Những ngày qua có hình ảnh các mẫu xe VinFast bị gãy càng chữ A, rơi bánh khiến cộng đồng mạng nổi sóng. Nhiều tranh luận xảy ra giữa những người nghi ngờ chất lượng xe và các chuyên gia, kỹ sư cho rằng phải có va chạm mới dẫn đến hậu quả này.
Chiếc Lux A bị nạn tại TP Hồ Chí Minh.
Trong thời gian gần đây, mạng xã hội thông tin khá dày đặc về 5 vụ việc liên quan đến các xe của hãng VinFast đang di chuyển thì bị gãy càng chữ A, rơi bánh xe tại TP Hồ Chí Minh (2 vụ) và các vụ tại Quảng Ninh, Đà Nẵng và Nghệ An.
Theo tìm hiểu của chúng tôi thì các xe VinFast này đều gặp tai nạn trong lúc lưu thông dẫn đến hư hỏng.
Cụ thể trường hợp xe VinFast bị gãy càng trước ở TP Hạ Long (Quảng Ninh) là do đâm vào dải phân cách lao qua bên đường. Xe có bảo hiểm và không phát sinh trách nhiệm dân sự với bên thứ 3 nên chủ xe tự đưa xe đi sửa không báo Công an.
Còn tại TP HCM, một cán bộ CSGT TP HCM cho biết, đối với 2 vụ xảy ra sự cố xe VinFast tại TP HCM, lực lượng cảnh sát giao thông không thụ lý, các chủ xe đều tự giải quyết.
Còn vụ việc tại Nghệ An: Khi đang lưu thông qua cầu Bến Thủy (địa phận Nghệ An) chiếc xe VinFast Fadil mang BKS 48A - 107... (chưa rõ danh tính người điều khiển) bất ngờ khựng lại, hư hỏng nặng đầu xe với cản trước bung một góc, trục bánh trước gãy, một bánh xe nổ lốp, cách đó 15 m một đoạn dải phân cách bằng bê tông trên cầu Bến Thuỷ 1 hư hỏng.
Vụ tai nạn đã làm cho nhiều người dân hiếu kỳ đứng lại xem, khiến giao thông bị ảnh hưởng. Theo nhiều người dân chứng kiến, nguyên nhân chiếc xe ôtô VinFast Fadil bị gãy trục là do tông phải dải phân cách trên cầu. Cú đâm mạnh, đã khiến chiếc ô tô văng xa hơn 15 m rồi mới dừng hẳn.
Chiều ngày 23/2, tìm hiểu từ lực lượng CSGT TP Vinh (Nghệ An) được biết, hiện đơn vị này đang điều tra nguyên nhân vụ việc, chưa có kết luận cuối cùng.
Theo thông tin của chúng tôi, sau khi xảy ra tai nạn các chủ xe gặp nạn đều đã được xe cứu hộ đưa về xưởng và tự sửa chữa.
Ngoài ra, theo thông tin từ hãng xe VinFast, hiện chưa có bất cứ chủ xe nào đến khiếu nại hay phàn nàn về chất lượng của chiếc xe cũng như đặt nghi vấn về chất lượng trong những vụ việc này.
Qua tham khảo, chuyên gia cho rằng, trong một số trường hợp, góc va chạm trực tiếp với phần bánh trước, đặc biệt khi xe đang đánh lái, chiếc xe dễ bị gãy trục trước.
Về kỹ thuật, bánh trước trên xe hơi được định vị vào khung xe đủ vững chắc nhằm mục đích sử dụng cho nhiều cấu hình xe khác nhau, và không dễ bị gãy hay rụng ở điều kiện sử dụng thông thường. Ngay cả trong điều kiện vận hành hiệu suất cao và bẻ lái liên tục, những mẫu xe thương mại giá rẻ cũng gần như không thể rụng bánh hay gãy càng nếu không xảy ra va chạm.
Bởi thế, có hai khả năng dẫn đến rụng bánh trước.
Thứ nhất là khi bánh trước lao vào vật cứng vững ở đúng vị trí đang đánh lái (xe không thẳng lái), ví dụ như lao vào dải phân cách cứng, vỉa hè...
Thứ hai là bánh trước bị sập gầm, va chạm vào vật cứng, lúc đó gẫy các ốc giữ càng chữ A, cũng có thể rụng bánh.
(Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi thông tin từ nhà sản xuất và cơ quan chức năng để cung cấp cho độc giả)