Thứ sáu, 16/08/2019,10:04 (GMT+7)
Thường vụ Quốc hội giám sát nhiều vấn đề "nóng"
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho biết Quốc hội bố trí 5.100 tỉ đồng cho dự án cầu Mỹ Thuận 2 và dự án này sẽ khởi công vào quý I/2020

Ngày 15-8, Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) diễn ra phiên chất vấn, trả lời chất vấn các bộ trưởng, trưởng ngành về nội dung liên quan đến thực hiện các nghị quyết, kết luận của UBTVQH về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2018.

Quan ngại đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ

Đối với giao thông vận tải (GTVT), thực hiện Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14 của UBTVQH, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ trình bày báo cáo, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 83/NQ-CP ngày 26-6-2018 triển khai thực hiện nghị quyết này. Đến nay, các nhóm nhiệm vụ, giải pháp theo yêu cầu của nghị quyết đã được Chính phủ triển khai thực hiện đạt kết quả.

Thường vụ Quốc hội giám sát nhiều vấn đề nóng - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể nhìn nhận đường cao tốc TP HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ đã triển khai cách đây 10 năm nhưng đến nay tiến độ vẫn chậm Ảnh: TTXVN

Chính phủ đã yêu cầu Bộ GTVT và các địa phương rà soát mức thu phí để điều chỉnh cho phù hợp, đồng thời đẩy nhanh tiến độ triển khai thu phí tự động không dừng, bảo đảm cuối năm 2019 tất cả trạm thu phí sẽ thu phí không dừng theo nghị quyết của QH. Kiên quyết không đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến độc đạo hiện hữu theo hình thức BOT để bảo đảm quyền lựa chọn cho người dân.

Trả lời câu hỏi của đại biểu (ĐB) Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) về giải pháp bảo đảm tiến độ dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và nhà đầu tư gặp khó khăn trong vấn đề tài chính thì phương án giải quyết như thế nào, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết tuyến cao tốc TP HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ là một trong những trục đường quan trọng nhất ĐBSCL. Chính phủ đã triển khai dự án này cách đây 10 năm nhưng đến nay tiến độ vẫn chậm.

Đối với đoạn từ Trung Lương - Mỹ Thuận, Chính phủ đã có quyết định sẽ bổ sung 2.186 tỉ đồng để hỗ trợ nhà đầu tư và cho nhà đầu tư điều chỉnh lại dự án. Việc điều chỉnh đã được UBND tỉnh Tiền Giang phê duyệt. Cách đây mấy hôm, UBND tỉnh Tiền Giang (cơ quan nhà nước có thẩm quyền) đã điều chỉnh phụ lục hợp đồng để đưa vào các điều khoản liên quan trách nhiệm của nhà đầu tư.

Còn phần vốn của nhà đầu tư, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng nhà đầu tư đã bỏ vào khoảng 3.000 tỉ đồng, vốn còn lại là của các tổ chức tín dụng. Vừa qua, Chính phủ đã họp và giao Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng hỗ trợ khoảng 6.000 tỉ đồng cho dự án.

"Với sự chỉ đạo chung của Thủ tướng, các tổ chức tín dụng đã phối kết hợp để bổ sung vốn cho dự án. Nếu có được khoản vốn tín dụng này, cùng 2.186 tỉ đồng của nhà nước, 3.000 tỉ đồng của nhà đầu tư, dự án đến cuối năm 2020 sẽ cơ bản thông xe từ Trung Lương - Mỹ Thuận và sẽ hoàn thành toàn bộ trong năm 2024, đúng chỉ đạo của Thủ tướng" - ông Thể nhận định.

Tuy nhiên, với đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể bày tỏ quan ngại bởi đang cần bổ sung nguồn vốn khoảng 932 tỉ đồng thì phương án tài chính mới khả thi. Vừa qua, Thủ tướng đã quyết định bổ sung nguồn vốn năm 2018 là 932 tỉ đồng cho dự án này nhưng nay vẫn chưa có quyết định chính thức nên chưa thể hoàn tất phương án tài chính.

Đối với dự án cầu Mỹ Thuận 2, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết đã được QH bố trí 5.100 tỉ đồng, Bộ GTVT đang làm hồ sơ thiết kế kỹ thuật và dự toán. Theo kế hoạch, quý I/2020 sẽ khởi công dự án này. Riêng 2 đường vào cầu, muộn nhất tháng 12-2019, Bộ GTVT sẽ khởi công.

ĐB Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của QH, bày tỏ băn khoăn: "Về đường cao tốc, tôi đọc một câu châm biếm trên Báo Tuổi Trẻ chủ nhật phát hành ngày 11-8 vừa qua mà đau lòng: "Ví dầu cao tốc miền Tây/Xây đi xây lại, xây hoài không xong". Thực sự rất buồn. Thấy quyết tâm của bộ trưởng, chỉ đạo của Thường trực Chính phủ và Thủ tướng, tôi mừng lắm. Tuy nhiên, tôi nhắc lại câu này vì nó thấm vào nhiều người".

Đấu tranh với các trang mạng nước ngoài

Trả lời câu hỏi của ĐB Đinh Duy Vượt (Gia Lai) về quản lý mạng xã hội, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng muốn quản lý được mạng xã hội thì đầu tiên phải nhìn thấy. Do đó, Bộ TT-TT đã đầu tư, xây dựng, đưa vào vận hành Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia với 2 chức năng: Giám sát được các cuộc tấn công mạng vào Việt Nam và giám sát được thông tin trên không gian mạng như trên báo chí, mạng xã hội.

"Trung tâm có khả năng xử lý 100 triệu tin/ngày; có thể phân loại, đánh giá được tỉ lệ thông tin tiêu cực và tích cực. Trước đây, có những lúc thông tin tiêu cực trên không gian mạng chiếm hơn 30% thì giờ đã giảm còn dưới 10%" - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho hay.

Về đấu tranh với các trang mạng nước ngoài trong khi họ chưa có văn phòng đại diện tại Việt Nam, chưa đóng thuế, chưa thực thi luật pháp, trong năm qua, Bộ TT-TT cũng đã hoạt động rất tích cực. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết trước đây, khi chúng ta yêu cầu thì các trang mạng nước ngoài chỉ thực hiện được khoảng 30% nhưng nay tỉ lệ Facebook thực hiện yêu cầu của Việt Nam tăng lên khoảng 70%-75%; YouTube thì tuân thủ tốt hơn, trước đây khoảng 60% nay thì 80%-85%...

Bộ trưởng Bộ TT-TT cho rằng khi nói đến hệ sinh thái số Việt Nam, tại sao chúng ta lại đặt vấn đề xây dựng các mạng xã hội Việt Nam. Theo Bộ trưởng, nếu không có mạng xã hội của chính mình thì tất cả những gì chúng ta nói, chúng ta đọc, thậm chí chúng ta mua bán… đều được lưu trữ ở nước ngoài và nói vui là "cái não của người Việt Nam ở nước ngoài". Bây giờ, những thông tin họ thu thập được chủ yếu dùng để làm quảng cáo. Tuy nhiên, họ có thể dùng vào việc khác và có thể nguy hiểm đến an ninh. Do đó, chúng ta đặt mục tiêu xây dựng các mạng xã hội trong nước để mạng xã hội trong nước có số lượng người dùng tương đương với mạng xã hội nước ngoài, để "não người Việt Nam phân tán đều", để không có bất kỳ nhà mạng nào có thể thu thập được toàn bộ thông tin người Việt Nam.

"Hiện nay, các mạng xã hội Việt Nam có 65 triệu thuê bao. Trong năm vừa qua tăng trưởng khoảng 30%, từ 50 triệu lên 65 triệu thuê bao. Trong khi đó, các mạng xã hội nước ngoài có tất cả khoảng 90 triệu thuê bao. Với tốc độ tăng trưởng như vậy thì đến năm 2020, chậm nhất đến năm 2021, chúng ta sẽ đạt được tỉ lệ 50-50" - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói và nhận định hiện có khá nhiều cơ hội để người Việt Nam và các công ty công nghệ Việt Nam phát triển mạng xã hội của Việt Nam. 

Có dự án ODA gây nhiều hệ lụy

Trình bày báo cáo tổng hợp nội dung thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH, Tổng Thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc đánh giá đối với việc quản lý và sử dụng vốn vay nước ngoài, bên cạnh những kết quả tích cực thì vẫn tồn tại những dự án sử dụng vốn vay ODA chưa hiệu quả từ khâu huy động dẫn đến việc thực hiện, sử dụng vốn kém hiệu quả, tạo nhiều hệ lụy cho nền kinh tế (như dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, tình trạng đội vốn của các tuyến đường sắt đô thị TP HCM, tồn tại của một số dự án liên quan một số tuyến đường cao tốc).

Do đó, cần có phương án xử lý để giải quyết đối với những dự án cụ thể này nói riêng và rút kinh nghiệm chung về việc xây dựng tiêu chí, điều kiện vay thật sự hiệu quả, tránh việc lệ thuộc vào nhà tài trợ.

Làm tan rã hơn 1.400 đường dây tín dụng đen

Trả lời về vấn đề tín dụng đen, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết trong thời gian qua, lực lượng công an đã khởi tố 436 vụ, 766 bị can liên quan tội danh tín dụng đen, bảo kê, đòi nợ thuê. Đáng chú ý, ngành công an đã làm tan rã hơn 1.400 đường dây, tổ chức liên quan tín dụng đen. Theo Bộ trưởng Tô Lâm, trước sự đấu tranh quyết liệt của lực lượng công an, hoạt động tín dụng đen thời gian gần đây có dấu hiệu cầm chừng, một số đường dây tạm dừng hoạt động.

Dù vậy, Bộ trưởng Bộ Công an vẫn nhìn nhận tình hình hoạt động bảo kê, tín dụng đen, đòi nợ thuê vẫn còn diễn biến phức tạp, gây lo lắng cho người dân. Trong thời gian tới, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện, duy trì khí thế tấn công trấn áp tội phạm tín dụng đen, triệt phá băng nhóm đòi nợ thuê, tín dụng đen.

Trước băn khoăn của cử tri về việc có hay không tình trạng bảo kê, bao che cho tín dụng đen, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết qua điều tra, chưa phát hiện đối tượng bao che, bảo kê cho tín dụng đen, kể cả trong ngành công an. Quan điểm của Bộ Công an là xử lý nghiêm trường hợp bảo kê và liên quan bảo kê, không có vùng cấm nào.

M.Chiến

Văn Duẩn - Nguyễn Hưởng - (nld.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu