Thứ năm, 25/07/2019,12:45 (GMT+7)
Thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU: Liên kết và huy động nguồn lực cho tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp
Qua 3 năm thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU về tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, Bạc Liêu tuy đạt được một số thành tựu quan trọng, nhưng vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, chưa tạo nên những động lực mới cho nông nghiệp bứt phá. Vậy, đâu là nguyên nhân?

Nông dân huyện Phước Long cấy lúa trên đất tôm.

Vận chuyển thủy sản sau chuyến ra khơi tại Cảng cá Gành Hào, huyện Đông Hải. Ảnh: L.D

THIẾU LIÊN KẾT, ĐẦU TƯ

Nhìn lại quá trình tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp cho thấy, thiếu liên kết chính là một trong những “điểm nghẽn” làm cho quá trình tái cơ cấu chậm và chưa đạt mục tiêu đề ra. Bấp cập này đã kìm hãm phát triển sản xuất, chưa khơi dậy các tiềm năng, lợi thế cũng như chưa phát huy hiệu quả của nền sản xuất nông nghiệp trong tỉnh.

Một bằng chứng quan trọng là trong lĩnh vực nuôi trồng và khai thác đánh bắt thủy sản vốn là thế mạnh kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Thế nhưng, trong liên kết tiêu thụ hàng thủy sản với nông dân đến nay chỉ có 3 doanh nghiệp tham gia thực hiện mô hình liên kết sản xuất là Công ty TNHH MTV CBTSXK Thiên Phú, Công ty Cổ phần CBTSXK Âu Vững, Công ty Cổ phần Tôm miền Nam, với tổng diện tích sản xuất, bao tiêu chỉ hơn 3.000ha so với tổng diện tích nuôi trồng thủy sản cả tỉnh hơn 139.580ha. Hay trong hoạt động khai thác đánh bắt thủy sản, toàn tỉnh có hơn 1.140 phương tiện khai thác, nhưng đến nay số phương tiện tham gia tổ hợp tác liên kết sản xuất trên biển chỉ chiếm trên 28% tổng số phương tiện, mặc dù việc liên kết sản xuất trên biển sẽ mang lại nhiều lợi ích trong hoạt động khai thác đánh bắt như: giúp phương tiện hoạt động dài ngày trên biển, nâng cao giá trị hàng thủy sản, làm tốt công tác cứu nạn, cứu hộ trên biển…

Xuất phát từ việc thiếu liên kết trong sản xuất, đã làm cho các doanh nghiệp ngại tham gia đầu tư, mở rộng sản xuất và đầu tư trực tiếp vào các ngành, lĩnh vực kinh tế thế mạnh. Đơn cử, Bạc Liêu được xác định là địa phương giàu tiềm năng, thế mạnh về phát triển kinh tế biển, nhưng đến nay cả tỉnh chỉ có một cơ sở đóng mới tàu thuyền!? Trong khi đó, quy mô Cảng cá Gành Hào (huyện Đông Hải) đã đến lúc phải báo động vì quá hẹp, không đảm bảo vệ sinh môi trường và không đáp ứng kịp nhu cầu của phát triển sản xuất.

Ngoài ra, ở nhiều lĩnh vực sản xuất khác cũng thiếu liên kết và chưa được đầu tư nâng chất để phát huy giá trị sản phẩm, mang lại giá trị gia tăng cao, đặc biệt là các mặt hàng nông, lâm, thủy sản như: tôm, cá biển, lúa gạo, rau màu, gia súc, gia cầm, động vật hoang dã… vẫn còn chế biến xuất thô là chủ yếu.

ĐỘT PHÁ TỪ ĐÂU?

Để đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu sản xuất và thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu của Nghị quyết số 03 đề ra, cùng với việc tập trung, quyết liệt và kịp thời ban hành các giải pháp cho chặng đường “nước rút”, ngoài giải quyết các khó khăn, bất cập đã nêu thì việc tập trung huy động nhiều nguồn lực đầu tư cho phát triển hạ tầng, góp phần tạo nền tảng và động lực thúc đẩy quá trình tái cơ cấu sản xuất là việc cần làm hiện nay. Bởi trong 3 năm thực hiện tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất (lúa - tôm; nuôi tôm công nghiệp - bán công nghiệp); xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; các công trình phòng chống lụt bão; công trình giao thông, điện nông thôn; giáo dục, dạy nghề chỉ chiếm hơn 7.272 tỷ đồng (chiếm 16,4% tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội). Trong khi đó, nông nghiệp được xác định là “xương sống” của nền kinh tế.

Theo kế hoạch đầu tư của ngành Nông nghiệp, từ nay đến năm 2020, Bạc Liêu sẽ tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất gắn với phòng chống thiên tai. Cụ thể là tập trung hoàn thành và đưa vào sử dụng Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng vùng lúa - tôm xã Vĩnh Lộc, huyện Hồng Dân; Dự án xây dựng vùng sản xuất lúa - tôm ổn định TX. Giá Rai; Đầu tư kết cấu hạ tầng vùng sản xuất giống thủy sản xã Long Điền Tây; các vùng sản xuất giống quy mô lớn; các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng vùng nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình; khu vực kênh Giồng Me - kênh Cà Mau - Bạc Liêu; xã Vĩnh Trạch - Hiệp Thành, TP. Bạc Liêu; Nam Xiêm Cán, TP. Bạc Liêu; Dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vùng nuôi tôm thâm canh - bán thâm canh và quảng canh cải tiến kênh 30/4 - kênh Chùa Phật; kênh Chùa Phật - kênh Cái Cùng khi bố trí được nguồn vốn phù hợp. Tỉnh cũng tiếp tục thực hiện Dự án xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu (xây dựng hạ tầng kỹ thuật giai đoạn II) sau khi được Bộ NN&PTNT chấp thuận; tích cực mời gọi lựa chọn doanh nghiệp có năng lực, kinh nghiệm, công nghệ tốt để đầu tư vào khu này đảm bảo các mục tiêu đề ra; Đầu tư Dự án cống âu thuyền Ninh Quới, Dự án nạo vét tuyến kênh trục Hòa Bình. Tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương để đầu tư hệ thống âu thuyền trên kênh Cà Mau - Bạc Liêu, nhằm cung cấp nước phục vụ nuôi thủy sản vùng phía Nam Quốc lộ 1A; đầu tư kết cấu hạ tầng vùng nuôi tôm - rừng của huyện Đông Hải, Hòa Bình và TP. Bạc Liêu; đầu tư 3 kênh trục (cầu Số 2 - Phước Long, cầu Sập - Ninh Quới và Nàng Rền), 2 kênh trục dẫn ngọt từ Sóc Trăng về Bạc Liêu khi xác định được nguồn vốn phù hợp và đẩy nhanh tiến độ xây dựng các ô đê bao thủy lợi khép kín và các trạm bơm điện phục vụ sản xuất. Để nâng cao năng lực phòng chống biến đổi khí hậu, tỉnh sẽ đầu tư hoàn thiện tuyến đê biển Đông, các dự án thuộc Chương trình 667, các công trình kè chống sạt lở; hệ thống công trình ngăn triều cường, chống ngập; các dự án trồng rừng, gây bồi tạo bãi (thuộc Chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu). Ngoài ra tỉnh cũng sẽ xây dựng khu neo đậu kết hợp Cảng cá Nhà Mát, Cái Cùng; Dự án nâng cấp, mở rộng Cảng cá Gành Hào; đầu tư Dự án đầu tư xây dựng Cảng cá Nhà Mát, thành phố Bạc Liêu; Dự án Khu neo đậu tránh trú bão và bến cá Cái Cùng; Dự án đầu tư xây dựng khu neo đậu, tránh trú bão Gành Hào…

Với những dự án đầu tư mang tính động lực và đột phá này, sẽ phục vụ tốt cho phát triển sản xuất và thu hút được sự tham gia đầu tư của các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh cùng liên kết hợp tác với nông dân. Đồng thời, tạo nên những tiền đề, động lực mới góp phần đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu sản xuất cho giai đoạn tiếp theo theo hướng không ngừng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

LƯ TRUNG - (baobaclieu.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu