Chủ nhật, 16/08/2020,16:45 (GMT+7)
Thúc đẩy ứng dụng công nghệ trong phòng, chống dịch
Thời gian qua, đã có nhiều ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) được phát triển, tạo công cụ đắc lực giúp nhà quản lý và người dân chủ động trong phòng, chống dịch Covid-19, tuy nhiên, vẫn có không ít người dân chưa quan tâm sử dụng. Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, cần đẩy mạnh tuyên truyền, có hướng dẫn cụ thể để tăng lượng người dùng, phát huy hiệu quả các ứng dụng.
Cán bộ Tỉnh đoàn Lâm Đồng hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng Bluezone.
 
Đến nay, Việt Nam đã có nhiều ứng dụng công nghệ hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19, như: Ứng dụng khai báo y tế cho người dân (NCOVI) do Tập đoàn VNPT cùng các công ty công nghệ thông tin và truyền thông lớn ở Việt Nam nghiên cứu và phát triển; ứng dụng Vietnam health declaration do Viettel Solutions xây dựng; ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần (Bluezone) do bốn doanh nghiệp công nghệ hợp tác phát triển: Memozone, VNPT, MobiFone và BKAV… Với ứng dụng NCOVI, người dùng sẽ cung cấp các thông tin phản ánh người nghi ngờ mắc bệnh, người đi về từ vùng dịch, hoặc khai báo thông tin sức khỏe hiện tại của mình để cơ quan chức năng triển khai nhanh các biện pháp phòng, chống dịch. Ðến nay, đã có 17.711.615 bản ghi khai báo y tế tự nguyện qua ứng dụng NCOVI. Ứng dụng Vietnam health declaration dành cho người nhập cảnh vào Việt Nam, có thể khai bằng cách quét mã QR qua điện thoại thông minh để nhận đầy đủ các thông tin cần khai báo. Hiện, có 874.489 tờ khai y tế bắt buộc đối với khách nhập cảnh thông qua địa chỉ tokhaiyte.vn trên ứng dụng Vietnam health declaration. Vừa qua, khi dịch Covid-19 bùng phát tại một số tỉnh, thành phố, nhu cầu sử dụng ứng dụng Vietnam health declaration tăng đột biến, Viettel đã phải nâng cấp năng lực hệ thống lên 30%. Hiện, hệ thống có khả năng lưu trữ bản ghi hồ sơ kê khai từ 22 triệu lên hơn 28 triệu bản ghi. Ứng dụng cũng đáp ứng cho hơn 10.000 người dùng truy cập đồng thời, thay vì 8.000 người như trước đây.
 
Ứng dụng Bluezone ra mắt vào tháng 4-2020, nhưng gần đây số lượng người sử dụng cũng tăng mạnh (hơn 15 triệu lượt tải ứng dụng) khi dịch bùng phát trở lại tại TP Ðà Nẵng. Theo các nhà phát triển ứng dụng Bluezone, ứng dụng này sử dụng công nghệ định vị Bluetooth năng lượng thấp và được đánh giá cao, là giải pháp hiệu quả nhất hiện nay trong việc truy vết tiếp xúc. Sau khi người dùng cài đặt ứng dụng trên điện thoại thông minh (smartphone), điện thoại sẽ tự ghi nhận vào nhật ký thời điểm và thời gian tiếp xúc của người dùng. Từ đó, thiết bị cảnh báo cho người dùng nếu tiếp xúc gần với người nhiễm Covid-19, giúp cơ sở y tế nhanh chóng khoanh vùng, cách ly các ca nghi nhiễm, người tiếp xúc gần với ca nhiễm.
 
Với những tính năng hỗ trợ cho phòng, chống dịch của ứng dụng, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Thông tin và Truyền thông (TT và TT) phối hợp Bộ Y tế, UBND các tỉnh triển khai nhanh nhất việc đề nghị người dân cài đặt ứng dụng trên điện thoại thông minh. Khi có một ca nhiễm bệnh, lịch sử tiếp xúc trong ứng dụng cho biết người dùng đã từng tiếp xúc với người này hay chưa nếu cả hai đều dùng ứng dụng Bluezone. Vì vậy, càng nhiều người cài đặt Bluezone thì hiệu quả cảnh báo càng cao. Triển khai thực hiện, Bộ TT và TT đã ban hành Văn bản số 2841/BTTTT-THH ngày 1-8-2020 gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc tuyên truyền cài đặt ứng dụng; Cục Tin học hóa đã lập nhóm triển khai với Sở TT và TT 63 tỉnh, thành phố. Ðến nay, có hơn 20 tỉnh, thành phố đã có văn bản của UBND tỉnh hoặc Sở TT và TT gửi đến các sở, ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp viễn thông đề nghị tuyên truyền cài đặt ứng dụng Bluezone.
 
Tuy nhiên, hiện ứng dụng này khá mới mẻ, cho nên nhiều người vẫn chưa biết đến để cài đặt. Thậm chí, không ít người đã tải nhầm một ứng dụng khác có tên "Bluzone" (gần giống với Bluezone), không phải là ứng dụng truy vết Covid-19 và không sử dụng tiếng Việt. Việc tải nhầm ứng dụng khiến cả đơn vị phát triển và người dùng đều bị ảnh hưởng; nhiều người đã vội vàng cho rằng ứng dụng khó sử dụng, không có tác dụng truy vết Covid-19 như giới thiệu. Theo các chuyên gia công nghệ, chỉ cần người dùng gõ đúng tên ứng dụng là "Bluezone" sẽ không gặp tình huống nêu trên.
 
Anh Phạm Mạnh Hà (trú tại 106 Hoàng Quốc Việt, phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) chia sẻ, anh đã cài đặt ứng dụng Bluezone, tuy nhiên băn khoăn là ứng dụng này có "quét" được FO, F1 hay không và thường các đối tượng này đã được cách ly y tế thì cài đặt ứng dụng Bluezone liệu có phát huy tác dụng hay không. Giải đáp băn khoăn này, ông Ðỗ Công Anh, Phó Cục trưởng Tin học hóa cho biết, ứng dụng sẽ ghi nhận lịch sử tiếp xúc của người cài đặt, nếu trong số những người đã tiếp xúc được xác định là F0 sau đó thì ứng dụng sẽ tự cảnh báo kịp thời cho cá nhân. Nếu F0 đó đã cài Bluezone từ trước thì việc truy vết, khoanh vùng các F1, F2 được thực hiện rất nhanh. Do vậy cần thiết nhiều người cài đặt ứng dụng này để họ tự bảo vệ mình, gia đình và cộng đồng, tạo điều kiện cho các cơ quan có thẩm quyền quản lý tốt hơn.
 
Để các ứng dụng CNTT hữu hiệu trong phòng, chống dịch Covid-19, Bộ TT và TT đã đưa ra nhiều giải pháp tuyên truyền để các cơ quan, đơn vị phối hợp thực hiện nhằm triển khai nhanh chóng, thống nhất. Trong đó, đáng chú ý là giải pháp các cơ quan nhà nước yêu cầu toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nếu có điện thoại thông minh thì phải cài đặt ứng dụng Bluezone. Chính quyền cơ sở, các tổ chức đoàn thể, tổ dân phố đi từng nhà phát tờ rơi tuyên truyền hướng dẫn người dân cài đặt và sử dụng. Các cơ sở đào tạo yêu cầu học sinh, sinh viên có điện thoại di động thông minh cài đặt cho mình và cho người thân... Khách du lịch đến địa bàn cần nhận được ngay thông báo cài đặt Bluezone trên điện thoại… Ứng dụng này kết hợp với các ứng dụng khai báo y tế khác đang hoạt động ở Việt Nam sẽ trở thành hệ sinh thái truy vết rất cao. Do đó, cần sự chung tay của các bộ, ngành liên quan, các tổ chức xã hội và sự ủng hộ, thực hiện của người dân để phát huy hiệu quả các ứng dụng CNTT trong phòng, chống dịch Covid-19.
 
Ninh Cơ - (nhandan.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu