao hơn trước những biến động của thiên nhiên và xã hội. Và từ đây, ngành du lịch cũng cần có sự đánh giá đúng mức về tầm quan trọng của phát triển du lịch trong nước bởi đây được coi là giải pháp phát triển du lịch bền vững với khả năng xoay vòng nguồn tiền trong nước cao.
 
TRANG ANH - (nhandan.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu